Tâm sự của người y sĩ già
Ngày nào cũng vậy, cứ đến tầm chiều, người dân ở một số xã như Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn An… thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có mặt tại nhà y sĩ Văn Đình Bàng.
Không khí đang trầm lắng quanh những câu chuyện về con gà, con vịt, mớ rau hàng chợ, bỗng ai cũng rạng rỡ, nét mặt xúc động. Trước chúng tôi, một nhà nông “chính hiệu” trong bộ đồ lao động nhạt màu, một người lính và một người thầy thuốc. Nét vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt gầy, mái tóc lấm tấm bạc của ông. Vừa bắt tay mọi người, ông vừa xoa đầu những đứa trẻ mắt đang mọng nước. Nói rồi ông quay sang phía chúng tôi, mỉm cười: “Hạnh phúc là đây”.
Y sĩ Văn Đình Bàng khám bệnh giúp một cháu nhỏ. |
Với tác phong rất lính, từ trang trại, ông đi thẳng ra phòng khám. Lo cho con, cha ông-nhà giáo Văn Đình Bằng pha ly cà phê và đưa cho con trai qua ô cửa sổ nhỏ. Đón ly cà phê từ cha, ông cảm ơn và chỉ uống ít ngụm rồi vội đặt nó lên bàn. Giữa lúc ấy, một bệnh nhân “nhí” lặng lẽ rời vòng tay mẹ, đôi bàn tay nhỏ của cháu nhẹ nhàng sửa lại cổ áo chưa kịp bẻ của vị y sĩ già khiến bao người xúc động.
Y sĩ Văn Đình Bàng học chuyên tu y sĩ khóa 18, Quân khu 4 vào năm 1978, công tác tại Sư đoàn 318, Quân khu 4. Năm 1979, ông được gửi đào tạo tại Bệnh viện Đông y Quân đội (nay là Viện Y học cổ truyền Quân đội), Khoa Hồi sức. Sau đó, Sư đoàn 318 của Quân khu 4, đang ở Nghệ An thì được lệnh chuyển vào Vũng Tàu để hợp nhất với một số đơn vị thành lập Binh đoàn 318 Dầu khí. Cuối năm 1980, y sĩ Văn Đình Bàng học thêm Khoa Ngoại ở Viện Quân y 175 (nay là Bệnh viện Quân y 175). Kết thúc khóa học, ông về công tác tại Bệnh viện 264, Binh đoàn 318 Dầu khí. Đến năm 1985, ông nhận quyết định nghỉ hưu với chế độ bệnh binh mất sức lao động 61%.
Ngày trở về, đặt ba lô xuống mảnh đất chôn nhau cắt rốn, ông vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhưng đâu đó là giọt nước mắt lén gạt của người mẹ, vầng trán thêm nếp nhăn của cha. Mặc dù không để lộ trước con trai, nhưng người làm con như ông hiểu rất rõ nỗi lo của cha mẹ.
Khoác trên mình bộ quân phục cũ, người ta lại thấy ông quẳng gánh ra đồng với mẹ, lên núi đốn củi cùng cha. Bằng ý chí, nghị lực và tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, ông không khuất phục trước bệnh tật. Là một người lính, một y sĩ, ông không cho phép mình bi quan, chán nản. Bởi lẽ, tinh thần không tốt là đã thất bại một nửa, mình không khỏe thì không thể chăm sóc cho người khác.
Ngày đó, cái nghèo còn hiện hữu mồn một. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên bằng rau rừng nên còi cọc, ốm yếu, bệnh tật. Không ít gia đình phải chịu nỗi đau mất 2, 3 đứa con trong một đợt dịch bệnh. Xót lòng, ông Bàng đứng ngồi không yên. Không có tiền mua thuốc, ông đi tìm những cây thuốc Nam, vận dụng kiến thức mình được học để giúp người dân. Hương Sơn, mảnh đất gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của thần y Lê Hữu Trác, cây thảo dược có thể mọc xung quanh nhà, bên giếng nước mà không cần đi đâu xa. Và hơn thế, người lính quân y còn muốn được khám bệnh, chữa bệnh miễn phí giúp người dân mỗi ngày.
Lãi ở tâm
Năm 1996, sau bao nhiêu đêm thức trắng, ông quyết định chia sẻ với gia đình điều mình ấp ủ. Hơn cả sự mong đợi, ông nhận được sự ủng hộ hết lòng từ phía cha mẹ và vợ con. Nhất là cha ông, lúc đó là giáo viên của Trường Tiểu học Sơn Thủy (Hương Sơn, Hà Tĩnh), không những ủng hộ mà còn tìm cây thuốc giúp con trai. Nói rồi, ông bàn với mẹ sửa ki-ốt trước nhà làm nơi tiếp người dân đến khám bệnh. Mới đầu, nơi mà ông gọi là phòng khám cũng giản đơn, mái tranh che mưa, che nắng, các bài thuốc ông dùng chủ yếu là thuốc Nam. Về sau, khi điều kiện sống khá hơn, ông sửa sang lại phòng khám, kết hợp thuốc Đông-Tây y chữa bệnh giúp người dân.
Người bệnh tìm đến ông ở nhiều độ tuổi khác nhau. Là bệnh tuổi già của các cụ, là cô chú ra đồng sơ ý để bò húc, cuốc vào chân, là cháu nhỏ nghịch quá nên bị kẹt chân vào xe phải khâu, đến sốt phát ban, quai bị… Điều đặc biệt, y sĩ Văn Đình Bàng chỉ lấy tiền thuốc mà không thu phí khám bệnh, chữa bệnh nên không ít người “phàn nàn” rẻ quá. Lúc này, người y sĩ già nở nụ cười mãn nguyện, từ cái tâm, y đức của người thầy thuốc mà ông mở phòng khám giúp dân. Không thể quy ra vật chất, cân đo đong đếm tấm lòng của ông suốt 20 năm qua. Chỉ có điều, ông thấy mình rất lãi, lãi ở tâm.
Ở huyện Hương Sơn, ngày hè nắng nóng kéo dài, gió Lào thổi mạnh khiến thời tiết luôn khô khốc. Thế nên, những đứa trẻ dễ bị ốm, nổi mụn bất thường, trong đó có nhiều cháu tuổi chỉ tính tháng. Đối với những bệnh nhân “nhí”, y sĩ Văn Đình Bàng hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc Tây trừ trường hợp cần thiết. Thay vào đó là các bài thuốc Nam từ những cây thảo dược có sẵn quanh nhà, vườn.
Cháu Phan Hoàng Trang Thư (xóm 5, xã Sơn Châu) mới được 7 tháng tuổi nhưng đã “quen hơi” y sĩ Văn Đình Bàng. Kể từ lúc lọt lòng, bố mẹ Thư không nhớ đã bao lần bế con sang nhà thầy khám bệnh. Hôm ấy, bố của Thư, anh Phan Văn Thắng (sinh năm 1987) lại đưa con sang nhờ thầy vì trong tích tắc, trán Thư nổi mụn to tướng. Ngày bé, cha hay dắt anh sang thầy Bàng, nay khi lên chức bố, anh lại đưa con gái sang tìm thầy. Vì Thư còn ít tuổi nên y sĩ Văn Đình Bàng dùng các bài thuốc Nam như cây sài đất, kim ngân hoa, rau má…, những cây thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Trong vòng tay vị y sĩ già, cô bé Thư cười giòn tan.
Một ngày của y sĩ, nhà nông Văn Đình Bàng bắt đầu khi trời còn tinh sương. Để có thể làm nhiều việc hơn, ông thường lên trang trại vào khoảng 4 giờ đến 4 giờ 30 phút. Bận bịu với đàn lợn, bò, ao cá, ruộng lúa… là thế nhưng chưa một lần ông “lỡ hẹn” với người dân, ngay cả khi tay đang dở việc, ông cũng bỏ đấy để về. Ông chia sẻ: “Việc hôm nay không làm có thể để ngày mai, còn chữa bệnh cứu người thì chậm trễ phút nào là tự trách mình gấp hàng trăm, hàng nghìn lần”.
Quý tấm lòng của vị y sĩ già, nhiều thế hệ trẻ học về ngành y ở xã Sơn Châu, các xã lân cận tình nguyện đến hỗ trợ ông. Họ kính cẩn gọi ông một tiếng thầy, hai tiếng thầy. Cô gái Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1994) xinh xắn, hoạt bát đang về giúp việc ông. Thủy tốt nghiệp Khoa Điều dưỡng viên của Trường Trung cấp Quân y 1. Với những trường hợp nhẹ, Thủy có thể xử lý, nặng thì xin ý kiến của thầy. Với Thủy, đây là cơ hội để bổ sung kiến thức, rèn y đức cho nghề.
Nhắc đến y sĩ Văn Đình Bàng, ông Cù Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Châu khâm phục: “Ông Văn Đình Bàng là người năng động, ngoài việc làm kinh tế trang trại, ông còn dành thời gian để khám bệnh, chữa bệnh giúp người dân. Điều này rất quý, đáng hoan nghênh. Trong cuộc sống đời thường, ông Bàng là một người thật thà, chất phác, hòa đồng, mẫu mực”.
Ai đó đã từng nói rằng, thước đo của cuộc đời không phải là thời gian mà là cống hiến. Còn y sĩ Văn Đình Bàng tâm niệm: Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim.
Bài và ảnh: PHAN HUYỀN