Ngôi chùa cổ trên vùng đất văn hiến
Chùa Minh Thịnh (Minh Thịnh Tự) nằm ở phía Nam của dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc địa bàn xã Tùng Lộc – một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; quê hương của những danh nhân văn hóa như Hà Tông Mục, Hà Công Trình và nhiều bậc trung liệt như Đặng Tất, Đặng Dung, Lương Hữu Trinh… Theo các tài liệu cổ, Chùa được dân làng xây dựng vào năm 1487 đời vua Lê Thánh Tông, để thờ Phật và tri ân công đức của các bậc tiền nhân, chư vị tướng sĩ trong đạo quân của vua Lê Thánh Tông tham gia mở mang bờ cõi về phương Nam của Tổ quốc. Chùa được xây dựng trên gò đất cao gần sông Nghèn, là điểm trú quân của đội quân nhà Lê.
Là một di tích kiến trúc tôn giáo, Chùa có cấu trúc chữ Quốc, quay mặt về hướng Đông Nam, bao gồm cổng vào, hạ điện, hai nhà thờ họ tộc, thượng điện. Cổng chùa được xây dựng lối nhà rường, chính giữa cổng chùa có đề 3 chữ Hán “Minh Thịnh Tự”, trên 4 trụ cột có đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung: Đáo vô đường tự thiện vô biên,
Kim chỉ nam cứu dân độ thế”.
Và câu đối bằng chữ quốc ngữ:
“Chùa linh hương tỏa ngát muôn xuân
Đất phật mở danh ngàn trí tuệ”.
Ở trong gian thượng điện là nơi bày các tượng Phật và các ban thờ từ cao đến thấp. Nổi bật nhất là Bộ tượng tam thế, đây là một trong những bộ tượng đẹp và điển hình của các chùa trong vùng Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Ba pho tượng này được làm bằng chất liệu gỗ mít, được đặt ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất. Cả ba pho tượng đều khái quát theo quy định của tượng Phật, bộ mặt và dung nhan đều phảng phất nét chân dung nữ tính, thuần hậu, không cường điệu mà gần gũi. Hiện Chùa còn 16 pho tượng, hầu hết đều có tuổi thọ trên 200 năm, tương đối nguyên vẹn như ban đầu. Đây là những cổ vật có giá trị, giúp chúng ta hiểu được về sự phát triển của Phật giáo trong vùng.
Chiếc mõ cổ tại chùa Minh Thịnh
Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, Chùa được tôn tạo nhiều lần, lần gây nhất cũng đã trên 100 năm trên nền cũ, mang kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Mái đổ bê tông không dán ngói, cột xà ngang dọc, hoành phi được đổ bê tông, có trang trí hoa văn và trên mái gắn đầu rồng bằng mảnh sứ ghép.
Và Bộ sưu tập lư hương cổ quý hiếm thời Lê
Bộ sưu tập lư hương cổ
Hiện nay Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, một trong số đó là Bộ sưu tập lư hương cổ quý hiếm gồm 5 chiếc, trong đó 2 chiếc được làm bằng chất liệu gốm sứ, 2 chiếc bằng chất liệu gỗ quý sơn son thếp vàng và một chiếc mõ cổ có trang trí hoa văn hình mặt người. Theo tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh: 2 chiếc lư hương cổ được chế tác bằng chất liệu gốm sứ có cùng niên đại, được tạo dáng hình trụ tròn, trọng lượng mỗi chiếc hơn 5kg, mặt trước trang trí các họa tiết hoa văn đối xứng, bố cục cân đối đẹp mắt; phía trên miệng lư được đắp nổi biểu tượng hai con Rồng đang chầu vào vòng tròn lửa; ở giữa khắc nổi hình chữ “thọ” viết theo lối chữ triện; phía dưới có 4 ô vuông ghi dòng lạc khoản bằng chữ Hán cổ: “Thánh cung vạn tuế”. Tiếp đến là họa tiết hình vuông, xung quang trang trí các nốt chấm đều nhau, tạo thành đường viền đối xứng, ở giữa chạm hình chữ triện. Hai bên là hình tượng hai con chim Hạc đứng chầu. Mặt bên chiếc lư được tạo dáng hai con Rồng trong tư thế leo lên trên miệng lư với nét chạm sắc trông uy linh và tinh xảo. Dưới cùng phía chân đế được đắp nổi họa tiết hình hổ phù sống động.
Đây là bộ sưu tập lư hương cổ thời Lê có giá trị độc đáo, quý hiếm, có giá trị về mặt tư liệu hiện vật lần đầu tiên được phát hiện tại Hà Tĩnh. Những cổ vật này sẽ giúp các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ tìm hiểu về loại hình, chất liệu và kỹ thuật chế tác gốm sứ thời xưa.
…Đến cái nôi Cách mạng
Theo lịch sử Đảng bộ xã Tùng Lộc, trong phòng trào Xô viết 1930 – 1931 do Đảng ta lãnh đạo, Chùa Minh Thịnh là nơi sinh hoạt, hội họp gặp gỡ của đảng viên cộng sản xã Tùng Lộc, tổng Nội ngoại và huyện Can Lộc. Các đồng chí trong Huyện ủy lâm thời thường xuyên qua lại Chùa để chỉ đạo phong trào đấu tranh của Tùng Lộc, vì đây là một trong những địa phương có chi bộ cộng sản ra đời sớm và có phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân mạnh; hơn nữa vị thế của Chùa rất kín đáo, thuận lợi cho việc tiến thoái khi gặp bất trắc. Trong hai chuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, Chùa là nơi hội họp, phát động các phòng trào của nhân dân trong vùng, là nơi tập trung dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến trường.
Vĩ thanh
Cùng với sự ra đời của làng, một nhu cầu tất yếu của đời sống nhân dân, đó là sinh hoạt văn hóa tâm linh, trong đó đền chùa đóng vai trò quan trọng. Sự ra đời của Chùa Minh Thịnh nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Tên gọi của Chùa cũng phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân rằng Minh Thịnh là chỗ sáng rõ và thịnh vượng, yên bình để làm ăn và tu nguyện, mang lại điều an lành cho người dân.
Văn nghệ mừng ngày lễ phật tại Chùa Minh Thịnh
Từ lâu Chùa Minh Thịnh đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng, làm chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong quá trình đấu tranh chống thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ những người có công đối với làng, với nước. Ngày nay vào các ngày lễ chính của đạo Phật như Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, và các ngày sóc vọng, Tết Nguyên đán… nhân dân trong vùng và khách thập phương đều tổ chức các nghi lễ cũng thờ cúng Phật trang nghiêm và thành kính, hướng tới điều Thiện nơi cửa Phật.
Chùa Minh Thịnh có giá trị lịch sử quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân làng Tỉnh Thạch xưa, Tùng Lộc ngày nay. Tuy kiến trúc không quy mô bề thế, nhưng Chùa là một minh chứng sống động cho lịch sử ra đời của một ngôi làng cổ – đó là làng Tỉnh Thạch, một làng quê trù phú, giàu bản sắc văn hóa. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, cùng với hệ thống các di tích trên địa bàn huyện, Chùa Minh Thịnh đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng con người vào những điều tốt đẹp, có ích cho gia đình, xã hội./.
Lương Hoàng