Danh Nhân

Khí phách Phan Đình Phùng

Ngọn núi Pu Lai Leng vút cao gần 3.000 mét cuồn cuộn Trường Sơn từ phía Bắc đổ vào. Dòng sông Cả cắt ngang. Vượt sang bên kia sông, lại vút lên đỉnh núi Rào Cả cao trên 2.000 mét và mở ra một dãy Giăng Màn sừng sững phía Tây Hà Tĩnh. Trùng điệp núi non và sông suối cắt xẻ dữ dội. Rừng nguyên sinh rậm rạp xen với những trảng cỏ lau khô khét.


Ngàn Trươi đây rồi! Ngàn Trươi hiểm hóc rừng núi bao quanh. Những đỉnh núi dựng lên đột ngột, rồi lại khuất vào rừng nguyên sinh thâm u, rồi lại duỗi dài lan man theo khe suối. Lối vào gồ ghề, quanh co, khuất khúc như một mê hồn trận.Lối vào gồ ghề, quanh co, khuất khúc như một mê hồn trận.


Các nhà viết sử thường gọi Ngàn Trươi là Vũ Quang, chiến trường cũ của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Đây cũng là đại bản doanh của nghĩa quân, được bao bọc bởi trùng trùng núi non hiểm trở của một vùng Hương Khê – Hương Khê non nước bao la/ Giang sơn riêng hẳn một tòa cõi Nam. Trong gió rừng ào ạt, ta còn nghe vang vọng hùng khí của bài ca thuở ấy.

Quan Đình người ở quê taKhí thiêng hun đúc sơn hà Hồng LamVốn là dòng dõi họ PhanTiếng thơm Đông Thái đồn vang khắp miền.


Kinh thành Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi xuất bôn và hạ chiếu Cần Vương, khắp cả nước, Văn thân hưởng ứng. Có thể nói cuộc chiến đấu ròng rã mười năm trời của nghĩa quân Phan Đình Phùng là tiêu biểu nhất của phong trào Cần Vương. Dân gian đã ghi nhận và tôn vinh cụ trong ca vè:

Trời Nam gió bụi mịt mùQuan Đình ngài vẫn giữ cờ không nao, Hồng Lam tỏ mặt anh hàoVăn thân bốn cõi trông vào một ta.


Cũng như tâm trạng những nhà nho yêu nước lúc bấy giờ, Phan Đình Phùng tuôn lệ phải nhìn thấy cái cảnh Thảo mộc sơn hà phi hữu chủ. Kinh thành ô uế bởi bóng giặc đi lại nghênh ngang, xe sắt chạy đầy đường. Nhưng không hề bi lụy. Tấm cô trung của ông càng được thử thách như thỏi thép nung đỏ trong lò lửa.


Các đấng trung thần dưới triều đại cũ thường giữ gìn “cô trung” như bảo bối. Ngay lúc bấy giờ, Nguyễn Xuân Ôn cũng khảng khái: “Nhất phiến cô trung thiên địa bạch” (một mảnh cô trung trời đất tỏ). Phan Đình Phùng trừng mắt Nhất phiến cô trung tặc đởm hàn trong bài thơ “Đáp hữu nhân ký thi” (đáp thơ người bạn gửi đến”:

Bách niên tôn xã dư hoài nhiệtNhất phiến cô trung tặc đởm hànKý ngữ đồng nhân tri dã phủSở Vương thế lực bạt hà san?


(Lòng ta nung nấu nghĩ đến tôn xã xây đắp hàng trăm năm/ Một tấm cô trung đủ làm cho giặc sợ mất vía/ Gửi lời hỏi bạn đồng sự cũ có biết hay không/ Thế lực vua Sở đã nhổ được quả núi nào?). Những bài vè dân gian hồi ấy ca ngợi quan Đình phảng phất âm điệu hùng khí của Đại Nam quốc sử diễn ra. Trong cuốn “Phan Đình Phùng”, Đào Trinh Nhất cũng miêu tả cái cảnh dân chúng nô nức kéo nhau ra đứng dưới cờ nghĩa: Một vùng nông thôn êm lặng. Thế mà nay “cờ quạt rợp trời, chiêng trống dậy đất, gươm đao sáng quắc, đèn đuốc thâu đêm (…). Vui nhất là trông thấy cái quang cảnh những người nghe cụ khởi nghĩa binh mừng rỡ múa hát, nào kẻ thì dắt trâu gánh gạo đến để khao quân, nào kẻ thì nách thước tay đao đến để vào ngũ, làm cho đường sá đi lại tấp nập ngày đêm, biến hẳn quang cảnh nhà quê ủ rũ vắng vẻ kia, trở nên một nơi hùng tráng vô cùng, khí phách vô cùng…”.


Khi đã lập lại đồn Ngàn Trươi, nghĩa quân cầm cự với giặc suốt sáu bảy năm trời. Để mở rộng phong trào, cụ thảo một bài hịch để cổ vũ sĩ phu đang dấy nghĩa ở các vùng khác:


“… Phùng tôi là người học ít tài hèn, gánh vác công việc lớn lao này, sáu bảy năm trời, chưa có làm nên được việc chi rực rỡ. Chẳng qua chặn trước vấp sau, lui tới chỉ những rừng núi, thật bấy lâu xót dạ đau lòng, không biết lo tính làm sao được. Các ông có chí lớn tài to, nếu không muốn đem ra cho nước nhà dùng đi nữa, thì cũng nên đem mưu lạ chước hay ra dạy bảo cho tôi để cứu lấy sinh dân, thì Phùng xin nhả cơm bới tóc sẵn lòng nghe theo. Như thế thì tuy các ông ở chốn thảo dã, mà cũng có cái công báo nước giúp đời, vậy đừng coi việc đó làm thường, nỡ ngồi làm thinh để ngó non nước đổi dời, mà chẳng ra tay cứu vớt…”


Bài hịch lan truyền rất nhanh. Lời văn vừa khiêm tốn vừa thiết tha, cảm hóa được sĩ phu khắp miền Trung Việt. Phan Đình Phùng nhận được sự ứng cứu từ nhiều nơi dồn về bằng nhiều cách; hoặc là hiến mưu kế, hoặc là hiến quân, hoặc là hiến lương thực, hoặc là mật báo những tin tức dò được của Pháp… Thanh thế của nghĩa quân họ Phan ngày càng lớn.


Trong quá trình điều hành việc quân, cụ thường lấy cái nhu để trị cái cương, nói đúng hơn là để điều chỉnh cái cương, thắng cái cương. Nguyên tắc hành xử này thể hiện khá rõ trong thơ văn. Lời văn lời thơ không cường điệu, không khoa trương, mà luôn luôn điềm đạm, chất phác, khiêm nhường. Trong những ngày lưu lạc ở đất Bắc, giả danh làm ông đồ gõ đầu trẻ, để bắt mối với các sĩ phu Bắc Hà, tâm trạng buồn bã, cụ vẫn giữ cái nguyên tắc Ngô gia hữu giáo căn trung hiếu (gia giáo nhà ta gốc ở trung hiếu). Ngày mồng một Tết Mậu Tý (1888), cụ khai bút:

Lưu oanh đình ngoại ngữ hoa chiHoa báo xuân quy nhân vị quyBình lĩnh bách niên tư nhật nhiễu,Hồng sơn vạn lý vọng vân phiNgô gia hữu giáo căn trung hiếu,Khách địa vô tâm oán biệt lyGiai tiết thị nhân hành lạc xứ,Ngã phùng giai tiết bất thăng bi.


(Ngoài sân, chim oanh bay đến hót trên cành hoa/ Hoa báo tin xuân về mà người chưa về/ Núi Bình trăm năm còn nhớ lúc mặt trời rọi quanh/ Non Hồng xa muôn dặm, ngóng trông mây bay/ Gia giáo nhà ta gốc ở trung hiếu/ Nên dù ở đất khách cũng không có lòng oán hận nỗi biệt ly/ Tiết lành là lúc mọi người ăn chơi vui vẻ/ Ta gặp tiết lành buồn khôn xiết).


Khi trở về Hà Tĩnh, cụ nhận được tin buồn. Phan Trọng Mưu là người cùng với cụ hưởng ứng Cần vương, nhưng lúc này nghĩa quân của Phan Trọng Mưu đã bị giặc Pháp đánh tan tác, ông phải chạy trốn ra Nam Định. Nghe nói cụ đã viết bài thơ sau đây gửi cho ông để động viên ông giữ khí tiết nhà nho với lời lẽ nhũn nhẵn:

“Phiệt duyệt ngô môn tam thế tướng, Sơn hà cố quận tích niên binh.Nhân tòng biệt cữu tư đồng chí,Sự đáo thời gian quý đại danh.Lão tướng thùy nhân xưng quắc thước,Nho thần hạ sách thệ thanh bình.Bồi hồi ngã dạ tâm thiên lý,Dao hướng viên tiền tá nhất minh.


(Ba đời khanh tướng nhà ta/ Đạo binh năm trước, sơn hà cõi xưa/ Người đồng chí, nỗi tương tư/ Trông thời thế những riêng như hổ mình/ Nhà nho khôn chước thanh bình/ Nhà tài quắc thước đã đành có ai?/ Năm canh lòng những bồi hồi/ Xa xa nay cũng thấu ngoài cửa viên).



Võ Văn Trực


ANTG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP