Pháp luật

Lời kể của thiếu phụ băng rừng chạy thoát khỏi nhóm buôn bán người

Gần 2 tháng được đoàn tụ gia đình, ký ức về cuộc trốn chạy khỏi nhóm buôn bán người, tìm cách tự giải cứu mình vẫn còn ám ảnh Dua. May mắn trở về quê nhưng thiếu phụ này cho biết, cô không oán trách kẻ đã lừa bán mình mà trái lại, cô vẫn yêu thương hắn.

Những năm gần đây huyện Đắk G’Long là điểm nóng của tình trạng mua bán người. Nhiều cô gái là nạn nhân của tình trạng trên, trở thành món hàng cho các nhà chứa, một số khác may mắn hơn khi làm vợ của đàn ông Trung Quốc.

Mối tình chớp nhoáng trên Facebook

Chúng tôi tìm tới căn nhà của Sùng Thị Dua (SN 2001, trú thôn 6, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long) sau nhiều lần lỡ hẹn. Căn nhà của thiếu phụ 16 tuổi nằm trơ trọi giữa một bãi đất, xung quanh um tùm cỏ dại. Gọi là nhà, nhưng cả bốn bức tường chỉ là những thân cây lồ ô đập dập. Bên trong, hai chiếc giường chiếm hết một nửa căn nhà, một nửa còn lại vừa là bếp, vừa là sân giếng của gia đình.

Căn nhà không có đèn, được chiếu sáng nhờ ánh nắng hắt qua các khe hẹp trên vách tường. Dua ngồi cắm cúi vào chiếc điện thoại di động, chăm chú đến nỗi không nhận ra có người lạ đến chơi. Ánh sáng từ chiếc điện thoại hắt lên làm nổi bật nước da trắng hồng và những đường nét sắc sảo trên khuôn mặt Dua, người may mắn đã trốn được từ Trung Quốc về Việt Nam gần 2 tháng trước.

Dua bị một người “chồng” trên facebook lừa bán sáng Trung Quốc sau gần 1 tháng quen nhau

16 tuổi, Dua chưa một lần được đi học nhưng đã có một đời chồng. Do chỉ bập bẹ tiếng Kinh, lại ít giao tiếp với người khác nên phần lớn câu chuyện giữa chúng tôi và thiếu phụ này được phiên dịch nhờ anh Giàng A Tráng, công an xã Đắk R’Măng.

Dua kể, gia đình cô quê ở Lào Cai. Hai năm trước khi còn ở quê, Dua được một thanh niên trong bản hỏi cưới làm vợ, nhưng cưới được vài tháng, bố mẹ Dua vào Đắk Nông sinh sống nên cô cũng bỏ nhà chồng để theo bố mẹ đẻ.

“Ngày ấy còn nhỏ, chưa đi đăng ký kết hôn, chỉ dẫn nhau đi chụp ảnh cưới rồi về ở với nhau. Đến khi em vào đây, nhà chồng cũng không đi tìm về nên bây giờ coi như em chưa có chồng”, Dua nói và đưa cho chúng tôi xem tấm ảnh cưới của hai vợ chồng đang lưu trong điện thoại.

Cuộc sống ở Đắk Nông vất vả, gia đình lại không có đất sản xuất nên cả nhà Dua phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Theo lời Dua, cô và nhóm thanh niên trong thôn thường nói chuyện với nhau qua Facebook. Thông qua trang mạng xã hội này, cô quen được Sùng Seo Xá (SN 1992, trú tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Trò chuyện với người đàn ông lạ mặt được hơn 1 tháng thì anh ta tìm đến nhà Dua để hỏi cô về làm vợ.

“Ngày ấy, thằng Xá đến bảo nhà nó ở Thanh Hóa, bố mẹ nó đang ở ngoài đó nên muốn dẫn con Dua về ra mắt bố mẹ. Do chưa lần nào gặp Xá, lại không muốn con gái lấy chồng xa nên chúng tôi một mực phản đối, nhưng hai đứa nó lợi dụng lúc chúng tôi không có nhà mà bắt xe bỏ đi. Đến khi con Dua trở về nhà, chúng tôi mới biết nó bị thằng Xá lừa bán sang Trung Quốc”, ông Giàng A Tồng, bố đẻ của Dua cho hay.

Cuộc trốn chạy trong đêm

Dua vẫn nhớ như in cái ngày mình theo chân người đàn ông lạ mặt. Cô kể, sau khi trốn gia đình, hai người bắt xe lên TX. Gia Nghĩa, sau đó đón xe khách ra Thanh Hóa mà thực ra là đến tận Hà Nội. Thiếu phụ này đinh ninh rằng Xá đưa mình về ra mắt bố mẹ chồng nên cứ yên lặng đi theo anh ta.

“Khoảng 2 ngày sau, lúc đó trời đã nhá nhem tối, sau khi đi xe ôm qua một cánh rừng thì chúng em gặp hai người đàn ông đang chờ sẵn. Lúc này em mới biết mình đang ở Trung Quốc, em hỏi sao lại dẫn mình qua đây, thì anh ta bảo đã bán em cho hai người đó. Em khóc thét lên, toan bỏ chạy thì bị Xá bắt lại được, đánh cho chảy cả máu mồm. Hôm đó, em van xin thế nào, mấy người đàn ông đó cũng không buông tha cho em”, Dua nhớ lại.

Tuy nhiên, thiếu phụ này khẳng định vẫn còn tình cảm với người đàn ông đó

Cả bốn người thuê một nhà nghỉ nằm gần biên giới, chuẩn bị hôm sau đi sâu vào Trung Quốc. Riêng Dua bị nhóm người này thu điện thoại, giam lỏng trong một căn phòng, cô ngủ thiếp đi đến nửa đêm thì tỉnh giấc. Đêm đó, nghĩ rằng ngày mai mình sẽ không còn cơ hội về với gia đình, nên dù đau đớn, bầm dập khắp người, hoang mang và lo sợ tột độ nhưng Dua vẫn quyết tâm vùng chạy thoát, bỏ trốn một lần nữa.

“Lợi dụng lúc nhóm này ngủ say, em chạy thoát khỏi nhà nghỉ. Em cứ chạy hết con đường nhựa, rồi vào một lối mòn trong rừng để tránh sự lùng bắt. Đường thì mù mịt, chỉ có anh trăng mờ mờ nhưng em vẫn chạy thục mạng. Nhiều lúc vấp phải rễ cây, ngã sõng soài ra đất mà em không biết đau là gì. Gần đến sáng thì em bắt gặp một nhóm cửu vạn là người Việt Nam và người Trung Quốc, lúc ấy chân tay em nhiều chỗ đã tứa máu. Khi ấy em sợ lắm, vừa nói vừa khóc, nhưng nói họ không hiểu, chỉ thấy em khóc lóc van xin thì họ dẫn em đến đồn công an để nhờ can thiệp”, Dua cho hay.

Đến đồn công an, sử dụng hết vốn từ Trung Quốc mà mình đã học được trong những lần theo bố mẹ sang đây làm nghề bốc vác, Dua kể mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Mấy ngày sau, cô được trở về với gia đình.

Kể thêm về người đàn ông tên Xá, Dua cho biết: “Sau này em mới biết anh ta là người cùng xã Đắk R’Măng, hiện nay chỉ có người mẹ sống ở đây. Không biết tại sao ngày ấy em yêu anh ta đến vậy, cứ không gặp nhau là nhớ, đến khi theo anh ta bỏ nhà đi, em cứ như người bị “lú” mà lững thững theo sau”.

Ông Nguyễn Trọng Lực, Phó trưởng công an xã Đắk R’Măng cho biết, hiện nay toàn xã có khoảng 6-7 trường hợp nghi bị bán sang Trung Quốc. Dua là một trong những trường hợp hiếm hoi trốn chạy thành công để về với gia đình. Trong khi đó, theo thống kê của cơ quan công an, hiện tỉnh Đắk Nông có khoảng 60 phụ nữ vắng mặt tại địa phương nghi là nạn nhân của nạn buôn bán người, trong đó huyện Đắk G’Long chiếm số lượng nhiều nhất.

Ngày 12/9/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Đắk G’Long đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Xá về hành vi Mua bán người. Đối tượng này bị bắt chỉ ít hôm sau khi Dua trở về nhà.

*tên nạn nhân đã được thay đổi

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP