Di tích - Thắng cảnh

Khám phá thành Sơn phòng Hàm Nghi (Hương Khê)

Một buổi chiều cuối thu, tôi lang thang bên thành Sơn phòng Hàm Nghi, thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Sân đền Hàm Nghi rộng thênh thang, phủ nét rêu phong. Dưới tán cây cổ thụ, những đứa trẻ chơi trò kéo co, một vài cụ già ngồi mơ màng, hoài niệm. Trong cảnh yên bình ấy, tôi được nghe các cụ kể lại chuyện triều đình nhà Nguyễn xưa kia xây thành Sơn phòng Hàm Nghi, một dấu tích về nghệ thuật quân sự tài ba, thiên biến vạn hóa của cha ông ta trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX.

Cố đạo Vũ Đình Hiền, 74 tuổi, người đang trông coi báu vật vua Hàm Nghi trầm ngâm kể lại: “Thành Sơn phòng Hàm Nghi xưa kia là căn cứ địa phòng thủ trọng yếu nằm dọc theo đại ngàn Trường Sơn, giáp biên giới Việt-Lào. Năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất, cũng là năm Hàm Nghi lên ngôi (1884), do Phòng thần trù tính, tâu xin triều đình cho đắp thêm thành Sơn phòng. Công trình do Thượng thư Tôn Thất Thuyết bí mật cho xây dựng trong 2 năm. Tòa thành được xây dựng hết sức công phu với sự đóng góp nhân lực, vật lực của gần 40 xã thuộc các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Hồng Lĩnh… của tỉnh Hà Tĩnh”.

Đền thờ vua Hàm Nghi trong khu vực thành Sơn phòng Hàm Nghi.

Theo hồ sơ di tích của Bảo tàng Hà Tĩnh (lập tháng 5-2000), thành Sơn phòng Hàm Nghi được đắp theo hình chữ nhật với tổng diện tích 4.200m2, chiều rộng 200m, chiều dài 210m. Thành được đắp cao 2,2m, chân thành 9m, mặt thành 7m, cách chân thành 5m là hào. Hào bao bọc lấy thành (gọi là Kim Thủy hồ) rộng 5,5m, sâu 1,7m. Thành xây hướng Nam, bốn cạnh theo hướng Đông Nam-Tây Bắc, chính giữa bốn cạnh thành xây bốn cổng đối diện nhau, mỗi cổng rộng 8m, cổng chính rộng 8,5m. Tại bốn góc thành có bốn ụ đất đặt súng thần công. Thành ngoại là một vòng khép kín được đắp nối với nhau, tạo dáng như một hình thang. Tại bốn góc phía trong và ngoài thành, đắp bốn ụ đất nhô ra ngoài là bốn ụ súng. Hào thành là đường giao thông thủy quan trọng, nối liền các khu vực trong thành, và cũng là con đường rút lui ra sông Tiêm để vào rừng núi khi có nguy biến. Theo ông Lê Xuân Sang, thành Sơn phòng Hàm Nghi được xây dựng hết sức công phu, cho thấy một nghệ thuật bài binh bố trận tài ba của quân ta xưa kia.

Thành Sơn phòng Hàm Nghi được triều đình nhà Nguyễn lựa chọn làm căn cứ đại bản doanh để luyện tập quân sự. Cũng chính nơi đây, vua Hàm Nghi từ kinh thành Huế ra cùng với các tướng lĩnh, văn thân, sĩ phu yêu nước như: Phan Đình Phùng, Lê Ninh, Đinh Công Tráng, Tôn Thất Đạm… trực tiếp lãnh đạo phong trào Cần Vương, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong quãng thời gian 3 năm (1885-1888). Năm 2001, thành Sơn phòng Hàm Nghi, đền Công Đồng và miếu Trầm Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay thành Sơn phòng Hàm Nghi đã được tu bổ, tôn tạo, nhằm khôi phục, tái hiện lại toàn vẹn hình dáng sơ khai vốn có khi xưa, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống của nhân dân và du khách bốn phương.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP