Danh Nhân

Kỷ niệm 107 năm ngày sinh cụ Phạm Khắc Hòe

Lễ tưởng niệm 107 năm ngày sinh của vị nhân sĩ yêu nước, người con quê hương Hà Tĩnh mà tên tuổi đã đi vào lịch sử Cách mạng Việt Nam: Cụ Phạm Khắc Hòe đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và gia đình tổ chức trang trọng tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vào sáng qua 12-3.

Tóm tắt tiểu sử:


-Phạm Khắc Hòe (1901-1995) là một luật sư, nhà văn, Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại.


-Phạm Khắc Hòe quê ở xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1901 trong một gia đình khoa bảng, cố nội đã từng đậu cử nhân, ông nội lại là thầy đồ dạy học ở làng, bố đã từng đậu tú tài và làm thừa phái.


-Bản thân Phạm Khắc Hòe hồi nhỏ học chữ Nho và chữ Quốc ngữ ở làng cho đến năm 15 tuổi. Cuối năm 1916, ông vào học lớp 3 Trường tiểu học Pháp Việt ở Vinh. Sau đó ông tiếp tục ở Vinh và Huế.


Tháng 6 – 1918, ông thi đậu “primaire” (tiểu học Pháp Việt).


Tháng 8 – 1918, ông lều chõng đi thi hương khoa Mậu Ngọ (tức là khoa cuối cùng trước khi thực dân Pháp bãi bỏ lệ nhà vua mở khoa thi).


Từ tháng 9 – 1918 đến 6 – 1922, ông học Trường Quốc Học Huế.


Từ tháng 9 – 1922 đến tháng 6 – 1925, ông học Trường Cao đẳng Pháp luật và Hành chánh Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường này ông được phân công làm tham tá tòa xứ (commis des résidences) và lần lượt làm việc ở Huế và Quy Nhơn cho đến năm 1933 thì chuyển sang ngạch quan lại Nam triều và trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là Ngự tiền văn phòng đổng lý cho Bảo Đại.


Lúc còn là Tổng lý ngự tiền văn phòng của Triều đình Huế, chính ông đã soạn thảo chiếu thoái vị cho vua Bảo Đại, bắt đầu từ chiều 20 tháng 8 năm 1945 và được hoàn thành trong đêm hôm đó.


Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông đã từng giữ các chức vụ Giám đốc Nha Pháp chính, rồi Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phạm Khắc Hoè còn tham gia các cuộc đàm phán Việt – Pháp ở Đà Lạt và Phông-ten-bờ-lô với tư cách cố vấn kiêm Tổng thư ký Đoàn đại biểu Việt Nam.


Tháng 12 – 1946, Phạm Khắc Hoè bị giặc Pháp bắt ở Hà Nội. Những âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp lôi kéo dụ dỗ mua chuộc Phạm Khắc Hoè, đều không thể lay chuyển được tinh thần yêu nước của ông. Tháng 8 năm 1947, thoát khỏi sự khống chế của địch, Phạm Khắc Hoè ra vùng tự do và trở lại chức vụ Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Từ tháng 12 – 1957, ông giữ chức vụ Vụ trưởng vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng cho đến khi về hưu (tháng 10 – 1964).


Từ khi Mặt trận Tổ quốc được thành lập (1955), Phạm Khắc Hoè liên tục nhiều năm được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam khi đã ở tuổi ngoài 80.


-Ông Phạm Khắc Hòe lấy 3 người vợ và có tới 10 ngưòi con.


Người vợ thứ 2 của ông Hòe là một phụ nữ xinh đẹp, là em ruột nhà thơ Ưng Bình Thúc Dạ Thị, cháu của nhà thơ Miên Thẩm và là chắt nội của Vua Minh Mạng.


Con của cụ Phạm Khắc Hòe là những người thành đạt, có đóng góp lớn đối với văn hóa Việt nam: Con trai cả là Nhà báo Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội người Việt Nam ở nước ngoài; Đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành; Tiến sĩ Phạm Khắc Chi, nguyên hiệu trưởng đầu tiên và là người sáng lập Đại học Văn Lang, đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam; Tiến sĩ tin học – Thượng tá Quân đội Phạm Khắc Di…


——————————————————


Cụ Phạm Khắc Hòe sinh ngày 15-3-1902, tại xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình khoa bảng. Sinh thời, cụ từng làm Ngự tiền Văn phòng Đổng lý trong triều đình Huế song đã sớm giác ngộ cách mạng. Cụ chính là người đã tích cực thuyết phục Bảo Đại chấp nhận “thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” và tự tay soạn thảo “Chiếu thoái vị” cho vị hoàng đế cuối cùng nhà Nguyễn, chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.


Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng đầy ý nghĩa, cụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Bảng vàng danh dự (có ba con đi bộ đội)… cùng nhiều Huy chương, Bằng khen vẻ vang khác. Cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” mà cụ để lại được ghi nhận là một tác phẩm đặc biệt hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc, một ví dụ điển hình về văn trong sử, sử trong văn. Tác phẩm này cũng đưa cụ trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi đã ngoài 80 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của cụ là tấm gương sáng về tự giáo dục và giáo dục cho thế hệ trẻ sau này.


ST

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP