Phong Thuỷ

Ngày xuân, tản mạn về những bi kịch quanh thú đá gà của người Việt

Đi kèm với trò đá gà là những câu chuyện vui có, buồn có được truyền từ đời này sang đời khác. Và mỗi câu chuyện là một bài học sâu sắc về giá trị sống và sự chiêm nghiệm.

Chọi gà (hay đá gà) là một trò chơi có từ xa xưa, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Điểm lạ của trò chơi này là không phân biệt giàu – nghèo, già – trẻ, sang – hèn… ai cũng có thể chơi được. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, thú vui này đã dần trở thành một nét đẹp trong truyền thống của người Việt.

Nhưng đi kèm với đó là những câu chuyện vui có, buồn có được truyền từ đời này sang đời khác. Và mỗi câu chuyện là một bài học sâu sắc về giá trị sống và sự chiêm nghiệm. Dưới đây là một vài bi kịch nổi tiếng xung quanh thú chơi này.

Quý gà chôn mẹ, tội ác không tha
Sách Công dư tiệp ký của tác giả Vũ Phương Đề (1697 – ?) có chép một câu chuyện nổi tiếng về trò đá gà như sau: Tại Thất Huyện, tỉnh Hải Dương (hiện chưa rõ Thất Huyện ngày nay thuộc địa phận nào của tỉnh Hải Dương – PV) có một công tử nhà giàu rất mê đá gà. Anh ta nuôi được con gà nòi quý, đá rất hay, nhiều người tới trả giá cao mua lại nhưng anh nhất định không bán vì coi nó như bảo bối.

Một ngày nọ anh ta có việc đi vắng, con gà được thả ra nhưng nó cứ tới chỗ người vợ đang sàng gạo phá phách. Đuổi mãi không được, người vợ tức giận ném cái nia nhưng không ngờ trúng phải gà nên chết.

Biết là gây ra họa lớn, người vợ khóc lóc đem sự tình kể với mẹ chồng. Bà mẹ thương con dâu nên bèn nghĩ kế giúp. Đợi đến chiều người con trai trở về nhà, bà mới đem sự tình ra kể và nhận là mình lỡ tay quăng chết con gà quý. Bà cũng hứa sẽ bán mấy mẫu ruộng dưỡng già để anh ta mua một con gà khác.

Đá gà là một trò chơi có từ lâu đời của người Việt

Nghe xong câu chuyện, người con trai không nói gì, chỉ bảo mẹ dọn cơm cho mình ăn. Xong xuôi anh ta tìm một cái cuốc và túm tóc mẹ, hét lớn “bà giết gà tôi, bà phải chết”, rồi lôi mẹ ra bãi tha ma, đào một lỗ lớn, định chôn sống mẹ để trả thù cho gà quý. Khi huyệt vừa đào xong, bỗng đâu trời nổi một cơn gió lớn, giữa đồng có một tiếng nổ rất to, tiếng sét rạch ngang trời đánh trúng người con bất hiếu.

Thiên hạ thấy thế liền đổ xô đến xem rất đông. Quan huyện về khám xét, sai lấy dấm bôi vào mặt thì thấy nổi lên 8 chữ “Quý gà chôn mẹ, tội ác không tha”. Hiện ở Hải Dương vẫn còn tấm bia đá ghi lại câu chuyện quái đản này để nhắc nhở mọi người lấy đó làm gương.

Người Việt Nam vốn trọng đạo hiếu, ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cả đời người con trả còn không hết. Huống chi chỉ vì một thú vui nhỏ nhoi mà dám làm chuyện đại nghịch bất đạo, băng phong hoại lý như vậy. Thiết nghĩ, hành động vô đạo này đâu cần phải nhờ tới trời ra tay mà miệng lưỡi thế gian cũng đủ mạnh như tiếng sét giữa trời quang kia vậy.

Hoàng thân vong mạng vì trò đá gà
Tương truyền, vào thời nhà Nguyễn có hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tăng rất ham mê trò đá gà. Ông là con thứ 42 của vua Minh Mạng, được phong là Hải Ninh Quận Công. Không giống như những người anh em khác, Nguyễn Phúc Miên Tăng bị sử liệu phê phán là người con hư hỏng, chơi bời lêu lổng, ham mê hát bội và thú đen đỏ, đặc biệt là trò đá gà.

Hiện tài liệu nói về nhân vật này không nhiều nhưng chỉ qua câu chuyện được chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (một bộ sách ghi chép lại các điển pháp, quy chuẩn và các dữ kiện liên quan đến tổ chức và hoạt động của triều Nguyễn – PV) cũng phần nào thể hiện “chất chơi” của nhân vật này.

Nhiều bi kịch đã xảy ra xung quanh trò đá gà

Theo đó, nhân dịp được phong làm Hải Ninh Quận Công, Miên Tăng đã mở tiệc ngay ở Quảng Học đường, tụ tập rất đông người ăn chơi. Sau vì vui quá trớn mà đám đông đã xéo què một đứa trẻ con tên Thành. này đến tai vua Minh Mạng, vua xét Quảng Học đường là nơi đọc sách cho các hoàng thân mà lại bày trò chơi khiến người đến xem tụ họp đông như thế đã là chẳng nên, huống chi còn gây thương tật cho người khác. Vì thế Miên Tăng bị phạt, cắt 6 tháng lương và đền người bị hại 40 lạng bạc.

Tương truyền, do mải ăn chơi nên gia tài của vị hoàng thân này ngày càng khánh kiệt. Cuối cùng ông phải bán hết nhà cửa, xuống ở nhờ một chiếc đò trên sông Hương vốn chỉ dùng để nuôi heo. Cuối năm 1896, đời vua Ðồng Khánh, Miên Tăng tới xem đá gà tại một trường đá ở ngoại thành Huế. Mặc dù chỉ là khán giả nhưng ông rất thích một con gà chọi nên không tiếc lời hoan hô, cổ vũ.

Thế nhưng vào giờ chót, con gà ấy lại bị thua ngược. Liên tưởng từ chuyện con gà tới câu chuyện đời mình, ông uất ức, máu trào lên cổ, chết ngay tại trường gà. Do gia đình quá nghèo nên dù là quận công nhưng khi mất, ông không có quần áo quận công để mặc. Cuối cùng gia đình phải làm một bộ bằng giấy để tẩm liệm.

Thiết nghĩ, ông xuất thân nơi quyền quý, ra vào chốn ngựa xe, thuở nhỏ học đòi kinh sách, ngẫm ra nào có kém ai. Vậy mà chẳng biết noi gương người trước, học tập người sau mà lưu lại tiếng thơm cho đời, cuối cùng chết trong đói nghèo và muôn vạn lời chê. Chẳng phải là tiếc lắm sao!

Trò chọi gà trong tranh xưa

Vờ ham đá gà để thoát nạn

Cũng tương truyền, chúa Trịnh Khải trước khi lên ngôi từng bị giam lỏng, sống chết cận kề. Rất may vì giả vờ suốt ngày chìm đắm trong trò đá gà, sống an phận thủ thường mà đã bảo toàn được mạng sống.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Tháng Chín, mùa thu (năm 1780), Trịnh Sâm truất bỏ ngôi của con trưởng là Khải và bắt giam giữ (vì bị cáo buộc mưu phản – PV)… Trịnh Khải đã bị phế, ở ngôi nhà ba gian, ăn uống ra vào không được tự do, người ta đều lo ngại cho Khải nhưng không người nào dám nói”.

Trịnh Khải vốn là con trưởng của chúa Trịnh Sâm nhưng do Trịnh Sâm quá sủng ái tuyên phi Đặng Thị Huệ nên thành ra ông bị ghét bỏ và bắt giam. Tính mạng của Trịnh Khải còn nguy ngập hơn nhiều khi Trịnh Sâm lập Trịnh Cán (con của tuyên phi Đặng Thị Huệ) làm thế tử.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Sau khi Cán đã lập làm chúa, Đặng Thị (tức tuyên phi Đặng Thị Huệ – PV) bắt Khải ra ở nhà tả xuyên, giam giữ cấm đoán rất nghiêm ngặt. Dương Thị, mẹ Khải e rằng, Khải không tự bảo toàn được tính mạng, bèn sai người đến kêu xin Đình Bảo (tức Hoàng Đình Bảo, cùng phe với tuyên phi Đặng Thị Huệ – PV) thương tình. Đình Bảo khóc nói: “Đình Bảo này thờ tiên vương, rất được đội ơn yêu dấu. Quý tử là con của tiên vương ta, nếu ta dám có lòng nào, sẽ bị trời tru đất diệt”. Từ đấy, việc giam giữ áp chế được nới rộng một chút.

Dù việc giam giữ đã được nới lỏng nhưng người của phe tuyên phi Đặng Thị Huệ vẫn giám sát Trịnh Khải rất sát sao. Thời điểm này, Trịnh Khải sống an phận thủ thường, ngày ngày đi xem đá gà từ sáng tới tối, sống quanh quẩn bên mấy chiếc sới gà mà không màng chuyện chính sự. Khải tự cho mình là đồ bỏ đi, hễ ai nhắc hoặc gợi chuyện đều cố tình lảng sang chuyện khác. Nhờ vậy mà Trịnh Khải bảo toàn được tính mạng và sau lên làm chúa nhờ loạn kiêu binh nổi tiếng trong lịch sử.

Thực ra nếu nói Trịnh Khải giả vờ đam mê đá gà để bảo toàn mạng sống cũng không hẳn đúng. Cả chính sử và dã sử đều đề cập tới chuyện những tầng lớp thượng lưu giai đoạn Trịnh – Nguyễn đều rất mê trò đá gà. Vì thế có thể Trịnh Khải cũng đam mê đá gà thực. Tuy nhiên, trong sự biến thiên dữ dội của l, Trịnh Khải đã “nhất tiễn hạ song điêu”, vừa dùng trò này để che mắt thiên hạ, vừa để thỏa mãn được niềm đam mê cá nhân. Lịch sử đôi lúc cũng thật lạ lùng.

Phạm Thiệu

  Từ khóa: Ngày Xuân , văn hoá

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP