Cần Giúp Đỡ

Nghi Xuân: “Dị nhân” viết chữ, vẽ tranh bằng…mồm

Căn nhà cấp bốn ẩm thấp, khuất sau lùm cây cạnh Trường cấp 2 Phổ Hải (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi tá túc của một nhân vật khá nổi tiếng: Phạm Sỹ Long, người bại liệt viết chữ, vẽ tranh bằng…mồm.

Bị liệt tứ chi sau một vụ tai nạn, Phạm Sỹ Long thành người tàn phế, ăn nằm một chỗ. Không đầu hàng số phận, anh gượng dậy, tập viết bằng… mồm và sau thời gian dài kiên trì tập luyện, anh đã điều khiển thuần thục cây bút. Hằng ngày, Long dùng mồm ngậm bút để trò chuyện với bạn bè trên Facebook, ngậm bút viết văn, làm thơ, vẽ tranh.
Bà Trần Thị Hà đang giữ sách để con viết.  Ảnh: Quang Long Bà Trần Thị Hà đang giữ sách để con viết. Ảnh: Quang Long
Tai họa từ trên trời rơi xuống


Khi chúng tôi đến, Long đang thiêm thiếp trên giường, mình trần, nửa dưới cơ thể phủ tấm chăn mỏng. Tấm thân còi cọc, tiều tụy, vốn đã khó khăn chống chọi với bệnh tật, những ngày nóng thiêu đốt càng thêm khổ.

Cứ vài tiếng một lần, bà Hà (mẹ của Phạm Sỹ Long) mang xô nước vào nhà, bà múc từng bát nước, lấy khăn đắp lên người con. “Đó là cách duy nhất để làm mát cho nó. Nóng nực thế này không chịu nổi. Nhìn con dầm dề mồ hôi nằm bẹp trên giường từ ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác, tôi đã đứt từng khúc ruột!”, bà mẹ nhìn con, ứa nước mắt.

Thảm cảnh này diễn ra đã hơn 10 năm. Từ một thiếu niên tuấn tú, khỏe mạnh, Phạm Sỹ Long đột nhiên phải nằm liệt giường, toàn thân bất động, trừ cái đầu và một phần cánh tay phải.

“Năm 2003 tai họa khủng khiếp ập đến, khi đó em mới 15 tuổi”, Long kể. Một buổi sáng, cậu bé thay cha dắt trâu ra đồng, ngó thấy trên cây phi lao cao vút có cành cây khô, Long xắn tay áo trèo lên định bụng bẻ cành cây khô về cho mẹ làm củi. Trèo lên nửa chừng, cậu phát hiện thấy một tổ chim. Cậu bé hí hửng trườn, bò ra phía bầy chim làm tổ. Bỗng rắc một tiếng. Cành cây gãy làm đôi. Phạm Sỹ Long rơi từ độ cao 10m cắm đầu xuống đất. Máu từ mồm ộc ra. Bất tỉnh.

May mắn thoát chết sau tai nạn kinh hoàng, nhưng di chứng để lại rất nặng nề, anh bị vỡ nhiều đốt sống cổ, dẫn tới tứ chi bại liệt.

“Sau mấy ngày điều trị tại bệnh viện huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), gia đình đưa em lên BV Nhi Nghệ An, rồi chuyển ra Hà Nội. Các bác sỹ ngoài đó bảo, chấn thương nhiều đốt sống cổ không thể phẫu thuật được. Bó tay. Em được bố mẹ đưa về nhà (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) và từ đó đến nay đã là 11 năm, em luôn phải ăn nằm một chỗ, muốn dậy ngồi xe lăn phải có người bê lên, đặt xuống.

Em chỉ cử động được mỗi cái cổ, và một phần cánh tay phải thôi, anh ạ!”, Phạm Sỹ Long nói.

Bao nhiêu ngày thoi thóp trên giường, là bấy nhiêu khổ cực. Nắng nóng, da anh cọ xát, dính vào chiếu khiến chỗ thì phồng rộp lên, chỗ chai sần. Mùa rét, đôi chân lạnh ngắt, mất hết cảm giác. Cột sống, cánh tay trái cũng đã liệt hẳn, từ vai trở xuống không cử động được. Bệnh viêm phế quản, viêm phổi thường xuyên xuất hiện, giày vò. Mỗi lần gom góp được ít tiền, thương con, bố mẹ lại ôm Long tàu xe đi các bệnh viện ở Hà Nội thuốc thang, chạy chữa.

“Bác sỹ bảo, bệnh của em rất nguy hiểm, sự sống tùy thuộc vào người chăm sóc!”, Long cho hay. Năm 2012, bố mất vì bệnh ung thư. Cuộc sống của chàng trai tật nguyền phụ thuộc vào mẹ. Quần quật chợ búa, làm ruộng, cứ vài tiếng đồng hồ bà Trần Thị Hà lại chạy về với con, bón cho con từng thìa cháo, ngụm nước. Cứ mỗi lần nhìn gương mặt lo lắng, dáng đi nhọc nhằn, tất tưởi của mẹ, Phạm Sỹ Long cắn răng nén khóc.

Suốt ngày nằm bẹp trên giường, quả là một cực hình. Anh muốn “làm gì đó cho khuây khỏa”, nhưng khổ nỗi, tay chân không thể nhúc nhích được. Giữa lúc chán nản, tuyệt vọng, anh chợt nảy ra ý định tập viết.

“Phải viết được để diễn tả những điều mình nghĩ, viết để có thể trò chuyện với bạn bè!”, Phạm Sỹ Long nói. Chàng trai tật nguyền bắt đầu hành trình chinh phục con chữ bằng cách chẳng giống ai!

Viết chữ, vẽ tranh bằng… mồm

Tập viết chữ bằng mồm đối với người bình thường đã khó, với người chân tay bại liệt như Phạm Sỹ Long càng khó khăn bội phần. Không nhúc nhích để cầm được quyển vở, cũng chẳng thể ngồi lên được, anh nằm ngửa, quyển vở đặt cạnh thành giường, đầu vẹo sang một bên và mồm ngậm chặt chiếc bút, anh mài đi mài lại ngòi bút trên trang giấy.

Ban đầu viết chữ to, có chữ chiếm bảy tám dòng kẻ ô, chữ tròn nhưng hóa thành… hình vuông. Đánh vật cả tháng trời, chẳng ra hình thù con chữ. Nản!

“Quyển vở để gần mặt quá, không viết được, em nhờ mẹ buộc bút vào que gỗ cho dễ ngậm, xích ra xa một tý, dễ nhìn hơn. Để giữ cho trang giấy đứng yên, mẹ giúp em cố định nó vào thành giường. Thế là ổn!”, Long cười hồn nhiên.

Dần dà, những con chữ cứ tiếp nối, thành hình. Sau khi đã tập viết được chữ to, Phạm Sỹ Long bắt đầu viết chữ nhỏ, sao cho mỗi chữ viết ra vừa vặn một ô vuông. Nhưng cứ mãi dán mắt vào nét bút, mắt anh cay xè, nước mắt nước mũi chảy ra, hai hàm răng đau nhức, tê buốt.

“Hàm răng mỏi nhừ, không thể nhai nổi hột cơm, có tuần em phải ăn cháo. Mệt, nhưng phấn khởi lắm anh ạ! Viết được chữ, em sẽ viết được thư, sẽ giao lưu được với bạn bè trên mạng, em sẽ không còn cô đơn nữa!”, Phạm Sỹ Long mỉm cười, nước mắt rưng rưng.

Từ hôm viết được chữ, dù mỗi lần ngậm bút là mỗi lần cơ cực, toát mồ hôi, chàng trai tật nguyền bỗng vui vẻ hẳn lên. Những tứ thơ cuồn cuộn, thôi thúc, bùng nổ, những dòng thơ cứ thế trải dài trên trang giấy.

Cánh đồng sau nhà, cây hồng trước ngõ, gương mặt bạn bè thân quen, nỗi niềm xưa cũ ùa về, Long hồ hởi ghi chép lại thành những bài thơ nho nhỏ, ở tư thế nằm. Cuối năm 2013, Phạm Sỹ Long hoàn thành tập thơ “Miền khát vọng”.

Có thơ, nhưng không có tiền để in. Mẹ và chị gái gom góp được 7.300.000 đồng, số tiền dành dụm được từ bán lạc, bán khoai vụ Xuân, đưa cho Long để in sách. Nhờ sự trợ giúp của một người quen, đầu năm 2014, tập thơ “Miền khát vọng” (NXB Văn hóa – Thông tin) ra đời.

Tập thơ “Miền khát vọng” được Phạm Sỹ Long viết trong tư thế… chẳng giống ai

Gần 40 bài thơ Phạm Sỹ Long viết trong cay cực, trong nỗi buồn thân phận, chất chứa những mơ ước, hoài bão, những nỗi niềm.

Sau khi ra mắt tác phẩm đầu tay, Long chuyển sang viết hồi ký. “Càng ngày, em càng thấy mình yếu đi. Với thể trạng này, có thể em không sống được bao lâu nữa. Em muốn viết lại cuộc đời mình, kể lại thời thơ ấu cho đến những tháng năm triền miên nằm liệt trên giường và hành trình chinh phục cái chữ, tập viết bằng mồm, để mọi người thấy nếu có ý chí, nghị lực, những người không may mắn như em vẫn có thể vượt lên số phận để thực hiện được hoài bão, mơ ước của mình!”.

Phạm Sỹ Long cho biết, tập hồi ký anh đang phác thảo sơ khai, chưa rõ hình hài, nhưng sẽ chứa đựng nhiều nỗi niềm, uẩn khúc, nghị lực vượt lên số phận và quá trình “cắn răng, ngậm bút” tứa máu trên hành trình thoát khỏi bóng tối.

Vừa làm thơ, viết hồi ký về cuộc đời mình, chàng trai tật nguyền còn vẽ tranh bằng mồm.

Những bức tranh vẽ bằng mồm của chàng trai tật nguyền

Năm ngoái, bên hàng xóm có người đi lao động ở xa về, tay trắng. Chẳng có gì để chia sẻ, động viên chị ấy, em bèn vẽ tặng chị ấy một bức tranh và từ đó em phát hiện mình có khả năng vẽ tranh, dù rằng, nét vẽ không được đẹp như người bình thường!”, Phạm Sỹ Long mỉm cười.

Thấy con có năng khiếu hội họa, bà Trần Thị Hà đạp xe lên chợ Giang Đình mua cho con bộ bút màu, tập giấy trắng. Trên giường bệnh, ở tư thế nằm và ngậm bút màu, Long đã sáng tác hàng trăm bức họa. Tác phẩm của anh chủ yếu là vẽ cây cỏ, chim muông.

Chiếc ghế đặt bên cạnh giường của anh, vừa để cho mẹ ngồi chăm con hằng ngày, vừa là nơi anh giao lưu với bạn bè qua mạng xã hội. Trên thành ghế xù xì, bà Trần Thị Hà giúp con buộc sẵn một chiếc điện thoại bé xíu. Mỗi lúc online, Long ngậm que gỗ đầu có gắn thép, nghiêng mặt chát với bạn bè, tự chụp hình và đăng ảnh “tự sướng” qua nick name Rồng Rơi Lệ trên Facebook.

Bàn phím chiếc điện thoại sau nhiều ngày sử dụng đã sờn, đã cũ, có nơi thủng lỗ chỗ, nham nhở. Dù nằm ngửa, phải nghiêng đầu hướng về chiếc điện thoại, nhưng các động tác của anh thuần thục, chính xác gần như tuyệt đối.

Phạm Sỹ Long khôi hài: “Có bữa em viết nhanh quá, máy nó báo lỗi: Đề nghị bạn thao tác chậm lại, hệ thống xử lý không kịp!”.

Những đêm lang thang trên Facebook tìm bạn trò chuyện, Rồng Rơi Lệ tình cờ gặp một nữ sinh Khoa Ngoại Ngữ, Trường ĐH Yersin (Đà Lạt).

Cô gái quê Lâm Đồng cảm phục ý chí, nghị lực của chàng trai trẻ. “Ban đầu, em chỉ muốn kết bạn để trò chuyện, chia sẻ. Thực lòng em không muốn đem gánh nặng cuộc đời mình đặt lên vai người khác, nhưng tình cảm của người đó rất thật!”, Long kể. Từ miền đất Cao nguyên xa xôi, cô nữ sinh vượt nghìn cây số khăn gói tàu xe về Hà Tĩnh.

Cuộc hội ngộ bất ngờ, nhiều nụ cười và cũng thật nhiều nước mắt. Vừa bước vào căn nhà nghèo nàn, ẩm thấp, đập vào mắt cô gái là cảnh người bạn đang thoi thóp trên giường, xung quanh ngổn ngang chai lọ và không khí nặng mùi thuốc kháng sinh, lẫn mùi nước tiểu khai nồng.

Đã từng thấy Phạm Sỹ Long trên Facebook, hiểu rõ về cảnh ngộ của anh, nhưng khi mục sở thị “người trong mộng” cô không khỏi giật mình, bởi tình cảnh của anh quá bi đát. Một thoáng bần thần, ngơ ngác, cô nữ sinh bỗng cắn chặt môi, nước mắt cô trào ra. Cô gái sụp xuống ôm chặt lấy anh.

“Chúng tôi yêu nhau được đúng 800 ngày. Tôi nằm đếm từng ngày”, Long nói. Tình yêu đã vượt qua rào cản, phá vỡ mọi khoảng cách, thổi bùng đam mê và bùng cháy ngọn lửa sống ở chàng trai tật nguyền. Sau lần gặp đó, cô nữ sinh quay về Đà Lạt và 3 lần khác vượt đường thiên lý ra Hà Tĩnh thăm anh.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP