Sáng mồng một Tết làm cỗ cúng gia tiên, cúng Thổ công, Táo quân, v.v… Ngoài cỗ bàn ra có nhà còn dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông vãi. Sau đó là cả nhà chúc tụng lẫn nhau, đi thăm hỏi chúc Tết bà con, hàng xóm láng giềng…ăn Tết.

Khi cúng gia tiên nên cúng Phật  trước – Ảnh NT

Lễ vật cúng ngày mùng 1 Tết cũng giống như cúng gia tiên. Vật phẩm gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Sau khi người gia trưởng khấn lễ xong thì các thành viên trong gia đình lần lượt theo thứ tự tới chấp lễ trước bàn thờ hay mâm cúng.

Cần lưu ý khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt ba ngày Tết cho đến lễ Hóa vàng ngày mùng 3.

Tục kiêng quét nhà ngày đầu năm

Ông bà ta có quan điểm về mê tín dị đoan, những cái không phù hợp với cuộc sống dần dẹp bỏ. Những tập tục tốt đẹp cần giữ gìn phát huy. Một trong những tục ấy là tục kiêng quét nhà ngày mùng một Tết.

Theo quan niệm của người xưa, quét nhà vào những ngày đầu xuân là quét đi những tài lộc, thì xem như năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất. Vì vậy, mọi người thường chỉ quét nhà nhưng lại không quét ra ngoài cửa. Thay vào đó, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người trong gia đình sẽ tổng vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ để đón năm mới.

Theo nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người, viết: “Tục này là do ở trong Sưu thần ký có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo. Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm, nhân ngày mùng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác trong mấy ngày Tết. Tuy nhiên hiện nay người ta chỉ còn kiêng đến hết ngày mùng một thì thôi”.


Bàn thờ Gia tiên một gia đình ở Sài Gòn – Ảnh NT 

Văn khấn mẫu cúng gia tiên

Nước CHXHCN Việt Nam, năm… (tên gọi của năm theo âm lịch) ngày mùng một tháng Giêng, tiết xuân.

Nay con giữ việc phụng thờ tên là…(họ tên người khấn), quán tại xã… huyện… tỉnh…, hiện nay toàn gia cư trú tại…đồng gia quyến cúi đầu trăm bái.

Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả, cỗ bàn, rượu nước, trầu cau cùng mọi phẩm vật dâng lên.

Kính mời các cụ họ… kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em, cô dì, chị, em cùng về chứng giám.

Dám mong

Tiên tổ bảo hộ gia đình, từ già đến trẻ, hạnh phúc an khang, không tai vạn sự hanh thông, người tăng, vật vượng.

Thượng hưởng.

(Theo Tín ngưỡng Việt Nam của Toan Ánh)

Ngoài ra cũng có bài Văn khấn ngày mùng 1 Tết, độc giả có thể tham khảo thêm.

Văn khấn Tổ tiên mồng 1 Tết

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

Các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô dì tỷ muội, đường thượng tiên linh các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.

Nay theo Tuế luật , Âm Dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mùng Một đầu xuân mưa móc thấm nhuần , đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên, như trời cao biển rộng , khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật , oản quả hương hoa kính dâng lên trước án.

Kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô dì tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại. Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, hâm hưởng lễ vật. Phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời: các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng.

Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

N.Tý (Tổng hợp)