Văn hoá Dân gian

Hướng về Nguyễn Du và Truyện Kiều

Cách chúng ta hôm nay đúng 250 năm về trước, một người con của vùng quê Tiên Điền, huyện Nghi Xuân đã được sinh ra và sau này trở thành một danh nhân kiệt xuất của nền văn hiến Việt Nam – Đó là Nguyễn Du. Một đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, đại diện cho nền văn hoá Việt Nam. Từ con người này cách chúng ta hơn hai thế kỷ đã cho nền văn học Việt Nam được đón nhận một kiệt tác văn chương mà đến nay vẫn chưa có một tác phẩm nào sánh được – Đó là “Tuyện Kiều” với 3.254 câu thơ lục bát.

hatinh24h

Sinh ra trong một gia đình dòng dõi truyền thống khoa cử lâu đời, nhưng Nguyễn Du chỉ có được tuổi thơ sống trong nhung lụa ngắn ngũi để rồi sớm bước vào quảng đời gió bụi bởi những biến cố thăng trầm của gia đình và vòng xoáy của thời đại. Phải chăng chính những năm tháng gió bụi ấy đã giúp cho Nguyễn Du sống gần gũi với nhân dân lao động và thấm thía bao nỗi ấm lạnh của những kiếp người. Chính những năm tháng ấy đã giúp Nguyễn Du có được những điều trông thấy để sau này giúp Ông viết nên kiệt tác Truyện Kiều. Tên tuổi Nguyễn Du được muôn đời sau nhắc đến với một niềm tôn kính, ngưỡng mộ, biết ơn bỡi những sáng tác văn chương của Ông. Với những điều trông thấy qua 10 năm gió bụi, Nguyễn Du viết Truyện Kiều mà nước mắt thấm đẫm từng trang giấy. Mỗi thế hệ chúng ta sau này mỗi lần đọc Truyện Kiều, gấp sách lại ta nghe như trái tim nàng Kiều còn thổn thức sau mỗi trang thơ vậy. Nguyễn Du đã khóc cho bao kiếp người đau khổ, mà tiêu biểu là nhân vật nàng Kiều.

“Ba trăm năm nữa ta đâu biết. Người đời ai khóc Tố Như chăng”. Không chỉ đến ba trăm năm, mà chỉ mới 250 năm sau, người dân Hà Tĩnh cùng cả nước và cùng nhân loại hướng về Nguyễn Du, hướng về sức sống, sức lan toả của Truyện Kiều. Hướng tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du và đón nhận danh hiệu danh nhân văn hóa thế giới, mỗi người con Hà Tĩnh nói chung và Lộc Hà nói riêng đang thắp sáng thêm ngọn lửa văn hiến tỏa sáng cho muôn đời sau bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó tiêu biểu nhất là hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu về Nguyễn Du – Truyện Kiều. Sau một thời gian phát động, toàn huyện đã có hơn 11 nghìn bài viết tham dự. Trong đó hơn 35% số bài viết đạt chất lượng và có nhiều tác phẩm xuất sắc. Qua vòng thi cấp tỉnh, Lộc Hà đã đạt 1 giải nhì thuộc về tác giả Nguyễn Thị Thanh Lý – phó bí thư huyện đoàn Lộc Hà. Hai giải ba thuộc về tác giả: Nguyễn Thị Bích Hợi trường tiểu học Mai Phụ và Nguyễn Văn Chính trường THCS THạch Bằng. Hai giải khuyến khích thuộc về tác giả: Nguyễn Thị Thuận phòng giáo dục đào tạo và Nguyễn Tuyết Trinh trường THCS Bình An Thịnh.

Không chỉ tham dự các cuộc thi, mà ở các trường học đang dấy lên phong trào làm báo tường và sáng tác thơ, văn từ cảm hứng Nguyễn Du và Truyện Kiều. Các trường THPT đã tổ chức các chương trình ngoại khoá văn học về sức lan toả của Truyện Kiều, Nguyễn Du. Đây là một trong những hình thức, phương pháp dạy học mới được các nhà trường áp dụng.

Trong dân gian, nhiêu gia đình còn lưu giữ những cuốn sách Kiều để ngâm thơ, ví đối, bói Kiều, ru con. Ở Thôn Thượng Phú xã Hồng Lộc đã thành lập câu lạc bộ tuồng kiều, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo.

Sau 250 năm, Truyện Kiều càng trở nên bất hủ với mọi thời đại, rực rỡ với áng thơ văn thâm thuý của một tư tưởng Nguyễn Du sâu sắc, bác học và tính nhân văn, văn hoá cao thượng. Vì vậy Truyện Kiều có một sức lan tỏa rất lớn trong đời sống  xã hội Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhiều hội thảo khoa học lớn đã được tổ chức. Nhiều câu lạc bộ Trò Kiều do các nghệ nhân dân gian chủ trì tổ chức đã được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng; nhiều cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều được tổ chức và thu hút sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân./.

Ngọc Quang

  Từ khóa: Truyện Kiều , Nguyễn Du

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP