Danh Nhân

Lý Chính Thắng – Người Chiến sĩ Cộng sản tuổi trẻ

Đồng chí Lý Chính Thắng tên thật là Nguyễn Đắc Huỳnh ( 1917- 1946), ông sinh ra ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thời niên thiếu ông sống và học tập ở trường trung học tỉnh Thanh Hóa, lớn lên chuyển ra học trường tư thục Thăng Long Hà Nội. Sau đó ông vào Nam tham gia hoạt động cách mạng, sau khi vào Nam, ông được đồng chí Hà Huy Giáp ( cậu ruột của Lý Chính Thắng)- Bí thư Đặc ủy miền Hậu Giang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ giác ngộ cách mạng. Nguyễn Đắc Huỳnh tham gia công hội bí mật Sài Gòn – Gia Định.

Nhà bia tưởng niệm đồng chí Lý Chính Thắng tại xã Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Tháng 6 – 1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được thành lập, sự ra đời của Hội đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân yêu nước khác, kết thành làn sóng dân tộc dân chủ ngày càng lan rộng. Đầu năm 1929 Nguyễn Đắc Huỳnh gia nhập Hội Vệt Nam Cách mạng Thanh Niên ở Nam Kì. Đến khoảng tháng 8 – 1929, các cán bộ lãnh đạo tiên tiến trong Tổng bộ và kì bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Nam Kì quyết định thành lập An Nam Cộng sản đảng, Nguyễn Đắc Huỳnh đã gia nhập tổ chức này và tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân.
Giữa lúc phong trào cách mạng của quần chúng đang diễn ra quyết liệt, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) vào tháng 10 – 1930. Hội nghị quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Đắc Huỳnh đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và đổi tên là Lý Chính Thắng.
Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, Lý Chính Thắng tham gia Thành Uỷ kiêm thư ký công đoàn Sài Gòn – Gia Định. Ông gây dựng cơ sở Đảng ở khu vực Đa Kao. Vùng đất Đa Kao là đất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lí. Hộ là đơn vị hành chính tồn tại vào thời kì Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại thành vùng Sài Gòn – Chợ Lớn (thời kì Pháp thuộc). Tên gọi Đa Kao trở nên phổ biến rộng rãi tại Sài Gòn từ năm 1950 trở về sau.
Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, phát xít Đức, Nhật đứng trước nguy cơ thất bại. Ở Đông Dương mâu thuẫn Pháp – Nhật trở nên gay gắt, vào lúc 20 giờ ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp và dựng lên chính phủ Trần Trọng Kim, đưa Bảo Đại lên làm Quốc trưởng.
Đang lúc Nhật đảo chính Pháp, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Đình Bảng ( Từ Sơn – Bắc Ninh). Ngày 12 – 3 – 1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị ” Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”
Để tiếp thu chủ trương của Ban thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hà Huy Giáp xứ ủy Nam Kì đã cử Lý Chính Thắng ra Bắc, tìm bắt liên lạc với Trung ương Đảng. Khi trở về Nam Bộ, Lý Chính Thắng mang theo chỉ thị của Trung ương Đảng “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Theo tinh thần chỉ thị trên, ông đã cùng Xứ ủy Nam Kì tích cực tiến hành chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Nam Bộ. Trong thời gian này Lý Chính Thắng giữ chức vụ Ủy viên Thành bộ Việt Minh Sài Gòn – Chợ Lớn hoạt động bí mật và là sáng lập viên Tổng Công đoàn Nam Bộ.
Thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban kháng chiến toàn quốc và kế hoạch của Xứ ủy Nam Kỳ, ngay từ đêm 24 – 8 – 1945, quần chúng cách mạng ở Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông… bằng mọi phương tiện, rầm rập kéo về nội thành tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Sáng sớm hôm sau 25 – 8 – 1945, hơn một triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào nội thành với khí thế sục sôi cách mạng. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay trên các công sở. Quần chúng chiếm Sở mật thám, Sở cảnh sát, nhà ga, bưu điện, nhà máy điện… giành chính quyền ở Sài Gòn.
Đêm 22 rạng sáng 23 – 9 – 1945, được sự giúp đỡ của quân Anh , thực dân Pháp cho quân đánh úp trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Lý Chính Thắng tham gia kháng chiến ở Sài Gòn – Chợ Lớn và lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Tháng 10 – 1945, Lý Chính Thắng làm Tổng Thư kí Tổng Công đoàn Nam Bộ và tham gia sáng lập báo “Cảm tử” của Tổng Công đoàn và lãnh đạo ra báo đều đặn nhằm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách lớn của Đảng đến mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, cổ động nhân dân đấu tranh.
Tháng 11 – 1945, Lý Chính Thắng lập trạm đón tiếp công nhân từ thành phố ra ở An Phú Đông. Chiến khu An Phú Đông là trung tâm căn cứ kháng chiến, nằm ngay sát Sài Gòn. Nhờ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo của người dân chiến khu, quyết bám đất, bám làng, thực hiện chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích đã biến vùng đất An Phú Đông trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời tuyên bố lệnh tổng tuyển cử trong cả nước. Ngày 6-1- 1946, vượt qua mọi hành động chống phá của kẻ thù, hơn 90% cử tri trong cả nước đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu khắp Bắc – Trung – Nam vào Quốc hội, Lý Chính Thắng trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn.
Tháng 3 – 1946, Lý Chính Thắng hoạt động trong ngành giao thông liên lạc tại vùng Sài Gòn bị giặc chiếm. Quân Pháp tấn công An Phú Đông lần thứ hai, Lý Chính Thắng được cử làm chỉ huy trưởng mặt trận phía Đông, trong một trận đánh chống trả cuộc tấn công của giặc Pháp, quân ta đã anh dũng chiến đấu từ sáng đến chiều và đẩy lùi được cuộc tấn công của địch, tiêu diệt 100 tên địch, bên ta có 20 chiến sĩ hy sinh. Lý Chính Thắng bị thương, bị giặc Pháp bắt và tra trấn cực hình. Do vết thương quá nặng, bị mất nhiều máu và dưới đòn roi của thực dân Pháp nên ông đã mất tại bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 30 – 9 – 1946.
Với những công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của Lý Chính Thắng đối với cách mạng Việt Nam, đồng chí được Đại hội thi đua công đoàn lần thứ nhất tuyên dương là “Chiến sĩ lao động ngoại hạng”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh ngày 25 – 4 – 1949 truy tặng “Huân chương độc lập hạng Nhì”, được Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ truy tặng “Huy hiệu kháng chiến” và được nhà nước công nhận liệt sỹ.

Học sinh ngôi trường mang tên Lý Chính Thắng
Để ghi nhớ công lao to lớn của Lý Chính Thắng góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh lấy tên ông đặt tên cho một con đường tại quận 3 mang tên” đường Lý Chính Thắng”. Ngày 09/9/2013 UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 2777/QĐ- UBND, đổi tên trường THPT Lê Hữu Trác 2 (Sơn Hòa, Hương Sơn) thành trường THPT Lý Chính Thắng. Việc nhà trường vinh dự mang tên người anh hùng liệt sỹ Lý Chính Thắng là niềm cổ vũ lớn lao, thầy và trò nguyện noi gương người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, phấn đấu xây dựng trường thành trường học tiên tiến xuất sắc.

Tài liệu tham khảo:
1.    Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh ( 1996), Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn Hà Tĩnh, NXB Lao động.
2.    Nguyễn Quang Thắng ( 2005), Từ diển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
3.    Lê Mậu Hãn ( 2006), Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.
4 . Ninh Viết Giao ( 2006), Từ điển nhân vật xứ Nghệ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ PHAN TRUNG KIÊN
Giáo viên Lịch sử – THPT Lý Chính Thắng , Hương Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP