Cộng đồng mạng

Lừa đảo trên mạng: Gái đẹp càng dễ bị lừa!

Không còn nhờ nạp thẻ điện thoại, thẻ game hộ, nhiều đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng sang tấn công vào điểm yếu, sự nhẹ dạ cả tin của người dùng để hòng chiếm đoạt số tiền lớn. Người dùng cần thận trọng hơn!

Hoa hồng khủng khi nhận hộ tiền!

Nạn nhân trong một vụ lừa đảo mới nhất trên mạng mà Dân trí đề cập đến đó là Yến, một cô gái trẻ đang sinh sống và làm việc tại quận 1, TPHCM. Yến đã bị chiếm đoạt 180 triệu đồng khi tin tưởng vào một người đàn ông chỉ quen biết trên mạng xã hội và chưa hề gặp mặt bao giờ.

Yến kể rằng, một anh chàng da trắng đã gửi lời kết bạn trên mạng xã hội Facebook với cô. Hình đại diện của người đàn ông này mặc áo rằn ri, đeo súng và khá điển trai. Ngay lập tức hút hồn cô ấy. Anh chàng này giới thiệu với cô là anh làm cho quân đội Mỹ và đang chiến đấu ở chiến trường Afghanistan khốc liệt.

Để xây dựng niềm tin cho cô, anh chàng này khoe khoang về gia thế giàu có của mình. Việc đi vào quân đội bởi anh ta thích ra chiến trường để chiến đấu. Anh khen cô đẹp, cô dễ thương, cô là người anh đã choáng váng khi nhìn thấy ảnh, cô là người mà anh vác súng băng qua sa mạc để đi tìm…

Lừa đảo trên mạng đang bủa vây

Sau một thời gian 7-10 ngày, củng cố niềm tin và chiếm được trái tim của người đẹp. Anh chàng này bắt đầu tung chiêu dụ dỗ cô gái.

Cô kể: “Anh này nói có một khoản tiền của quân đội, muốn chuyển về nhờ cô mua nhà ở Việt Nam. Anh nói cô nhận giùm, mua giùm và anh sẽ về VN để nhận nó. Nếu đồng ý, anh sẽ cho cô hoa hồng là 300.000 USD (Hơn 6 tỷ đồng). Anh này còn vẽ ra viễn cảnh về một tương lai tươi sáng, về một cuộc hôn nhân đối với cô.”.

Không chần chừ, Yến lập tức đồng ý và bắt đầu rơi vào bẫy mà anh chàng này giăng ra. Câu chuyện lừa đảo bắt đầu từ đây.

Hai ngày sau khi giao kèo, đối tượng trên yêu cầu Yến chuyển 180 triệu đồng làm đối ứng, chuyển cho bên kia để đối tượng này chuyển tiền về. Yến kể, cô tin vào sự quyến rũ và thông minh của mình, ai có thể nào lừa cô, làm tan nát cô… Thế rồi, Yến vét hết số tiền tích cóp bao năm của nhà đi chuyển cho đối tượng trên.

Sau 3 ngày chờ đợi, đối tượng lừa đảo lại tiếp tục gọi cho Yến, cô tưởng tiền đã về. Nhưng không, anh chàng này tiếp tục nói "còn thiếu, chưa lấy tiền được, cần thêm 350 triệu đồng nữa”.

Bất ngờ trước tình hình trên, Yến cho biết, cô tính đi vay thêm để chuyển cho anh chàng điển trai này. Tuy nhiên, có điều gì đó khiến cô thấy không đúng và đi hỏi bạn bè, hóa ra mình đã bị lừa.

Yến còn cho biết, hiện đối tượng này cũng còn chat (trò chuyện) trên mạng với cô nhưng đó chỉ là trò chuyện “an ủi” và xem như ân huệ cuối cho cô. Chứ việc đòi tiền lại thì hầu như không thể, bởi đó là những đối tượng lừa đảo ở nước ngoài.

Lừa đảo mới nhưng cũng là chiêu thức cũ

Nhìn vào câu chuyện của Yến, có thể thấy sự nhẹ dạ cả tin của cô đã khiến cô mất rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo, mất đi một khoảng tiền khá lớn. Nhưng có lẽ người trong cuộc mới có thể hiểu được vì sao khi vào vòng xoáy của những đối tượng này khó có thể tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề. Đây thực chất cũng là một chiêu thức lừa đảo quen thuộc, nhưng được biến tướng, phù hợp cho từng đối tượng mà chúng muốn giăng bẫy.

Email của các đối tượng lừa đảo trên internet

Gần đây nhất là hồi tháng 8 năm nay, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về một số đối tượng tự xưng là người nước ngoài gửi email đến người dùng trong nước nội dung nôm na rằng: "Đang sở hữu một số tiền lớn hơn 2 triệu USD, cần đầu tư vào những dự án có lợi nhuận ở nước bạn. Vì tình hình chính trị ở Syria nên sẵn sàng cung cấp 30% số tiền cho bạn để đứng làm người hưởng lợi...".

Ngay khi dẫn dụ được "con mồi", các đối tượng này bịa ra nhiều lý do khác nhau, yêu cầu người bị hại chuyển cho chúng các khoản phí dịch vụ tương ứng, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn chung cho kiểu lừa đảo này đó là đánh vào lòng tham, sự cả tin của con người để trục lợi. Vì vậy, nên nhớ rằng, không ai cho không ai bất cứ điều gì, và hãy thật sự cảnh giác với những lời mời gọi trên internet.

Và muôn vàn kiểu lừa đảo cười ra nước mắt

Anh Minh Nhựt (ngụ TPHCM) cho biết, cách đây khoảng 2 ngày, có một số điện thoại lạ gọi đến anh với mục đích để lừa đảo, mượn tiền.

Anh Nhựt kể, ngay khi bắt máy, đầu dây bên kia là một giọng miền Bắc hỏi thăm anh với nội dung: “Alo, chú khoẻ không. Thế có nhớ anh nào Hà Nội không!?”.

Anh Nhựt đáp: "Dạ, em không nhớ rõ lắm. Mà anh mới ngủ dậy à, giọng lạ quá”. Ban đầu cứ nghĩ rằng là một người quen nào đang pha trò. Bất ngờ, đối tượng này tắt máy và không nói thêm lời nào. Ngay lúc này, anh Nhựt cho biết, hay là người quen nào giận, nên chủ động gọi lại.

Rồi ngay cuộc gọi lại, đối tượng trên bắt đầu tung chiêu để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Anh kể, đối tượng này cứ dụ dỗ anh, kiểu nhớ ai không. Đâm nghi và thận trọng, anh liên tưởng ngay đến việc sẽ bị dụ dỗ mua card điện thoại. Tương kế, tựu kế, anh chủ động đưa đối tượng này vào cái bẫy khác.

“Tôi giả bộ nói đại là anh A, anh B hả? Nó vui sướng nói, là anh B đây, chú làm ăn kiểu gì quên cả anh. Mà anh B là anh mà mình đưa ra để dụ dỗ nó nhận. Thế rồi nó bảo đang đi công tác xa, mượn tạm 3 triệu đồng sẽ trả sau. Trong đầu mình nghĩ, tên này sẽ nhờ mua thẻ cào điện thoại. Việc kêu mượn tiền làm mình mắc cười, chửi đổng 1 phát, nó biết lộ rồi cúp máy”. Anh Nhựt kể.

Và một câu chuyện khác gần đây đó là việc giả mạo doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (hay còn gọi là Cường Đô La) để đi tặng thẻ cào cho người dùng. Yêu cầu hết sức đơn giản, chỉ cần like (thích) fanpage có tên Cường Dollar và để lại số điện thoại, sẽ được tặng thẻ cào 50 ngàn đồng.

Giả mạo doanh nhân Nguyễn Quốc Cường để lôi kéo cộng đồng

Cụ thể, đối tượng làm ra fanpage này sử dụng hình ảnh của doanh nhân Quốc Cường và đăng tải một thông tin cũng không kém phần gây sốc: ““Là đàn ông, nói được thì phải làm được. Tôi chơi như thế nào thì cả nước Việt Nam này biết rồi nha. Mấy cha nói tặng thẻ cho người ta mà không làm được thì chất cũng chỉ đến thế mà thôi. Cường sẽ tặng thẻ cào 50k cho người nào chia sẻ status này của Cường. Thằng đàn ông nói là làm…” Nội dung trên Fanpage giả mạo được chia sẻ chóng mặt trong vài ngày gần đây. Đã có hơn 100 nghìn người mắc bẫy và tất nhiên không ai trong số đó nhận được bất cứ số tiền 50 ngàn đồng mà đối tượng lừa đảo giăng ra.

Ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của mình, đại diện quản lý trang cá nhân của doanh nhân đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo người dùng tránh rơi vào bẫy.

Đại diện quản lý trang của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường cũng cảnh báo, người dùng không nên cung cấp số điện thoại cá nhân, share và like những nội dung trên các trang lừa đảo. Việc làm này sẽ khiến thông tin người dùng bị rò rỉ và tạo ra những kẻ hở cho những đối tượng lừa đảo chiếm dụng.

Những số điện thoại đưa công khai sẽ được các đối tượng sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn có thể sử dụng để áp dụng chiêu thức lừa anh Nhựt như đã kể trên.

Vì vậy, qua các vụ lừa đảo gần đây trên internet, tình hình đang trở nên biến tướng vô cùng tinh vi. Người dùng nên thận trọng và hãy cảnh báo đến bạn bè, thông báo đến cơ quan chức năng khi có những dấu hiệu khả nghi. Đây là một hành động thiết thực để đẩy lùi nạn lừa đảo trên internet hiện nay.

Tác giả: Gia Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP