Giấc mơ thoát nghèo…Bằng một giọng trầm trầm của người dân miền biển, ông Nguyễn Tiến Quý (53 tuổi), trú tại thôn Bắc Thắng kể cho chúng tôi nghe về nghề lặn biển: “Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, chuyện thiếu ăn đối với gia đình tôi xảy ra thường xuyên. Lớn lên tôi theo bạn bè đi khắp nơi làm thuê. Vậy nhưng, cái sức vóc của trai miền biển cũng chẳng thể giúp chúng tôi thoát nghèo. Khi nghe tin ở các tỉnh phía Nam, nhiều chủ tàu thuê người lặn sò huyết, tôm hùm được trả công rất cao thế là tôi lại khăn gói vào Nam…”. Ông Qúy tiếp tục câu chuyện về cái nghề nghe đơn giản nhưng nguy hiểm này: “Nghe người ta đồn là ở trong đó họ trả lương cho thợ lặn cao nên chúng tôi kéo nhau đi chứ có suy nghĩ gì đâu. Nhưng khi vào mới thấy hết nỗi khổ và nguy hiểm của nghề lặn. Nhưng lỡ đi rồi nên đành ở lại quyết tâm làm đến cùng. Là dân lặn thuê, không phải dân lặn chuyên nghiệp nên trang bị đồ dùng thô sơ, thậm chí bình ôxy nhiều khi cũng chẳng có. Khi làm việc, mỗi người được chủ ghe phát một chiếc cào sắt, mang một cái vợt để đựng sò, thực vật biển và cấp cho một ống dài đem nối vào mũi cung cấp ôxy. Để lặn được sâu và không bị nổi lên, chủ tàu phát thêm mỗi thợ lặn một túi chì nặng trên 10kg buộc vào người. Mỗi ngày chúng tôi ngâm mình dưới biển từ 10-12 tiếng đồng hồ ở độ sâu 20-30 sải tay. Nếu người nào khỏe, chịu khó làm việc thì mỗi tháng cũng kiếm được 5-7 triệu đồng”. Không giấu được nỗi trăn trở, ông Lê Đình Ninh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân cho biết: Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân Kỳ Xuân đã thoát nghèo từ nghề lặn biển. Nhiều hộ đã xây được nhà cửa, tậu được xe máy và có tiền để nuôi con ăn học…Vậy nhưng, nghề này cũng đem lại không ít nỗi đau. Toàn xã Kỳ Xuân có gần 1.000 người đi làm nghề lặn biển thuê. Từ năm 1992 – 2012 có gần 100 người bị chết, hàng chục người phải sống đời sống thực vật…
Nỗi đau “biển ép”…Nhìn tấm thân tàn tạ, tay chân bị bại liệt, teo tóp của anh Phan Văn Hồng không ai biết được rằng chỉ cách đây mấy năm anh Hồng còn là một thanh niên khỏe mạnh, vạm vỡ. Bà Sáng, mẹ anh Hồng nén nỗi đau: “Ngày cháu theo anh em trong làng vào miền Nam lặn thuê tôi cũng lo lắm. Nhưng nhà nghèo nên đành nén lòng để cháu ra đi. Được mấy năm, cháu gửi ít tiền về chúng tôi gom góp lại cất được ngôi nhà cấp 4. Còn một ít tiền để dành cho cháu cưới vợ. Nào ngờ…”.Đợi cho mẹ đi vào nhà trong, anh Hồng nói: “Hơn 10 năm trời dầm mình lặn thuê nơi đất khách quê người, tôi phải tiết kiệm chi tiêu, góp nhặt gửi về cho bố mẹ làm được căn nhà. Nhưng tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ quá…Một hôm đang cào sò, tôi chợt thấy tức ngực, khó thở, đôi chân bỗng nhiên tê buốt và mất dần cảm giác, may mà lúc đó còn trồi lên kịp. Mấy người thợ lặn lâu năm cho biết đó là do lặn quá sâu nên bị áp suất nước ép. Ngày hôm sau tôi vẫn tiếp tục công việc của mình và nhiều lần bị như thế nên bây giờ tôi bị bại liệt thế này”. Biết con bị căn bệnh quái ác, bố mẹ anh Hồng đã tất tả ngược xuôi tìm thầy chạy chữa. Tiền, tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi nhưng bệnh tình của anh Hồng không những không lành mà ngày càng nặng thêm. Cô người yêu (nói đúng hơn là vợ chưa cưới) sau một thời gian chăm sóc, thấy bệnh tình của anh Hồng như thế cũng dứt tình đi lấy người khác.Đến tận bây giờ, khi nhắc đến nghề lặn, nhiều người không khỏi quặn lòng trước những cái chết tức tưởi của con em trong làng nơi đất khách quê người. Chị Dương Thị Châu nghẹn ngào khi nhớ về người chồng là anh Nguyễn Văn Nhị bị chết trong một lần lặn biển: “Vì thương vợ con nghèo khổ, anh Nhị đã theo bạn bè trong xóm vào Bình Thuận lặn thuê. Không ngờ khi chưa dứt được cái nghèo thì anh ấy đã vội vàng ra đi…”. Anh Nhị chết để lại cho chị Châu một nách 4 con thơ dại…Gần 20 năm kể từ khi có nghề lặn biển, xã Kỳ Xuân đã phải chứng kiến hàng chục cái chết của thanh niên, trung niên làm nghề này. Nhiều gia đình phải sống trong cảnh cha mẹ mất con, vợ mất chồng…Và chắc rằng số người chết sẽ không dừng lại khi hiện tại đang có hàng trăm người ngụp lặn kiếm sống dưới đáy đại dương.
Thanh Hải
PL&XH