Bà Đinh Thị Mỹ Loan phát biểu tại hội nghị được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (24/10). Ảnh: Hồng Vân |
Cụ thể, bà Loan cho biết mới đây, giá lợn hơi lại “thủng đáy”, trong khi mấy tháng trước, thịt lợn vừa được giải cứu. “Với một nền kinh tế thị trường mà lúc nào cũng giải cứu thì không ổn”, bà Loan nói.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi tại địa phương này đang giảm nhanh từ mức 33 – 35 ngàn đồng/kg xuống mức 23 – 25 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân được cho là lượng tiêu thụ thịt lợn hiện tại rất chậm sau sự cố gần 4.000 con lợn tại Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh bị tiêm thuốc an thần.
“Điều này khiến mỗi con heo xuất chuồng lỗ 800.000 – 1 triệu đồng thì làm sao có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt, lúc nào cũng giải cứu lợn cũng không bất ngờ gì”, bà Loan cho hay.
Thêm nữa, dù chương trình khuyến nông, khởi nghiệp mang lại kết quả rất tốt, các DN tràn trề hy vọng phát triển nhưng nếu không có sự kết nối giữa nhà sản xuất, hộ sản xuất nhỏ lẻ với nhà phân phối bán lẻ thì hàng hóa sẽ chỉ ở trong kho hoặc lại đi giải cứu, làm cho thị trường thiếu tính cạnh tranh, phát triển.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia tại hội nghị cho rằng kết nối sản xuất tiêu dùng phải gắn với bán lẻ. Tuy nhiên, hiện tại, vai trò của bán lẻ vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn.
Hơn nữa, nhìn nhận không thôi cũng chưa đủ mà phải có những biện pháp hỗ trợ của cơ quan nhà nước, của Chính phủ để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các DN Việt vào chuỗi bán lẻ trong nước và trên thế giới, nhiều DN tại hội nghị cho biết.
Bà Loan cũng nói thêm rằng chúng ta phải nhìn nhận kết nối sản xuất với phân phối bán lẻ trong bối cảnh hội nhập thị trường. Nếu thời điểm này mà vẫn còn tư tưởng bài xích hàng xuất khẩu thì không thể phát triển được.
“Vấn đề kết nối đã làm hàng chục năm nay, thậm chí có thời kì chúng ta nói nhiều đến mức tôi phải nói rằng đúng là kết nối là vấn đề sinh tử của Việt Nam nhưng có những cuộc kết nối chỉ là hình thức, hoặc không mang lại hiệu quả gì. Bởi chúng ta chưa bao giờ đánh giá xem thực sự những cuộc kết nối đó đi đến đâu. Nếu nói nhiều mà không làm được thì cũng rất ngại”, bà Loan chia sẻ.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng bày tỏ nỗi lòng của mình khi không phải dễ dàng tìm được các nhà cung ứng và ngược lại, các nhà cung ứng cũng rất khó khăn để có mặt tại các quầy hàng bán lẻ trong siêu thị hay có cửa hàng phân phối riêng.
Chia sẻ với Dân trí, anh Lê Ngọc Anh, chủ một thương hiệu nước mắm truyền thống tại Thanh Hóa cho biết để các sản phẩm của xưởng anh được phân phối trên thị trường thì phải qua rất nhiều loại giấy phép và tiêu chuẩn dù rằng gần đây, những loại giấy phép này đã được rút gọn đi nhiều.
“Vào những ngày đầu, chúng tôi đã phải “mòn giày” đi quảng cáo sản phẩm tại những chuỗi siêu thị, nhà hàng, trường học lớn nhỏ trên cả nước. Hiện nay, sau gần 3 năm, các sản phẩm bên tôi cũng chỉ mới được phân phối cho trường học, một số nhà hàng và siêu thị nhỏ tại miền Bắc”, anh Ngọc Anh cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch, sản phẩm từ thiên nhiên khác cũng cho biết để sản phẩm của họ được phân phối rộng rãi và đến tay người tiêu dùng là một quá trình gian nan.
Đáng nói, nhiều người tiêu dùng tham gia hội nghị khi biết đến những sản phẩm của những doanh nghiệp này tỏ ra rất thích thú và luôn đặt câu hỏi rằng sản phẩm này được bán ở đâu.
Như vậy mới thấy, rõ ràng có một nhịp cầu chưa được nối giữa người sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.
Để giải quyết vấn đề này, bà Loan cho rằng các DN Việt cần chủ động hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ và tham gia vào cách mạng 4.0.
“Bán lẻ online đã phổ biến rồi, bây giờ xu thế là phải bán lẻ đa kênh. Các nhà cung ứng, sản xuất cũng phải cập nhật những xu hướng đó để phát triển theo. Nếu các nhà cung ứng sản xuất không hiểu biết, không đặt mình vào thời đại công nghệ số thì việc phân phối sẽ rất không hiệu quả”, bà Loan nói thêm.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí