Trường xây dựng trên nền của kho thuốc sâu? |
Theo nhiều người dân ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ thì ngôi trường được xây dựng trên nền móng của một hợp tác xã. Ở đây ngày trước một số lượng thuốc trừ sâu lớn đã được chôn cất ở đây để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Sau khi xóa bỏ hợp tác xã, năm 1997 thì Trường THCS Xã Nghĩa Bình được thành lập. Bà Phan Thị Sử một người dân ở đây cho hay: “Ở đây nghi nguồn nước bị nhiễm thuốc trừ sâu nên đã có nhiều người bị bệnh hiểm nghèo như: Ung thư, tiểu đường… . Mặc dù phải dùng nguồn nước ngầm nghi có độc nhưng người dân cũng không có cách nào khác”.
Để tìm hiểu rõ vấn đề này PV đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bích - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết: “Việc trường xây dựng trên nền móng hợp tác xã cũ nghi có chứa thuốc trừ sâu là hoàn toàn đúng. Về phía xã đã có báo cáo cho bên Chi cục bảo vệ môi trường và đã lấy nước xét nghiệm nhưng không thấy họ trả lời bằng kết quả?”
Chiếc giếng khoan có độ sâu 40 -50m, nơi cung cấp nguồn nước chính cho thầy cô và các em học sinh. |
Thầy giáo Võ Duy Dũng - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Tôi mới về đây công tác được 3 năm nhưng cũng nghe người dân và thầy cô giáo kể lại là trường được xây dựng trên một hợp tác xã cũ và có chứa thuốc trừ sâu”.
“Vào khoảng năm học 2007 - 2008, trong lúc học sinh lao động thì có phát hiện nhiều bình chứa mùi thuốc trừ sâu nồng nặc nên nhà trường đã cho học sinh đào hố lấp lại,thầy Dũng cho biết thêm!”.
Anh Nguyễn Văn Thanh - Bảo vệ nhà trường thông tin: “Vì tôi là người ở gần đây và là trực tiếp bảo vệ nhà trường nên có biết vấn đề này. Ngày trước các thầy cô giáo khi về công tác ở đây, nhiều thầy cô phải chuyển sang ký túc xá của trường tiểu học để ở vì không dám ở. Bên cạnh đó vào những ngày thời tiết thay đổi, ở đây bốc mùi thuốc sâu nồng nặc”.
“Ngay ngáy” khi thầy cô và học sinh phải uống nguồn nước nghi nhiễm độc
Đó là tâm sự của thầy Phạm Tân Phương - Phó phòng giáo dục huyện Tân Kỳ. Theo thầy Phương giải thích thì phía Phòng GD&ĐT huyện đã nắm bắt được vấn đề này nhưng không có văn bản chỉ đạo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phía phòng GD&ĐT cũng đã cấp cho trường ít ngân sách để khoan giếng. “Lo sợ thầy cô, học sinh học trong một môi trường bị nhiễm độc nên phía Phòng đã có làm việc với xã Nghĩa Bình để tìm cách di chuyển trường nhưng không được. Bởi theo thầy Phương việc chuyển trường liên quan đến nhiều vấn đề như: tài chính, mặt bằng và sự ổn định lâu dài…"- thầy Phương bày tỏ.
Hàng ngày các em vẫn "vô tư" dùng nguồn nước được cho là bị nhiễm thuốc trừ sâu. |
Được biết năm học 2017 -2018, Trường THCS xã Nghĩa Bình có 309 em học sinh và 19 giáo viên. Để phục vụ nguồn nước uống cho thầy cô và học sinh, nhà trường đã khoan một giếng nước sâu khoảng 40 - 50m ngay trước cổng trường.
Hằng ngày để phục vụ nguồn nước uống và sinh hoạt thì thầy cô và học sinh phải lấy nước từ giếng khoan này.
Em Nguyễn Thị H. học sinh lớp 6A chia sẻ: “Hằng ngày em và các bạn vẫn uống nước và rửa chân tay thường xuyên, chúng em không biết nước có nhiễm độc ”.
Theo thầy Dũng thì việc để phát hiện nguồn nước có nhiễm độc hay không thì không nắm chắc nhưng các em và thầy cô giáo vẫn “ngay ngáy” lo sợ ảnh hưởng sức khỏe từ nguồn nước được cho là nhiễm độc.
“Nếu thực sự trong nguồn nước có nhiễm độc thì khi sử dụng trong một thời gian ngắn thì cũng không phát hiện được mà nó ảnh hưởng về lâu dài. Vì vậy tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để thẩm định làm rõ nguồn nước, môi trường để các thầy cô và học sinh không còn phải lo khi học dưới mái trường này" - thầy Dũng mong muốn.
Tác giả: Nguyễn Tú
Nguồn tin: Báo Dân trí