Chuyện khó tin

Nghệ An: Chuyện “hỏi vợ cho chồng”, 40 năm sống kiếp chồng chung tưởng chỉ trên phim nhưng có thật

Không sinh được con trai cho nhà chồng, cụ Bùi Thị Kiệm (87 tuổi, ngụ xóm 3, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đành chấp nhận sống kiếp chồng chung bằng cách lặn lặn lội hàng trăm cây số từ Nghệ An ra Thanh Hóa để hỏi vợ cho chồng mình, hi vọng kiếm mụn con trai nối dõi tông đường.

Vượt hàng trăm cây số hỏi vợ cho… chồng

Sinh đứa con thứ 3 cũng là con gái, cụ Kiệm bị người đời ác nghiệt cười chê là “không biết đẻ”. Rồi sau một biến chứng của căn bệnh nan y, cụ không còn khả năng sinh con được nữa.

Cụ kể, thời điểm ấy, quan niệm “trọng nam khinh nữ” còn rất hà khắc. Mỗi gia đình phải có ít nhất một con trai để hương hỏa tổ tiên, đầu đội vai gánh, sau khi cha mẹ chết còn có người chống gậy. Nếu người vợ không sinh được con trai thì chồng phải “ra ngoài” kiếm con hoặc người vợ phải chịu cảnh chồng chung bằng cách cưới thêm vợ bé cho chồng.

Không sinh được con trai cho nhà chồng, cụ Kiệm tự trách mình không làm tròn trách nhiệm của người vợ, người con dâu. Khuyên chồng “ra ngoài” kiếm một đứa con nhưng không được chồng chấp thuận, cụ Kiệm đành tìm cách nhờ người mai mối để cưới thêm vợ cho chồng. Thế nhưng, những đám gần nhà gần cửa đưa đến đều bị cụ ông từ chối.

4

Cụ Kiệm kể lại hành trình đi kiếm vợ cho chồng.

Thời điểm ấy, nhiều lái buôn quê tận Thanh Hóa vào Nghệ An mua lợn, mua gà, cụ Kiệm đem chuyện buồn gia đình ra tâm sự và ngỏ ý nhờ họ tìm người mai mối. Những lái buôn này chỉ mối cho cụ là một người phụ nữ quá lứa, lỡ thì, được tiếng rất hiền lành, siêng năng, sống cởi mở, hòa thuận với bà con lối xóm, hiện đang sống chung với người mẹ già ở huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) tên là Hồ Thị Hôn.

“Ngày ấy đường sá, xe cộ làm gì được thuận tiện như bây giờ. Khi nghe tin tôi vượt hàng trăm cây số bằng đường rừng ra tận Thanh Hóa hỏi vợ cho chồng, nhiều người nói tôi bị điên. Họ nói phận làm vợ, chẳng có người phụ nữ nào lại bỏ công đi làm một chuyện khờ dại như tôi. Thế nhưng, cái thời “trọng nam khinh nữ” chẳng có chỗ cho tôi được phép ích kỷ.” Cụ Kiệm chia sẻ.

Sau 4 ngày leo đèo vượt suối, cụ may mắn tìm đến địa chỉ của người phụ nữ mà những người lái buôn đã giới thiệu. Sau màn chào hỏi, cụ Kiệm nói rõ mục đích của mình và nhanh chóng bị cụ Hồ Thị Hôn (năm nay đã 78 tuổi) từ chối.

Sau 10 ngày ăn nhờ ở đậu tại nhà cụ Hôn để thuyết phục, tâm nguyện chân thành của cụ Kiệm đã làm cụ Hôn cảm kích. Cụ Hôn đồng ý theo cụ Kiệm về Nghệ An làm vợ hai cho chồng cụ Kiệm.

1

Hai người phụ nữ chung chồng. Giờ đây cụ Kiệm và cụ Hôn sống chung một nhà, hòa thuận như hai chị em gái.

Năm 1975, một đám cưới giản đơn được diễn ra. Nhìn cụ Kiệm tất cả lo toan đám cưới cho chồng ai nấy đều thở dài vừa thương vừa giận. Vì muốn làm tròn nghĩa vụ với gia đình chồng, cụ Kiệm chấp nhận sống cảnh chồng chung với người phụ nữ khác dưới một mái nhà. Họ còn lo ngại chuyện 2 bà 1 ông sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, ghen ghét, đố kỵ nhau. Rồi con của bà này, bà kia sẽ làm cho cuộc sống bị xáo trộn.

“Ngày trước, khi nghe tin cụ Kiệm hỏi cưới thêm vợ cho chồng, ai nấy đều nghĩ gia đình họ trước sau gì cũng sẽ tan vỡ, không đánh nhau cũng lục đục, to tiếng. Thế nhưng, là hàng xóm gần cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nghe gia đình 2 cụ to tiếng, các con bất hòa mà ngược lại, họ sống thương yêu, đùm bọc nhau, thật đáng khâm phục.” bà Nguyễn Thị Lý (hàng xóm) chia sẻ.

Hơn 40 năm chung sống êm đẹp

Căn nhà cấp 4 còn vương mùi sơn mới của hai người đàn bà chung chồng nằm sát con đường liên xã. Ngồi trên chiếc giường nhỏ là hai cụ bà vừa móm mém nhai trầu, vừa tỉ tê trò chuyện. Thỉnh thoảng họ lại thay nhau trông chừng đứa cháu đích tôn 4 tuổi đang chơi đùa ngoài sân. Trông họ không khác gì hai chị em gái.

Sau khi cưới, cụ Hôn sinh thêm 3 người con (2 gái, 1 trai). Suốt hơn 40 năm qua, dù cùng sống chung một mái nhà nhưng hàng xóm láng giềng chưa một lần phàn nàn về sự bất hòa trong gia đình cụ Kiệm. Họ càng khâm phục hơn khi thấy hai người đàn bà chung một chồng lại thương yêu nhau như hai chị em gái. Những người con của họ biết thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn nhau.

3

Anh Đức, người con trai duy nhất trong nhà.

Cụ Hôn nhớ lại: “Có lần tôi và cô con gái thứ 2 là Hồ Thị Hường (SN 1983) đánh xe trâu lên rừng chặt củi về bán. Trên đường về thì 2 mẹ con gặp tai nạn. Xe củi lật nhào xuống ruộng, tôi bị gãy chân còn con gái bị thương nặng phải chuyển lên bệnh viện tỉnh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Suốt hơn tháng trời cụ Kiệm một mình lặn lội hàng chục cây số chăm sóc cho con gái tôi rất tận tình, chu đáo.”

Sau bao năm vất vả, giờ đây 6 người con của hai cụ đều yên bề gia thất. Người chồng đã qua đời cách đây 5 năm. Hiện tại, cụ Kiệm và cụ Hôn ở chung với người con trai út. Tuổi già, sức yếu, hai cụ bà chỉ biết sớm tối vui vầy bên đĩa trầu, mâm cơm. Những lúc ốm đau, bà này ốm thì có bà kia túc trực, chăm sóc, không phiền đến con cái.

2

Người con trai út tự hào về hai mẹ.

Ngồi bên cạnh hai cụ bà, anh Hồ Văn Đức (SN 1985, con trai của cụ Hôn) nắm chặt  tay hai người mẹ tự hào: “Tôi có tới 2 người mẹ, người nào cũng đối tốt với chị em tôi như con ruột của mình. Nhiều người nhìn vào nói gia đình tôi phức tạp, rằng con bà này, bà kia. Thế nhưng phận làm con tôi vẫn tự hào khi hai người mẹ luôn cư xử đúng mực, biết tôn trọng nhau, tôn trọng cuộc sống của gia đình.”

“Cả cuộc đời này tôi mang ơn bà ấy (ý nói cụ Hôn- PV) vì đã thay tôi gánh vác trách nhiệm với tổ tiên, dòng tộc nhà chồng. Sống đến những ngày cuối đời, tôi thấy hài lòng với cách mình đã lựa chọn và an lòng với cuộc sống khi được sống bên bà ấy, dù đó là kiếp chồng chung”, cụ Kiệm chia sẻ.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Thúy Hằng / Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP