Khách dụ lịch tham quan, ăn hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) |
Theo đánh giá, ĐBSCL có lợi thế tiềm năng đa dạng các loại hình du lịch: sinh thái, sông nước miệt vườn, biển đảo, văn hóa, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp, nghỉ dưỡng, Mice…Mức tăng trưởng hàng năm về lượng khách bình quân khoảng 10%, trong đó năm 2016 đón trên 26 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước; khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt khách, tăng gấp 5 lần so với năm 2008.
Năm 2017,lượng khách đến ĐBSCL có khoảng 33 triệu lượt. Tuy nhiên, từ thực tế khảo sát của các nhà nghiên cứu và chuyên gia thì lượng khách trở lại ĐBSCL không quá 20% khách lưu trú.
Các chuyên gia cũng cho rằng: Do các tài nguyên du lịch ở ĐBSCL chưa phát huy giá trị, thiếu hệ thống, khai thác không đi đôi với việc bảo vệ dẫn đến nguy cơ suy thoái về nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của du lịch. Nguồn nhân lực du lịch còn yếu, mỏng, công tác quản lí du lịch còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng.
Chính vì những bất cập trên, tại Hội thảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp để du lịch ĐBSCL có thể thay đổi diện mạo. Cụ thể, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; khảo sát phân tích tiềm năng và định vị sản phẩm du lịch của từng tỉnh, thành ĐBSCL; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch gắn với bản sắc văn hóa bản địa, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, trách nhiệm và bền vững; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước với du lịch, trong đó quan tâm đến việc đề xuất và xây dựng cơ chế đặc thù, chính sách cần thiết khuyến khích phát triển du lịch ĐBSCL…
Tác giả: Hoàng Tùng
Nguồn tin: Báo Dân trí