Giết mổ gia súc tại gia tràn lan
Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh sự lây lan các dịch bệnh, theo quy định về quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển, mua bán gia súc và sản phẩm gia súc, việc giết mổ, sơ chế gia súc để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y có thẩm quyền thực hiện kiểm soát trước, trong và sau giết mổ, sơ chế.
Quy định là vậy, nhưng tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng giết mổ gia súc tại gia diễn ra khá phổ biến, kéo theo đó là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhận được phản ánh của người dân về vấn đề này, liên tục nhiều ngày từ 10-14/3, chúng tôi đã có mặt tại địa phương, "đột nhập" một số cơ sở giết mổ tự phát trên địa bàn. Không khó để chúng tôi tìm ra được các cơ sở giết mổ tại gia của các hộ kinh doanh thịt gia súc.
Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông T., ở phường sông Trí, thị xã Kỳ Anh. Tại đây, việc giết lợn diễn ra công khai. Đáng nói, theo quan sát cũng có thể nhận thấy công tác giết mổ không đảm bảo bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không những vậy, việc giết mổ gia súc tại gia như thế này còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân lân cận và vệ sinh môi trường.
Con lợn với nhiều vết nổi mẩn đỏ trên người nhưng vẫn được giết thịt |
Không riêng nhà ông T., trên địa bàn cũng có không ít hộ kinh doanh không mang gia súc đến khu giết mổ tập trung theo quy định. Vậy nhưng, những con lợn đã được mổ thịt tại gia vẫn được cán bộ thú y kiểm dịch. Điều này khiến người dân nghi ngờ có sự "tiếp tay" của cán bộ thú y thuộc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ Cây trồng Vật nuôi TX. Kỳ Anh (?!).
Ông H., một người dân chuyên làm nghề giết mổ ở phường Sông Trí bức xúc: “Tôi thật không hiểu vì sao các cơ quan chức năng lại để tình trạng giết mổ tại nhà mà không vào lò giết mổ tập trung, vậy mà thịt gia súc của họ vẫn được cán bộ thú y kiểm dịch thì thật quá vô lý. Chắc chắn có sự tiếp tay, bảo kê của cán bộ thú y".
Bà D., một hộ kinh doanh khác ở phường Kỳ Trinh cho biết thêm: “Có một số hộ được ông Nguyễn Văn Quỳ, cán bộ trạm thú y thuộc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ Cây trồng Vật nuôi TX. Kỳ Anh đứng sau "làm luật". Cứ làm thịt ở nhà rồi “mua” giấy kiểm định và đóng dấu bao nhiêu con cũng được”.
Nghi vấn có sự "tiếp tay" của cán bộ thú y
Sau nhiều ngày "nhập vai" tìm hiểu, quả đúng như lời người dân phản ánh, chúng tôi phát hiện, mỗi đêm, một hộ kinh doanh trên địa bàn thị xã Kỳ Anh giết thịt từ 5 - 7 con lợn, nhưng sau đó họ chỉ cần đưa 1 con đến lò mổ tập trung để xin dấu kiểm dịch. Thậm chí, có hộ chỉ cần đưa một miếng thịt đến gặp cán bộ thú y đóng dấu lấy phiếu là được.
Đáng chú ý, sáng 14/3, chúng tôi đã phát hiện một người đàn ông không phải là cán bộ thú y cầm 10 phiếu kiểm dịch đã được ông Quỳ ký kiểm dịch vào ngày 15/3 đến nhà hộ kinh doanh để làm việc thay cho ông Quỳ.
|
Biên lai thu tiền phí, lệ phí kiểm soát giết mổ gia súc ngày 15/3 nhưng đã được một người đàn ông không phải là cán bộ thú y đưa cho tiểu thương từ ngày 14/3/2018.
Bên cạnh đó, mục sở thị ở một số chợ trên địa bàn, rất nhiều lượng thịt gia súc được bày bán nhưng không có dấu kiểm dịch. Trong khi đó, không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng đi kiểm tra và xử phạt.
Rất nhiều thịt động vật không có dấu kiểm dịch thú y được bày bán công khai ở chợ. |
Trước thông tin người dân phản ánh, ông Nguyễn Văn Quỳ, cán bộ trạm thú y thuộc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ Cây trồng Vật nuôi TX Kỳ Anh thừa nhận việc mới ngày 14 nhưng phiếu kiểm dịch đã được ký đến ngày 15/3 để giao cho tiểu thương. Ông này còn đưa ra lý do biện minh rằng: "Phiếu này tôi giao cho bảo vệ lò mổ để khi tôi không có mặt, người này giao lại cho cho các tiểu thương”.
Tuy nhiên, khi được hỏi, lấy căn cứ vào đâu để biết lợn có bị nhiễm bệnh hay không thì ông Quỳ không có câu trả lời.
Lợn được giết mổ ở hộ gia đình không qua kiểm dịch thú y. |
Để có thêm thông tin, chúng tôi đã liên hệ với một lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ Cây trồng Vật nuôi TX Kỳ Anh. Người này cho biết: “Trường hợp ông Nguyễn Văn Quỳ là cán bộ hợp đồng của trung tâm. Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin báo chí và người dân phản ánh. Nếu đúng ông Quỳ vi phạm, chúng tôi sẽ cho nghỉ việc. Chúng tôi đã quán triệt, công tác giết mổ cần phải đưa vào lò mổ tập trung để cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ”.
Liên quan sự việc, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thông tin: “Đúng là tình trạng giết mổ gia súc tự phát tại nhà trên địa bàn TX Kỳ Anh vẫn đang còn nhiều. Chúng tôi rất muốn các hộ kinh doanh đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung để đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường nhưng bên cạnh sự vào cuộc thiếu quyết liệt của lực lượng liên ngành, ý thức của người dân cũng chưa cao. Khi không có đoàn kiểm tra thì đâu lại vào đó".
Về phản ánh cán bộ thú y Nguyễn Văn Quỳ bị nghi vấn "tiếp tay" cho hộ dân giết mổ không theo quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện có vi phạm, ông Hà nhấn mạnh.
Tác giả: QH - HT
Nguồn tin: antt.vn