Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Nguyễn Quang Thành vừa ký ban hành báo cáo kiểm toán tại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 và một số giai đoạn liên quan.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều mặt tồn tại trong hoạt động của SCIC - Ảnh: Minh Chiến |
Đánh giá tình hình đầu tư tài chính của SCIC, KTNN chỉ rõ bên cạnh những mặt làm được, vẫn còn nhiều tồn tại. Cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động gửi tiền có kỳ hạn, lợi ích thu được chủ yếu từ cổ tức của một số ít doanh nghiệp (DN) SCIC nhận bàn giao (chiếm 93,3% doanh thu cổ tức được chia từ các DN do SCIC tiếp nhận vốn), như: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) 3.067 tỉ đồng; Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia 116,4 tỉ đồng; Công ty CP Bảo Minh 92,6 tỉ đồng; Công ty CP Nhựa Bình Minh 88 tỉ đồng…
Còn lại, tỉ suất lợi nhuận của các đơn vị khác đều thấp. Có 61/122 DN không có lợi nhuận, cổ tức. Nguyên nhân các DN không được chia cổ tức trong năm 2017, theo KTNN, bởi DN kinh doanh thua lỗ (29/60 đơn vị), hoặc có lãi thấp, hoặc bị thu hồi đăng ký kinh doanh, hay tỉ lệ vốn của SCIC thấp nên không quyết định được việc chia cổ tức.
Ngoài ra, KTNN cũng ghi nhận hầu hết các khoản SCIC tự đầu tư có hiệu quả thấp với tỉ suất sinh lời năm 2017 là 6,4% trên giá trị vốn đầu tư. Cụ thể, một số khoản đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện không mang lại hiệu quả như phương án ban đầu: góp vốn vào Công ty CP Nhiệt điện Hải phòng 489,28 tỉ đồng từ năm 2009 nhưng cổ tức nhận được từ 2013-2017 chỉ có 135 tỉ đồng; góp 571,57 tỉ đồng vào Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh từ 2009 nhưng đến nay mới nhận được cổ tức 25,7 tỉ đồng, tức tỉ suất chỉ 5%. Tại 2 công ty nhiệt điện này, SCIC đã triển khai việc bán vốn nhưng không có nhà đầu tư quan tâm đăng ký tham gia mua cổ phần.
Ngoài ra, SCIC còn đầu tư, góp vốn mua cổ phần của một số công ty kinh doanh bất động sản nhưng bị tồn đọng vốn nhiều năm, gây lãng phí, như: Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long, Công ty CP Đầu tư SCIC - Bảo Việt, Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam…
Đáng lưu ý, ngày 15-10-2009, SCIC ký biên bản thỏa thuận góp vốn với 3 đối tác là Công ty CP Đầu tư Á châu, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airline để thành lập Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long với mục đích đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác dự án cao tốc tại số 6 Thăng Long (quận Tân Bình) với vốn điều lệ 170 tỉ đồng. Đến nay, dự án vẫn chưa triển khai, cơ quan chức năng của TP HCM chưa xác nhận việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất của SCIC vào Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long.
Về việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính, KTNN cho rằng SCIC có nhiều điểm chưa phù hợp với quy định của pháp luật và chưa phù hợp với thực tế hoạt động của DN.
Chi lương năm 2017 hết 100 tỉ đồng
Báo cáo kiểm toán còn đề cập đến tiền lương và các khoản trích theo lương tại "siêu" tổng công ty SCIC. Theo đó, năm 2017, tổng quỹ tiền lương tạm quyết toán và đã hạch toán chi phí là 100 tỉ đồng, giảm 3% so với năm 2016.
Tiền lương bình quân của viên chức quản lý chuyên trách năm 2017 là 45,6 triệu đồng/tháng, giảm 1,3 triệu đồng so với 2016. Thu nhập của viên chức quản lý năm 2017 bình quân 68 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của Phó Tổng Giám đốc Phụ trách và các Phó Tổng giám đốc của SCIC là 68 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập của người lao động bình quân 37,8 triệu đồng/người/tháng, giảm 2% so với 2016.
Tác giả: Phương Nhung
Nguồn tin: Báo Người lao động