Giáo dục

“Kế hoạch nhỏ”: Lỗi là ở người lớn!

“Cách tổ chức, phát động của nhà trường sẽ tác động đến mục tiêu của con trẻ. Nhiều trường đề ra chỉ tiêu quá cao, đưa ra những yêu cầu quá cụ thể, áp đặt. Hay một số bố mẹ làm thay con, đi mua giấy, xin giấy về để con đóng kế hoạch nhỏ. Như vậy là lỗi ở người lớn chứ không phải ở kế hoạch nhỏ”.

Ý kiến trên của chị Phan Thúy Thảo cũng là quan điểm chung của không ít phụ huynh về phong trào kế hoạch nhỏ.

Những ngày đầu đi học lại sau Tết, rất nhiều đứa trẻ lại "chộn rộn" với vỏ lon bia cho kế hoạch nhỏ ở trường. Ở TPHCM, nhiều trường vẫn phát động học sinh thực hiện kế hoạch nhỏ bằng lon bia.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng (nhân vật yêu cầu đổi tên), tổ trưởng dân phố ở Q. Tân Phú, TPHCM cho hay, con mình học tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, các cháu thực hiện kế hoạch nhỏ đầu năm là đóng mỗi học sinh 20 lon bia. Với gia đình anh, chuyện này nhẹ tênh, thay vì bán vỏ lon bia thì để cháu gom đến đóng ở trường. Anh thấy nhiều phụ huynh ủng hộ, không ý kiến nhưng bản thân anh cũng lăn tăn, nhất là không phải gia đình nào cũng sử dụng bia, nước ngọt.

Con gái anh Nguyễn Mạnh Thắng mang lon bia thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ ở trường

Không ở đâu xa, anh Thắng dẫn chứng nhà chị Nguyễn Ngọc Tố bên cạnh, nhà neo người có hai mẹ con, tết nhất cũng không khách khứa nhiều, chỉ có vài lon nước ngọt. Hôm kia, thấy chị xách một bịch vỏ lon bia về, anh Thắng ngớ người khi người biết chị Tố ra quán nhậu mua lại mấy chục lon, hết 10.000 đồng về cho con đi làm kế hoạch nhỏ.

Rồi anh thở dài: "Cũng phải thôi, nhà không uống bia, không có vỏ lon mà nhà trường phát động kế hoạch như vậy thì phải ra quán nhậu mua về cho con. Chứ chả lẽ không nộp hay nộp cái khác thì không đúng yêu cầu".

Việc phụ huynh đi mua lon bia, hay bất đắc dĩ phải mua bia về uống để con có vỏ đi đóng cho nhà trường là chuyện có thật của không ít người. Đã có nhiều ý kiến phản đối phong trào kế hoạch nhỏ kiểu này nhưng vẫn diễn ra ở một số trường học. Sử dụng bia rượu là việc cần hạn chế nên con trẻ tích cực "tích trữ" lon bia không phải là việc nên khuyến khích.

Nhiều trường học rất sáng tạo, chú ý đến tính giáo dục học trò khi thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ

Lon bia không có giá trị trực tiếp để san sẻ với bạn bè kém may mắn hơn như sách vở, quần áo, gấu bông, bút mực... Nếu nói việc gom lon bia vì tiền thật ra cũng oan cho giáo viên, nhà trường. Nhiều nơi, mỗi học sinh chỉ đóng 10 - 20 lon bia, mỗi lon bia bán ra ở mức 300 đồng. Lớp 30 - 40 em, số tiền không cũng đáng kể và công sức không hề nhỏ. Học sinh gom, đưa đến trường, phía nhà trường phải đứng ra tổ chức để gom, đếm, bán lon bia, chưa kể việc tổng hợp, báo cáo.

Giá trị giáo dục không có, giá trị về vật chất cũng là bao, nhưng vì đâu kế hoạch nhỏ bằng gom lon bia vẫn tồn tại ở một số trường học? Hiệu trưởng một trường học ở Q.1, TPHCM lý giải, nhiều quản lý rất máy móc, thiếu sáng tạo nên đến đợt thì cứ phát động phong trào để trường có hoạt động. Họ không chú tâm đến thực chất, hiệu quả của phong trào như thế nào.

Bên cạnh đó, cũng phải nói hiện nhiều hiệu trưởng, tổng phụ trách các trường cũng đã linh hoạt, quan tâm nhiều đến tính giáo dục, thực chất của phong trào kế hoạch nhỏ. Nhiều trường ở TPHCM bỏ gom lon bia, chuyển qua phát động phong trào gom truyện, sách, đồ chơi, gấu bông để trao tặng cho tủ sách, cho các trường, các bạn có điều kiện khó khăn hơn.

Ở TPHCM, gần đây một số trường học và cả quy mô quận/huyện tổ chức ngày hội Kế hoạch nhỏ. Học sinh tự làm hàng lưu niệm từ đồ tái chế, vẽ tranh, bán sách, gấu bông... ở các gian hàng. Sau đó, bỏ heo đất tiết kiệm để hỗ trợ, chia sẻ với bạn bè khó khăn. Các phong trào này phù hợp và mang nhiều ý nghĩa giáo dục, chia sẻ đối với học sinh hơn.

Chị Trần Ngọc Thanh, có con học tiểu học ở Q.1, TPHCM cho biết, các năm trước, sau Tết là chị lại gom lon bia cho con đi đóng nhưng năm nay, nhà trường chuyển sang gom mỗi học sinh góp 3 cuốn sách, truyện vào thư viện của trường và gửi tặng các trường khác. Rồi tổ chức các ngày hội để các con bán hàng, góp tiền. Chị thấy điều này rất ý nghĩa, các em có thể chủ động chọn sách, giữ gìn sách trong quá trình đọc chứ không bị động chờ... bố mẹ uống bia. Các hoạt động cũng sinh động, tạo sự háo hức cho học sinh hơn.

Con chị Thảo được trao giấy khen nhờ thành tích chăm gom giấy vụn cho phong trào kế hoạch nhỏ

Chị Phan Thúy Thảo, có hai con học lớp tiểu học kể, trong khi nhiều người phản đối phong trào kế hoạch nhỏ ở trường thì chị lại rất ủng hộ. Mới đây, cậu con trai lớp 4 của chị nhận được giấy khen của trường với thành tích "Kiện tướng Kế hoạch nhỏ" và bản thân chị thấy cháu rất xứng đáng.

Trường thu gom giấy vụn nhưng không đưa ra chỉ tiêu, cân ký cụ thể nào hết, chỉ khuyến khích các em góp các loại giấy vụn, vỏ hộp giấy sử dụng hàng ngày. Nhờ vậy cháu rất ý thức và hứng thú với việc gom giấy vụn. Ăn bánh, đồ dùng là cháu nhặt hộp giấy lại rất cẩn thận, sang nhà anh em họ hàng, thấy mọi người vứt giấy vụn là cháu xin gom lại, thấy giấy bìa vứt dọc đường cháu cũng nhặt về để đưa đến trường đóng. Dù gom được ít hay nhiều cháu đều rất vui. Chị khích lệ nhưng không bao giờ "đùn giấy" vô thêm cho con.

"Do cách tổ chức, phát động của nhà trường sẽ tác động đến mục tiêu của con trẻ. Nhiều trường đề ra chỉ tiêu quá cao, đưa ra những yêu cầu quá cụ thể, áp đặt. Hay một số bố mẹ làm thay con, đi mua giấy, xin giấy về để con đóng kế hoạch nhỏ. Như vậy là lỗi ở người lớn chứ không phải ở kế hoạch nhỏ", chị Thảo bày tỏ quan điểm.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP