“Tọa độ chết” đã hồi sinh
Về Ngã ba Đồng Lộc những ngày cuối tháng 7, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những hàng cây xanh, hoa trái xum xuê, đồi thông xanh bạt ngàn. Và đâu đó trong những căn nhà là tiếng nói cười, tiếng bi bô, tiếng khóc của trẻ thơ.
Trong khung cảnh yên bình ấy, ít ai từng nghĩ rằng nơi đây năm xưa từng là tọa độ chết, là nơi giặc Mỹ điên cuồng ném bom để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Trung bình mỗi mét vuông đất ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu tới 3 quả bom tấn. Chỉ tính từ tháng 3-1968 đến tháng 10-1968, không quân địch đã trút xuống nơi này 48.600 quả bom các loại và biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, với tinh thần “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hơn 16.000 thanh niên xung phong cùng các lực lượng khác như: bộ đội pháo binh, dân quân tự vệ, công an đã ngày đêm phá bom, mở đường cho xe tiến vào Nam.
Tháng 7, trở lại Ngã ba Đồng Lộc để thắp hương cho những chiến sĩ đã mãi nằm lại chiến trường, bác Lại Thế Phước (Thạch Hà- Hà Tĩnh) nhớ lại: “Những năm tháng chiến tranh ác liệt, Ngã ba Đồng Lộc coi là yết hầu của tuyến đường chi viện lương thực từ miền Bắc vào miền Nam. Chính vì thế cho nên giặc Mỹ ném bom tàn phá hàng ngày hàng giờ, lúc nào cũng có máy bay bay ở trên. Vì ngoài con đường Ngã ba Đồng Lộc sẽ không có con đường nào khác để thay thế, do đó nơi đây đã trở thành mục tiêu để chúng bắn. Đây cũng là điểm chúng mang bom đạn thừa từ những điểm khác về để dội xuống. Chính vì đây mạch máu lưu thông từ Hà Nội vào Quảng Bình nên lực lượng dân quân, thanh niên xung phong phải lao động ngày đêm bất kể lúc nào, đêm trăng sáng hay đêm tối trời đều phải làm, bom thả xuống thanh niên xung phong lập tức phải xuống đường gỡ bom, san lấp đường”.
Hố bom, dấu tích của chiến tranh để lại. |
Sau bao năm chiến tranh đi qua, mảnh đất Đồng Lộc đã hồi sinh. Bác Phước cho biết: “Ngày trước đây là chiến trường ác liệt, bom mỹ đánh cho xơ xác, dân quanh khu vực này đều phải đi sơ tán hết. Những hố bom bây giờ đã được san lấp, con đường cũng được mở rộng, cây cối đã trồng lên rất nhiều. Người dân cũng đã trở về để sinh sống”.
Nơi 10 cô gái thanh niên xung phong anh dũng ngã xuống nay đã trở thành khu di tích lịch sử, với nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng như: Khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc…
Những đóa hoa bất tử
Dù giặc Mỹ điên cuống ném bom ngày đêm nhưng không thể làm giảm tinh thần chiến đấu của các anh, các chị tham gia bảo vệ tuyến đường huyết mạch. Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ trong bức thư gửi mẹ của chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng, Tiểu đội 4, Đại đội 552, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh mà mỗi khi đọc lại, không ai cầm được nước mắt: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều.”
Cũng như chị Võ Thị Tần, chị Dương Thị Xuân tham gia thanh niên xung phong khi tuổi đời mới 15. Biết bom đạn đánh phá ác liệt có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng chị vẫn quyết tâm ở lại để chiến đấu. Cô Dương Thị Dung em gái của nữ thanh niên xung phong Dương Thị Xuân nghẹn ngào kể lại: “Khi xã kêu gọi mọi người đi thanh niên xung phong chị là người giơ tay đầu tiên, khi đó chị mới 15 tuổi. Lúc chị hy sinh mới 18 tuổi là người trẻ nhất trong đội. Trước lúc hy sinh mấy ngày chị cũng đã gửi thư về gia đình nói rằng: Ba mẹ khấn ông bà tổ tiên cho con, e rằng con không về được với ba mẹ và em. Ở đây chúng bắn ác liệt lắm, mỗi ngày mấy tấn bom nhưng con vẫn quyết tâm làm, không thể về nhà. Sau bức thư đó vài ngày gia đình nghe tin chị đã hy sinh.”
Trưa 24-7-1968, cũng như mọi ngày, 10 cô gái thanh niên xung phong ra làm nhiệm vụ, sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải. 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm – nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Các chị đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ tuyến đường được thông suốt, gìn giữ độc lập tự do cho Tổ Quốc.
Để ghi nhớ công ơn của các chị, ngày lại ngày, những đoàn người từ mọi miền Tổ quốc nối tiếp nhau đến viếng các chị và đồng đội của họ tại Ngã ba Đồng Lộc. Giữa dòng người ấy có cả những người đã từng vào sinh ra tử trên mảnh đất này. Và có cả những lớp thế hệ trẻ như chúng tôi, chỉ biết đến những đau thương mất mát của chiến tranh qua lời kể và sử sách.