Miền Trung lắm mưa nhiều nắng với những điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng, từ lâu nay đã được các nhạc sỹ trong cả nước dành tặng những ca khúc đặc biệt. Trong những năm gần đây, các ca khúc mới về quê hương do các nhạc sỹ hoạt động tại địa phương sáng tác ngày càng nhiều, để lại dấu ấn đậm sâu cho khán, thính giả.
Như đã hẹn, liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung lần thứ 22 đã đến trong nỗi đợi chờ của các nhạc sỹ, nghệ sỹ cũng như khán giả. Hơn 80 nhạc sỹ, nghệ sỹ của 6 tỉnh bắc miền Trung đã mang đến liên hoan hơn 30 tác phẩm được dàn dựng công phu, trong đó nhiều tác phẩm chưa từng biểu diễn đã chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc trong khu vực.
Mặc dù các tác phẩm tham gia liên hoan có sự khác nhau về thể loại nhưng có thể nhận thấy điểm chung chính là sợi dây gắn kết truyền thống và hiện đại trong mỗi tác phẩm. Ở bất kỳ đề tài nào, ca ngợi quê hương, đất nước hay viết về mẹ, về các anh hùng dân tộc… các nhạc sỹ cũng đã biết khai thác chất liệu dân ca của địa phương mình đồng thời kết hợp với tiết tấu, hòa thanh mang sức sống thời đại để chuyển tải nhịp điệu cuộc sống mới.
Ca khúc “Nhìn trăng nhớ mẹ” của nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu được dàn dựng công phu |
Sau những chênh lệch trong các kỳ liên hoan trước, lần này hầu như giữa các đoàn không có khoảng cách về chất lượng nghệ thuật. Mặc dù năm nay không có tác phẩm thực sự nổi bật, không có những bản tình ca sâu lắng nhưng tác phẩm của các đoàn lại khá đồng đều. Điều này chứng tỏ đội ngũ sáng tác ở các địa phương đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và sáng tạo không ngừng. Hơn 30 tác phẩm là chừng ấy sắc thái âm nhạc, chừng ấy xúc cảm của người nghệ sỹ trước những biến đổi của đời sống. Các ca khúc vừa đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của miền Trung lại vừa khác nhau ở đặc trưng vùng miền, đã đem đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tác phẩm “Bâng khuâng câu ví giặm của nhạc sỹ Trịnh Quang Thuận qua sự thể hiện của tốp nữ Chi hội nhạc sỹ Nghệ An |
Khán giả sẽ nhớ và tìm nghe niềm thương nỗi nhớ trong “Câu giao duyên cha hát” của Nguyễn Đình Đức, “Nhìn trăng nhớ mẹ” của Trịnh Ngọc Châu, “Bâng khuâng câu ví giặm” của Trịnh Quang Thuận, “Gửi Trường Sa một câu hò Huế” của Minh Tiến, “Thương lắm miền Trung” của Hoàng Sông Hương… Khán giả sẽ không quên những giai điệu tươi vui, sôi động trong “Thanh Hóa vào xuân” của Thế Việt, “Quê tôi ngày mới” của Ngọc Thịnh, “Giữ màu xanh cuộc đời” của Dương Bích Hà, “Tân Kỳ quê em” của Tiến Dũng… Và sẽ còn đọng mãi nỗi khắc khoải trong nỗi đau chiến tranh với “Ngã ba chiều” của Đỗ Hồng Quân, “Nhớ về Đồng Lộc” của Quốc Trung, “Tình đồng đội” của Quốc Đính… v.v…
Ca sỹ Thái Bảo (Hà Tĩnh) lắng sâu trong ca khúc “Câu giao duyên cha hát” của NS Nguyễn Đình Đức |
Chị Phan Thị Nhâm ở phường Hà Huy Tập cho biết: “Đây là lần thứ 2 Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung tổ chức tại Hà Tĩnh và cũng là lần thứ 2 tôi theo dõi sự kiện âm nhạc này, rất mừng là ngày càng có nhiều tác phẩm mới khai thác chất liệu âm nhạc dân gian của miền Trung. Hy vọng sau liên hoan, các nhạc sỹ sẽ tiếp tục sáng tạo mang đến cho khán giả những tác phẩm hay hơn nữa”.
Sự tham gia của những ca sỹ nổi tiếng như Đăng Thuật đã góp phần tăng sức hấp dẫn cho liên hoan |
Ngoài những tác phẩm âm nhạc độc đáo thì sự chuyển tải của các ca sỹ cũng đã góp phần quan trọng cho thành công của liên hoan. Cùng với sự thể hiện xuất sắc của các ca sỹ đến từ nhà hát đài tiếng nói Việt Nam như Đăng Thuật, Hồng Nhung, Đinh Thành Lê thì các ca sỹ đến từ các địa phương như Thái Bảo, Thu Hà, Đình Phước, Hà Lam, Bảo Thành… cũng để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả bởi giọng ca đằm thắm, khỏe khoắn, nhất là qua các ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca… Bên cạnh đó, sự có mặt của các nhạc sỹ nổi tiếng như: Đỗ Hồng Quân, Chu Minh, Tôn Thất Lập, Trọng đài… và các nhạc sỹ đến từ Hội âm nhạc Việt Nam đã sự đã làm ấm lòng các nhạc sỹ và ca sỹ đến từ 6 tỉnh bắc miền Trung.
Tiết mục múa trên nền âm nhạc vừa đậm tính dân gian vừa mang hơi thở thời đại của đoàn Hà Tĩnh |
Ca sỹ Đình Phước (đoàn Thanh Hóa) cho biết: “Biểu diễn tại sân khấu của liên hoan mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc, đó là niềm tự hào được hát lên giai điệu của quê hương mình, đó là nỗi hân hoan được cùng bạn bè ngợi ca nét văn hóa đặc sắc của khu vực… Tôi hy vọng, mỗi kỳ liên hoan sẽ mở ra những cảm hứng sáng tạo âm nhạc mới cho các nhạc sỹ để chúng tôi sẽ còn được hát nhiều hơn nữa những khúc hát về miền Trung yêu thương”.
BTC trao giải A cho các nhạc sỹ |
Đánh giá tổng kết, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Mặc dù còn có những hạn chế nhất định nhưng với sự đầu tư dàn dựng công phu và khả năng biểu diễn tốt, liên hoan lần này đã thành công trên nhiều phương diện. Việc có nhiều ca khúc mới, biểu diễn lần đầu tiên tại sân khấu của liên hoan cũng cho thấy sức sáng tạo mạnh mẽ của đội ngũ nhạc sỹ các địa phương và đó là tín hiệu đáng mừng đối với nền âm nhạc Việt Nam”. 21 tác phẩm được trao giải A, 5 ca sỹ được tặng Bằng khen là sự ghi nhận xứng đáng mà ban tổ chức dành cho các nhạc sỹ và nghệ sỹ. Chúng tôi cũng hy vọng, những hạn chế tại liên hoan lần này sẽ là động lực để các nhạc sỹ nỗ lực hơn nữa trong hoạt động sáng tác của mình.
Cánh màn nhung của Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung 2013 đã khép lại nhưng những giai điệu của khúc ruột miền Trung sẽ còn vang mãi. Và chắc chắn, mảnh đất miền Trung nhọc nhằn mà nồng đượm nghĩa tình sẽ là nơi gặp gỡ và thăng hoa của những tâm hồn nghệ sỹ.
Anh Hoài
(Theo Báo Hà Tĩnh)