Danh Nhân

Kỷ niệm 108 năm ngày sinh cố Tổng Bí Thư Hà Huy Tập ( 24/04/1906 – 24/04/2014)

  Hà Huy Tập – Một tấm gương cộng sản sáng ngời

     Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyên tên lúc nhỏ của ông là Hà Huy Khiêm, còn gọi là Ba. Thân phụ Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tương, đỗ Cống sinh.


Trước cảnh nước mất, nhà tan và cuộc sống cơ cực của người dân quê hương, ông không tham gia làm quan như bao người đương thời, mà ở nhà dạy học và bốc thuốc giúp con trẻ biết chữ và chữa bệnh cho dân làng. Thân mẫu Hà Huy Tập là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân tần tảo nuôi chồng, thương con, cả cuộc đời gắn bó với đồng ruộng quê hương, sống hòa thuận với bà con làng xóm.

 Ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Ông bà Tương sinh được bốn người con: hai trai, hai gái. Hà Huy Tập là con thứ ba trong gia đình. Anh trai là Hà Huy Sum, lúc thì ở nhà làm ruộng, khi thì đi làm phu ở mỏ than để phụ thêm cho sinh hoạt gia đình. Còn chị gái và em gái đều ở nhà làm ruộng.

Từ nhỏ, ông chịu sự dạy dỗ của cha. Ngoài căn bản Nho học được truyền thụ từ cha, ông còn theo học bậc Tiểu học tại Thị xã Hà Tĩnh. Sau khi học hết bậc Tiểu học, năm 1919, ông thi vào trường  Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu – bằng Thành chung, nhưng vì gia đình nghèo không đủ điều kiện để học tiếp ở bậc cao hơn, Hà Huy Tập nhận làm giáo viên trong một trường Tiểu học ở thị xã Nha Trang, sau chuyển về trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh, Nghệ An. Thời gian này ông chăm chú đọc nhiều sách báo và thấy được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới xiềng xích của thực dân Pháp và luôn trăn trở phải làm sao đây để đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương.

Chính sự trăn trở đó đã thúc giục người thanh niên yêu nước Hà Huy Tập bước vào cuộc đấu tranh cách mạng với cả bầu nhiệt huyết, dũng cảm, sáng tạo vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng nước ta.

Cuối năm 1925, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt. Ông là một trong những người xả thân cho những hoạt động của Hội. Được Hội giao nhiệm vụ, Hà Huy Tập đã gửi tới Toàn quyền Đông Dương yêu cầu xóa án cho nhà cách mạng Phan Bội Châu. Tháng 3-1926, cụ Phan Châu Trinh – một nhà yêu nước nổi tiếng qua đời, Hội cũng đã huy động hàng nghìn nhân dân lao động ở Vinh, Nghệ An đến chùa Diệc dự lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Bất chấp sự đe dọa của bọn quan lại và cảnh sát, Hà Huy Tập đứng lên diễn thuyết ca ngợi tinh thần yêu nước thương nòi của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh và kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh.

Trong thời gian ở Vinh, ngoài việc dạy học ở trường Cao Xuân Dục, Hà Huy Tập còn đến các xóm thợ Trường Thi – Bến Thủy, các làng, xã quanh Vinh để tìm hiểu tình hình và xây dựng cơ sở Hội Phục Việt. Với những hoạt động tích cực cụ thể đó, Hà Huy Tập đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Công sứ Vinh lệnh cho Đốc học Vinh cách chức giáo viên đối với Hà Huy Tập. Trước tình hình đó, lãnh đạo Hội giao nhiệm vụ cho ông vào hoạt động ở Sài Gòn.

Tháng 3-1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn. Ở đây, ông xin vào dạy học tại trường Tiểu học tư thục mang tên An Nam học đường ở Gia Định. Hà Huy Tập đã tổ chức thành công nhiều cuộc bãi khóa của học sinh, chống lại chế độ giáo dục thực dân của nhà trường. Ông biết trước sau kẻ địch cũng dò ra tung tích của mình, nên hết sức cảnh giác, liên tục thay đổi chỗ ở. Nhờ đó mà ông đã trụ được ở Sài Gòn một thời gian.

Tháng 1-1928, Hội Hưng Nam (tên mới của Hội Phục Việt) tổ chức Hội nghị toàn quốc tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Hà Huy Tập dự Hội nghị này với tư cách Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ. Hội nghị bàn về việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Rời Hà Tĩnh, Hà Huy Tập trở lại Sài Gòn và hoạt động ngày càng tích cực. Những hoạt động của ông bị nhà chức trách theo dõi. Tháng 6-1928, Hiệu trưởng An Nam học đường có quyết định đình chỉ việc giảng dạy của ông với lý do kích động học sinh nhiều lần bãi khóa. Hà Huy Tập xin vào làm việc ở một hiệu buôn đến tháng 8-1928, ông rời khỏi hiệu buôn đến Bà Rịa xin vào làm việc ở đồn điền trồng mía Phú Mỹ. Trong thời gian này, Hà Huy Tập đã vận động thành lập được chi bộ Đảng trong công nhân do ông làm Bí thư.

 Chân dung cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906-1941)

Tháng 12-1928, ông được cử sang  Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia một khóa huấn luyện của   Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ấn tượng mạnh với tư tưởng của  Nguyễn  Ái  Quốc và tác phẩm  Đường Kách Mệnh, từ đó ông tích cực hoạt động trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Ngày  19-7-1929, ông sang Liên Xô, học  trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva với bí danh là Xinhitrơkin. Cuối năm 1929, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản liên bang (bôn-sê-vích). Trong thời gian này ông đã soạn thảo “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương”“Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương”.

Tháng 5-1932, ông tốt nghiệp khóa học và rời Mátxcơva qua Paris (Pháp) trở về Việt Nam. Trên đường về ông bị Pháp  bắt và bị trục xuất sang  Bỉ vào tháng 6-1932, ông đã trở lại Liên Xô vì lúc bấy giờ ông chưa tìm được con đường về nước, ngoài con đường qua nước Pháp.

Thời gian ở lại Liên Xô, Hà Huy Tập tìm gặp những người làm việc trong Quốc tế Cộng sản để bày tỏ nguyện vọng của mình muốn được trở về Việt Nam. Năm 1933, Hà Huy Tập rời cảng Vlađivôxtốc của Liên Xô để trở về phương Đông.

Tháng 4-1933, Hà Huy Tập về đến Ma Cao (Trung Quốc), ông được Quốc tế Cộng sản  chỉ định tham gia Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng Sản Đông Dương, do  Lê Hồng Phong làm Thư ký. Từ ngày 16 đến ngày 21-6-1934, Hội nghị Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức Đảng ở trong nước được tổ chức, gồm có  Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, Nguyễn Văn Tham và Trần Văn Chấn. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết Chính trị và Nghị quyết về các vấn đề tổ chức.

Tháng 3-1935, tại Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương ở  Ma cao, Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Hà Huy Tập được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào cương vị Thư ký Ban Chỉ huy Hải ngoại.

Ngày 26-7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập triệu tập tại Thượng Hải, Trung Quốc đã nhận định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa phát xít, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi bao gồm các đảng phái, các giai cấp, các đoàn thể chính trị, các dân tộc ở Đông Dương để đấu tranh giải phóng Đông Dương thoát khỏi ách đế quốc và phong kiến. Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng (ngày 26-7-1936), Hà Huy Tập được bầu giữ chức Tổng bí thư của Đảng.

Sau Hội nghị Trung ương, ông trở về nước để để lập lại Trung ương cấp ủy, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân ta. Cơ quan của Trung ương Đảng bí mật từ Trung Quốc chuyển về Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

Trước tình hình chiến tranh thế giới đang đe dọa, ngày 29 và 30-3-1938, Hội nghị Trung ương Đảng được triệu tập họp tại Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn để bàn về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính địch. Tại Hội nghị này,    Nguyễn Văn Cừ trình bày quan điểm thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương để vừa đoàn kết công nông, vừa tập hợp trí thức và các xu hướng cải cách dân chủ khác.

Ngày 30-3-1938, Hội nghị đã bầu bổ sung Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương và Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng thay Hà Huy Tập.

Như vậy, Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư của Đảng từ giữa năm 1936 đến tháng 3-1938, những năm sóng gió đầy thử thách, nhưng Hà Huy Tập đã vững vàng cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bao thử thách, hiểm nguy tiến lên.

Hà Huy Tập là một trong những nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta. Với tư duy sắc sảo và tính luận chiến cao luôn luôn thể hiện bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên cường trước mọi sự tấn công xuyên tạc của kẻ thù, vượt lên mọi hiểm nguy vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Ngày 1-5-1938, ông bị bắt do có chỉ điểm trong khi tham dự ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn. Ông bị trục xuất khỏi Nam Kỳ và bị đưa về quê chịu quản thúc. Đến ngày 30-3-1940, ông bị bắt lại và đưa vào Nam Kỳ để xét xử. Ngày 25-10 năm đó, ông bị thực dân Pháp xử tuyên án 5 năm tù giam.

Ngày 25-3-1941, chính quyền Pháp đổi bản án của ông thành án tử hình vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Trước tòa ông tuyên bố “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”.

Một góc khu di tích tưởng niệm cố TBT Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, huyện  Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 28-8-1941, ông bị chính quyền Pháp xử bắn cùng với một số nhà cách mạng khác tại Sở Rác (nay là  bệnh viện Hóc Môn, Sài Gòn) như:  Nguyễn HữuTiến, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… Bức thư cuối cùng ông gửi cho gia đình viết “Nếu tôi phải bị chết, … thì gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người chết mà phải buồn; trái lại, nên xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn… mà thôi”.

Từ khi đồng chí Hà Huy Tập bước vào hoạt động cách mạng đến lúc hy sinh diễn ra trong vòng 16 năm: từ nhà yêu nước trở thành nhà cách mạng, từ người cộng sản trở thành Tổng Bí thư của Đảng, Hà Huy Tập đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang, ông là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Lịch sử ghi nhớ đồng chí như một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một người lãnh đạo tận tụy, năng động, một cây bút lý luận xuất sắc của Đảng những năm 30 của thế kỷ XX, người đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho lý tưởng cộng sản.

                                    Theo: Bảo tàng lịch sử Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP