Di tích - Thắng cảnh

Ngày khai hạ, nhớ Đức Thánh tổ Thợ rèn

Được tổ chức vào ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng, Lễ tế Đức tổ Thánh Thợ rèn là dịp để tưởng nhớ người truyền nghề và trao đổi kinh nghiệm sản xuất… nhằm duy trì ngọn lửa làng rèn sáng mãi qua các thế hệ.

Đền thờ Đức Thánh tổ Thợ rèn tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh

Tương truyền tổ sư nghề rèn là ông Đùng. Ông ở trên núi Hồng Lĩnh, thấy dân không có công cụ sản xuất, bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây rừng đốt thành than rồi rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà. Từ đó, nhiều người dân trong vùng đến xin ông học nghề. Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn phường Trung Lương. Về sau, dân làng nhớ công đức của ông đã đúc tượng, lập đền thờ tại Rú Tiên, nằm ngay giữa làng và gọi là đền ông Thánh thợ.

Hàng năm cứ đến ngày 7 tháng Giêng, phường Trung Lương lại tổ chức lễ tế Đức tổ Thánh Thợ rèn nhằm giáo dục con cháu nhớ đến người đã có công truyền dạy nghề và biết giữ gìn, phát triển nghề rèn.

Lễ tế Đức Thánh tổ được nhân dân trong vùng tổ chức vào ngày khai hạ (mồng 7 tháng Giêng hàng năm)

Đến nay, ở phường Trung Lương đã có hơn 300 cơ sở rèn đúc, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/1 người/tháng. Tổng thu nhập từ nghề rèn đúc truyền thống của Trung Lương năm 2016 đạt 2.015 tỷ đồng.

Việc tổ chức lễ tế Đức tổ Thánh Thợ rèn vào ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng là dịp để con em Trung Lương đang sinh sống và làm việc trên mọi miền Tổ quốc tưởng nhớ Đức tổ Thánh Thợ rèn, đồng thời có dịp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất của cha ông để lại, nhằm duy trì ngọn lửa làng rèn sáng mãi qua các thế hệ.

Thu Hằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP