Thế giới

Mỹ lần đầu yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa khỏi Biển Đông

Mỹ lần đầu tiên công khai yêu cầu Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa do Bắc Kinh triển khai trái phép trên các đảo nhân tạo được bồi đắp phi pháp tại Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ (Ảnh: Military)

“Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp trên quần đảo Trường Sa, đồng thời tái khẳng định rằng tất cả các quốc gia nên tránh giải quyết tranh chấp bằng sự cưỡng ép hay hăm dọa”, Japan Times dẫn thông báo của Lầu Năm Góc ngày 9/11 cho biết.

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc hội đàm cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Washington hôm 9/11 và đây được cho là lần đầu tiên Mỹ công khai yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa khỏi Biển Đông. Tại cuộc hội đàm, phía Mỹ có sự tham gia của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, trong khi phía Trung Quốc có Ủy viên quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa.

Tại cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc, giới chức Mỹ khẳng định nước này không theo đuổi cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Bắc Kinh, mặc dù hai nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc. Tuy vậy, Ngoại trưởng Pompeo cũng thể hiện rõ những quan ngại của Mỹ, bao gồm động thái ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong vụ căng thẳng xảy ra hồi tháng 9, Trung Quốc đã đưa tàu chiến áp sát “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” tàu khu trục của Mỹ khi tàu Mỹ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

“Chúng tôi tiếp tục quan ngại về các hoạt động và động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi hối thúc Trung Quốc giữ đúng cam kết trước đó ở khu vực này”, Ngoại trưởng Pompeo nói trong cuộc họp báo sau hội đàm với quan chức Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Washington sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

"Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng không, hàng hải ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”, ông Mattis nói.

Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc từng từ chối bình luận khi được hỏi về một báo cáo, trong đó dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tới đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào giữa tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Các tên lửa hành trình chống hạm đặt trên mặt đất, được xác định là YJ-12B, cho phép Trung Quốc tấn công các tàu nổi trong phạm vi 400-500km xung quanh các đảo, trong khi các tên lửa đất đối không tầm xa, được xác định là HQ-9B, có tầm bắn dự kiến khoảng 200km và nhắm mục tiêu tới các máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

Tại Đối thoại An ninh Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, Bộ trưởng Mattis từng phát biểu trước bộ trưởng quốc phòng của 28 nước châu Á - Thái Bình Dương về mối đe dọa của hành vi “quân sự hóa” của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại các thực thể nhân tạo trên Biển Đông bao gồm việc triển khai các tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, thiết bị gây nhiễu điện tử, và gần đây là việc máy bay ném bom hạ cánh xuống đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Mặc dù tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với thực tế này, song việc triển khai các hệ thống vũ khí này có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng quân sự nhằm phục vụ mục đích cưỡng ép và hăm dọa”, ông Mattis phát biểu hồi tháng 6.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP