Di tích - Thắng cảnh

“Kê minh thập sách”- Minh triết giữ nước, an dân

“Kê minh thập sách” là kế sách khuyên vua chăm lo sửa sang việc nước của Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Trải qua dâu bể hơn 600 năm, lời tiền nhân vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là bài học cảnh tỉnh về an dân, trị quốc cho những ai nắm trong tay quyền lực…

Đền thờ chê thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư“, Bà Nguyễn Thị Bích Châu sinh năm 1356, quê ở xã Bảo Lộc (nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Bà là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công sống vào thời nhà Trần. Bà được cha mẹ nâng niu đặt tên Nguyễn Thị Bích Châu, tự là Bích Lưu với ý nghĩa con gái của ông bà qúy giá, xinh đẹp sánh với châu ngọc, lưu ly ở trên đời. Thiếu thời, nàng Bích Châu sớm nổi tiếng thông tuệ, giỏi văn chương thi phú, thạo âm nhạc. Có thể nói bà là người tài sắc vẹn toàn, tinh tế trong đám nữ lưu. Năm Long Khánh thứ nhất (1373) được vua Duệ Tông kén vào hậu cung. Nhân một vế đối của nàng (đối lại vế đối của vua) có chữ Phù dung, vua đặt tên hiệu cho là Phù Dung và rất yêu quý nàng.

Theo sử sách, Trần Duệ Tông là vị hoàng đế dũng cảm, cá tính mạnh mẽ, mang hoài bão chấn hưng Đại Việt vốn đã suy bại từ thời vua Trần Dụ Tông và Dương Nhật Lễ. Ông cũng là người đã đưa ra nhiều chính sách tiến bộ như tuyển chọn nhân tài – không phân biệt là xuất thân bình dân hay hoàng tộc, coi trọng nho sĩ, đề cao văn hóa nước nhà, như: không cho phép mặc áo kiểu phương Bắc và hạ lệnh thần dân không bắt chước tiếng nói Chiêm-Lào. Thế nhưng Duệ Tông cũng là một ông vua nóng nảy, ương gàn và cố chấp. Lúc đó chính sự chưa yên, lòng dân bất ổn, nhà Trần vừa mới vực dậy từ sau những năm rối ren dưới đời Hôn Đức (Dương Nhật Lễ), lại thêm quân Chiêm Thành (Chăm Pa) luôn nhăm nhe nhòm ngó bờ cõi nước ta. Thấy triều cương ngày càng sa sút, chính sự đổ nát, nhân tài không được trọng dụng, nịnh thần lộng hành…nên Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu  đã tự mình thảo “Kê minh thập sách” dâng lên vua Trần Duệ Tông. Đây là áng văn chính trị cổ xưa của nước ta, bao gồm những vấn đề trọng đại của đất nước trên cả ba lĩnh vực: Chính trị – Văn hóa – Quân sự.  Sớ dâng lên vua, vua Trần thích lắm đập tay vào phách mà rằng: “Không ngờ một người đàn bà lại thông tuệ đến thế, xứng là một quý phi tài ba của trẫm!”.

“Kê minh thập sách”, ngụ ý mượn tiếng gà gáy sáng để dâng lên 10 kế sách trị nước an dân, đại lược rằng:

Điều một: Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.

Điều hai: Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.

Điều ba: Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.

Điều bốn: Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.

Điều năm: Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng mặt trời mặt trăng.

Điều sáu: Tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.

Điều bảy: Rèn luyện binh sĩ cần lất hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn.

Điều tám: Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.

Điều chín: Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.

Điều mười: Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhảy.

Bản Kê minh thập sách

Từ nội dung của “Kê minh thập sách” cho thấy, lời khuyên của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu với vua Trần Duệ Tông là một bản kiến nghị mang danh nghĩa lời khuyên nhỏ nhẹ của một người vợ đối với chồng lúc gà vừa gáy sáng, đây thực chất là một chính sách toàn diện nhằm cải tổ bộ máy nhà nước chuyên chế trên cơ sở mầm mống phôi thai của tinh thần dân chủ. Cả cuộc đời từ lúc vào cung cho đến khi ngã xuống, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu đã luôn luôn sống nhất quán với những ý nguyện “thân dân” tốt đẹp. Đây cũng chính là phần lương tri ẩn sâu trong tiềm thức dân tộc chỉ chờ thời cơ là phát sáng. Và điều mà người đương thời cũng như hậu thế ngày nay phải tôn kính, vinh danh và ngưỡng mộ là bởi lời khuyên sâu sắc, thấm đậm tinh thần dân tộc ấy lại xuất phát từ trái tim và khối óc của một người phụ nữ vốn chỉ quen với nhung lụa.

Văn phong không hoa mỹ, lời lẽ đanh thép, nội dung bao hàm nhiều phương diện của quốc kế dân sinh, chứa đựng cả chiến lược lẫn sách lược của ba vẫn đề cốt lõi: chính trị, văn hóa, quân sự mà cho đến nay vẫn còn thiết thực với xã hội hiện đại. Tiếc thay, sau đó vua Trần Duệ Tông đã vội vã cất quân đánh Chiêm Thành, quân ta thất bại, vua chết, quân tan, bà Bích Châu cũng bỏ mạng ngay tại cửa biển Kỳ Hòa và được lập miếu thờ vọng ở chân núi Mũi Dòn, nay gọi là đền eo Bạch. Gần 100 năm sau, Lê Thánh Tông cho xây dựng lại lăng mộ và đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu. Đó chính là tiền thân của ngôi đền hiện nay tọa lạc trên một cồn cát cao nhìn ra biển, trong một khuôn viên rất rộng, cây cối xum xuê. Đền có tên là Hải khẩu linh từ. Cái chết của bà là một sự trả giá cho những ước vọng quá khổ, những ước vọng đi trước thời đại nhưng bản thân nó không hề mang ý nghĩa của sự tuyệt vọng. Trái lại đó là cái chết thiêng, chính nó đã hiển linh thành một sức mạnh thần bí hộ vệ dân chúng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng nhiều thế kỷ nay. Nói đúng hơn, cái chết của bà đã nhen nhóm cho những người đương thời, từ vua cho đến người dân một niềm tin vào sự sống, vào sức mạnh của truyền thống lâu bền. Đối với các thế hệ hôm nay, “Kê minh thập sách” chính là nền tảng của khái niệm về một quốc gia “Hòa bình, độc lập, dân chủ và hùng cường”.

“Kê minh thập sách” là minh triết, là linh hồn của những đạo lý mới để góp vào hình thành một cộng đồng xã hội Việt hiện đại. Lòng người hôm nay mong ước mọi tiến trình chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục v…v… đang và sắp diễn ra hãy gấp gáp đưa những đạo lý phổ quát của tiền nhân biến thành lối sống bình thương của xã hội trên mọi cung bậc của cuộc đời:

“Kê minh thập sách, trí tuệ thánh hiền truyền lưu phù nước Việt,

Chế thắng phu nhân, ơn mẹ dài lâu gìn giữ giúp Nam dân”

Câu chữ Nôm:

Sống mong nước trị dân an, một lòng tiết nghĩa,

                   Thác hóa Phúc thần thánh mẫu muôn thuở anh linh.

Minh Hằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP