Tin Hà Tĩnh

Lừa lao động làm thẻ APEC, doanh nghiệp ôm tiền “chạy làng”

Sau khi ký “Hợp đồng dịch vụ tư vấn thẻ doanh nhân” (APEC) và thu khoản tiền đặt cọc khá lớn cùng những “lời hứa ngọt ngào”, một công ty tư nhân ở Hà Tĩnh đã cố tình “chạy làng” khiến người dân nguy cơ mất tiền oan. Điều đáng nói là cả công ty và người lao động không hề có chức năng cũng như điều kiện để cấp thẻ APEC.

Chỉ cần 28 ngàn USD là có thẻ ngoại giao doanh nhân?

Theo phản ánh của một nông dân ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), PV ThanhtraVietNam đã vào cuộc tìm hiểu. Sự việc không chỉ dừng lại ở một lao động này mà còn rất nhiều người dân khác cũng đang “mắc bẫy” của công ty này.

Anh Phan Duy Cận (trú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) cho biết: Từ nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang các nước Châu Âu, qua các mối quan hệ, anh Cận biết thông tin Công ty TNHH TM và DV du lịch Việt Nhật, có địa chỉ tại số 281 đường Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, (sau đây viết tắt là Cty) có khả năng “bảo lãnh” cho người lao động sang Châu Âu làm việc bằng hình thức làm thẻ doanh nhân (APEC). Sau vài lần gặp gỡ, ngày 11/10/2016, anh Cận quyết định ký “Hợp đồng dịch vụ tư vấn thẻ doanh nhân” với Giám đốc Cty là chị Trần Thị Thúy Nga.

Phiếu thu 2.000 USD cùng những giấy tờ Cty đã ký với anh Phan Duy Cận.

Theo hợp đồng, hai bên thống nhất, bên B (Cty) nhận tư vấn và thực hiện các thủ tục, hồ sơ cụ thể để xin cấp visa doanh nhân cho bên A (anh Cận). Tư vấn và hướng dẫn các thủ tục cần cung cấp trong quá trình tiến hành hồ sơ, tư vấn về nội dung thực hiện theo các quy định. Hướng dẫn bên A thực hiện nghĩa vụ đi lại sau khi thẻ visa doanh nhân được cấp, bao gồm thời gian đi lại giữa các nước, báo cáo tiến độ thực hiện quyền đi lại. Bên B cung cấp thông tin, dịch vụ chính xác và kịp thời cho bên A, chỉ định nhân sự tư vấn, thay mặt bên A để thực hiện công việc…

Chi phí và phương thức thanh toán được thỏa thuận là, anh Cận phải thanh toán cho Cty 28.000 USD; trong đó, giai đoạn 1 anh Cận phải đặt cọc 2.000 USD ngay sau khi ký hợp đồng. Giai đoạn 2, thanh toán các chi phí còn lại khi có kết quả xin visa doanh nhân… Hợp đồng có giá trị từ ngày 10/11/2016 đến hết ngày 31/04/2017. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc, anh Cận phải chờ “dài cổ”, hết hạn hợp đồng rồi nhưng vẫn không nhận được visa doanh nhân của mình.

Sau nhiều lần “hò hẹn” bất thành, ngày 8/6/2017, giữa hai bên ký tiếp phụ lục hợp đồng số 06/HĐ/2017, lúc này Cty đã đổi tên thành Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam, trụ sở thuê tại ngõ 50- khu phố 1- phường Hà Huy Tập- TP Hà Tĩnh. Phụ lục hợp đồng vẫn do chị Nguyễn Thị Thúy Nga- Giám đốc Cty ký, trong đó khẳng định: “Do thời gian cấp và in thẻ phụ thuộc Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh- Bộ Công an xét duyệt trên cơ sở 19 nước thuộc khối APEC. Vì vậy, thời gian cấp thẻ kéo dài đến ngày 27/06/2017 (theo biên nhận số AA5170606001 do CQQLXC-BCA cấp)”.

Ngoài ra, thông qua phụ lục hợp đồng, phía Cty hứa sẽ hỗ trợ thêm cho anh Cận phí vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh- Sydney/Melbourne/hoặc tiểu bang mà anh Cận có nhu cầu bay đến mà không thu thêm phí đặt vé máy bay.

Tuy nhiên, hết hạn phụ lục hợp đồng nói trên, anh Cận vẫn chưa nhận được thẻ APEC. Mới đây, ngày 25/9/2017, anh Cận và chị Nga thống nhất ký biên bản thanh lý hợp đồng dịch vụ. “Bên B sẽ hoàn trả lại 100% chi phí đặt cọc ban đầu trong vòng 20 ngày kể từ ngày thanh lý hợp đồng”, biên bản nêu rõ. Vậy nhưng mặc dù đã quá hẹn hàng chục ngày, anh Cận vẫn không nhận được khoản tiền 2.000 USD đã nộp cho Cty.

Cố tình “chạy làng”?

Mấy hôm nay, anh Phan Duy Cận không thể liên lạc được với Giám đốc Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam Trần Thị Thúy Nga. Chúng tôi trực tiếp đến trụ sở Cty thuê lại ở ngõ 50- khu phố 1- phường Hà Huy Tập- TP Hà Tĩnh, nhưng đã 3 ngày nay không thể liên lạc được.

Bà Hoàng Duy- Chủ nhà cho Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam thuê trụ sở xác nhận với PV: Cty này thuê ốt của gia đình bà đã được 4 tháng nhưng gần như cả tháng nay đóng cửa, không hoạt động. “Mấy hôm nay có rất nhiều người dân, chủ yếu là ở huyện Cẩm Xuyên đến đây tìm gặp đại diện Cty để đòi tiền nhưng không gặp. Theo họ nói thì có người nộp tới 1 trăm, có người 2 trăm triệu. Những người đi du học lọt cả nhưng người đi xuất khẩu lao động thì không lọt”, bà Duy chia sẻ.

Cả tháng nay, trụ sở Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam luôn “đóng cửa cài then”


Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (số 3002038389) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cấp, Cty này được cấp giấy chứng nhận lần đầu ngày 15/9/2016 và đến nay đã qua 3 lần đổi tên. Trong đó, tổng vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, do hai thành viên góp vốn (mỗi người góp 50%), gồm: Trần Thị Thúy Nga (thường trú tại số 23 đường Hàn Thuyên, phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và Nguyễn Văn Tám (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Nam Thành, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Đối với lĩnh vực tư vấn du học, Cty OYO Việt Nam vừa mới đăng ký hoạt động tại Sở GD&ĐT vào ngày 8/8/2017. Riêng lĩnh vực xuất khẩu lao động, Phó trưởng phòng Lao động và Việc làm (Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Xuân Thái cho biết: Công ty TNHH TM và DV du lịch Việt Nhật hay Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam từ trước đến nay chưa gửi hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lao động với Sở, vì thế hoàn toàn không có giấy phép hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động. “Đến giờ phút này thì Cty OYO không có chức năng trong lĩnh vực dịch vụ lao động. Nếu Cty đã có hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động như thế này thì đã hoạt động trái quy định của pháp luật”, ông Thái khẳng định.

ThanhtraVietNam sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Tác giả: Ngân Nga

Nguồn tin: Tạp chí Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP