Người đương thời

Nghệ nhân Phan Thị Mơn: Đêm nằm nghe tiếng phách Trù

Theo những con đường ngoằn ngoèo phủ đầy cát trắng ở miền quê Cổ ạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Ca trù Phan Thị Mơn. Đã ngấp nghé ngưỡng tuổi 90, nhưng cụ Mơn vẫn còn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng cụ lại ngâm 1 điệu Ca trù.

Thật bất ngờ khi đã ở tuổi xưa nay hiếm mà giọng hát của cụ vẫn còn mượt mà, trong trẻo và giàu sức biểu cảm đến như vậy. 14 tuổi vướng nghiệp “ca nương” Theo trí nhớ của cụ Mơn, cụ sinh năm 1922, là con cả trong gia đình có 4 anh chị em ở miền quê ven biển Cổ Đạm. Thưở nhỏ, cha mất sớm, mẹ và cụ phải cáng đáng hết công việc đồng áng trong gia đình. Vất vả đến cùng cực, nhưng bữa đói bữa no cứ thay nhau tràn vào căn nhà tranh tồi tàn mà mỗi khi gió biển thổi mạnh vào cũng tưởng như không chịu nổi. Cuộc sống cứ đằng đẵng trôi như thế. Đến năm 14 tuổi, cụ Mơn với dáng người gầy gò, nhỏ nhắn nhưng có giọng hát rất hay. Mẹ cụ Mơn phần vì muốn gia đình đỡ vất vả hơn, phần vì muốn cô con gái sẽ không phải sống cảnh cơ cực của một người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nên đã gửi con cho cụ Phan Hưng, 1 chủ ghánh hát Ca trù để cụ Phan Hưng tập hát. 14 tuổi, tập làm quen với câu hát, nhịp phách đầu tiên, những tưởng đời cụ Mơn như thế là an nhàn. Nhưng cái nghiệp ca kỹ, đâu phải một sớm 1 chiều mà có thể thành danh. Ban ngày làm việc nhà cho chủ ghánh, tập hát, ban đêm lại phải đi theo hầu những ca nương đã thành danh để học việc. Đằng đẵng như thế hết 4 năm trời. Đến năm 17 tuổi, cụ Mơn lần đầu tiên chính thức diện xiêm áo đi hát. Bằng chất giọng miền Trung đằng đặc, cụ Mơn kể lại: “Sau bao năm tập luyện vất vả mà giờ được đi hát thì hạnh phúc lắm chú ạ. Như rứa là sẽ kiếm được tiền đem về cho mẹ, nuôi các em ăn học. Được cái tui hồi đó hát cũng hay, lại chịu khó học hỏi nên các quan lại, những khách nghe Ca trù hay thưởng cho nhiều thẻ Trù lắm. Mỗi bận đi diễn cũng được dăm ba hào bạc, gọi là đủ sống. Nhưng cái Ca trù ni, càng hát càng say mê, nhiều khi ngồi hát mà quên đi rằng mình đang kiếm tiền, chỉ nghĩ đến mỗi chuyện hát thôi.”. Người ca nương nông dân Đến khoảng những năm cụ Mơn 20 tuổi, đất nước bước sang những năm tháng vô cùng đói kém, gian khổ. Quan lại cũng như người dân vì thế mà ngày càng ít đi nghe Ca trù nữa. Những năm tháng đó, cụ Mơn phải nghỉ hát, và lặn lội chạy ăn từng bữa để nuôi thân, nuôi gia đình. Hướng cặp mắt đã mờ đục màu thời gian nhìn về phía xa xăm cụ Mơn cảm thán: “Nghĩ răng mà đời tui nó cực chú ạ. Khi đã bắt đầu được nhiều người biết đến, lại có thể kiếm được tiền từ Ca trù thì Ca trù lại không được nhiều người nghe nữa. Những ngày đầu không có Ca trù thì thật là khổ. Nhiều đêm đang nằm mà nghe lờ mờ đâu đó tiếng đàn đáy, tiếng phách mà giật mình tỉnh dậy mới biết mình đang mơ. Sau đó thì vì cuộc sống khổ quá, dần dần tiếng phách, tiếng đàn, tiếng hát cũng bị cuốn theo miếng ăn hết, nên tui nghĩ là bỏ Ca trù hẳn.” Những tưởng sẽ bỏ hẳn Ca trù, nhưng ở vùng quê Cổ Đạm, cái nôi của Ca trù, thì Ca trù như là máu thịt, là cái gì đó gắn liền, không thể xa rời với cuộc sống được. Khi cuộc sống đã tạm gọi là đỡ vất vả, phong trào Ca trù ở miền quê này lại nở rộ. Cụ Mơn và một số ca nương nữa lại tập hát trở lại với những làn điệu say đắm của Ca trù. Nhưng lần này, hầu hết những lần biểu diễn của cụ Mơn là trong những buổi diễn công cộng hay trong những dịp lễ trong làng, ngoài xã. Ca trù trở thành nghề phụ, công việc đồng áng mới là nghề chính của cụ Mơn. Rồi cụ Mơn lấy chồng, sinh một mạch 8 người con. Gánh nặng gia đình cứ thế đè nặng lên vai cụ. Thời gian để hát cũng vì thế mà co hẹp lại. Nhưng mỗi khi có ai đó mời đi hát, hiếm khi cụ từ chối. Cụ kể lại: “Nói thật với chú chứ Ca trù là thứ tài sản quý giá nhất tui có được. Không phải ai cũng học được đâu. Ngoài tài năng, phải có sự khổ luyện hết sức cần cù mới thành tài được. Tui may mắn là được học đến nơi đến chốn. Vì thế nên ai mời tui đi hát tui cũng phải cố đi cho bằng được. Hi vọng qua giọng hát của mình, Ca trù sẽ được nhiều người yêu quý hơn, say mê hơn. Mà không hát cũng không được, nhớ lắm.” “Tui ước sao tui chết rồi vẫn có người hát Ca trù” Đó là trăn trở lớn nhất của cuộc đời cụ Mơn. Đã sắp bước sang tuổi 90, dù cụ vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn nhưng ở cái tuổi đó, ít ai nói trước được điều gì. Với những người yêu mến Ca trù, tên tuổi của cụ Phan Thị Mơn từ lâu đã rất nổi tiếng. Nổi tiếng không phải bởi vô số những danh hiệu mà cụ đã dành được trong các cuộc thi hát khắp cả nước. Cụ còn được biết đến là 1 trong số ít nghệ nhân Ca trù của thế hệ trước còn sót lại. Cụ mang trong mình niềm trăn trở về sự tồn tại của Ca trù là hoàn toàn có cơ sở bởi những người nắm rõ những làn điệu, những kỹ thuật và thực sự đam mê Ca trù như cụ là không nhiều. Mà nếu truyền lại những thứ đó cho con cháu, cần phải có rất nhiều thời gian. Ở độ tuổi của cụ, thời gian là một thứ gì đó vô cùng quý báu. Để giảm bớt trăn trở, hằng tuần, cụ vẫn đến câu lạc bộ Ca trù xã Cổ Đạm để truyền dạy cho lớp con cháu sau này. Trong gia đình cụ Mơn, mặc dù con cái đều làm nông, cuộc sống vô cùng vất vả nhưng các cháu của cụ, ai ai cũng sinh hoạt ở câu lạc bộ Ca trù và đều đã có thể hát rất tốt. Thỉnh thoảng có nhiều cô giáo ở các trường trong xã đã đưa học sinh đến tận nhà cụ Mơn để nhờ cụ chỉ dạy. Đông cũng như hè, nóng cũng như lạnh, có thể sức khỏe cụ rất yếu, nhưng chưa bao giờ cụ không chỉ dạy một cách nhiệt tình. Lúc chia tay tôi, cụ Mơn nói lời cuối: “Tui già rồi, không biết nhiều nhưng nghe các chú ở trên xã nói về việc Ca trù vừa được thế giới công nhận. Tui không rõ là công nhận thế nào, nhưng cũng tự hào lắm. Đã nghe bao nhiêu thể lại nhạc dân ca nhưng chưa bao giờ tui thấy có những làn điệu nào mà trữ tình, nhân văn và sâu sắc như Ca trù cả. Ca trù phải thực sự tồn tại và phát triển tui mới nhắm mắt được.”


Là một trong số ít những nghệ nhân Ca trù của thế hệ trước còn sống, nhưng hiện nay, cuộc sống của Nghệ nhân Phan Thị Mơn đang hết sức khó khăn. Cụ đang phải sống trong 1 căn nhà tạm bợ, hoàn toàn sống bằng tiền trợ cấp người cao tuổi chỉ hơn 100 ngàn 1 tháng. Cuộc sống của người nghệ nhân gần 90 tuổi đang phải lo ăn từng bữa. Rất mong chính quyền địa phương xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cùng chính quyền các cấp, các nghành trong cả nước và các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ.


Hoàng Đức Nhã

VNM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP