Đáng nói, trước việc máy móc ngang nhiên xẻ núi, múc đất, vận chuyển rầm rộ hàng ngày hàng giờ, lãnh đạo địa phương lại đồng loạt lắc đầu không biết. Chính quyền huyện “đá” trách nhiệm cho chủ đầu tư, còn chủ đầu tư “chỉ biết làm công văn yêu cầu nhà thầu, trách nhiệm chính phải là… chính quyền địa phương”.
Khai thác tại Km 49 xã Sơn Tây
Nhà nhà bán núi
Đi dọc quốc lộ 8A, đoạn qua huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), dưới cái nắng trưa hè gay gắt, hình ảnh những ngọn núi đất bị đào xới, sạt lở loang lổ đến nhức mắt. Những đoàn xe tải hạng nặng chở đất từ các điểm khai thác này đổ cho công trình thi công đường 8A.
Rẽ vào một con đường mới được đắp vội kiểu “dã chiến” vắt qua thửa ruộng tại xã Sơn Thủy, ở cuối đường có một ngọn núi chắn ngang nhưng đã bị xẻ ngang để lấy đất, tạo thành một khe lớn rộng khoảng 10m, chia đôi quả núi thành hai vách cao thẳng đứng. Tại đây, có hàng trăm ngàn mét khối đất đã bị lấy đi. Qua khỏi hẻm núi nhân tạo này khoảng 200m, có hai chiếc máy xúc loại bánh xích, đang nổ máy phụt khói đen kịt lên trời. Chiếc gầu múc như cánh tay khổng lồ, xục thẳng vào vách đồi lấy đất, đổ lên thùng xe. Cạnh đó, những chiếc xe ben hạng nặng đang xếp hàng chờ được đổ đầy đất chở đi.
Cách “công trường” lấy đất không xa, một nếp nhà ngói nằm giữa vườn chè của gia đình bà Phan Thị Tranh (xóm Trường Thủy, xã Sơn Thủy). Bà Tranh chính là chủ nhân của ngọn đồi đất, cho biết: “Họ trả cho tôi 15 triệu đồng, mới đưa trước một nửa và họ xúc hơn 10 ngày nay”. Qua quan sát, ngọn đồi đã bị đào lấy đi gần nửa tạo nên vách đất dựng đứng, nham nhở. Với việc khai thác đất vội vàng, không tuân thủ các quy định này, chắc chắn chỉ một trận mưa vừa thì toàn bộ mái đồi này sẽ bị sạt lở, vùi lấp hết vườn chè dưới chân đồi.
Khi đất đã được xúc đầy thùng, những chiếc xe lặc lè chở tới công trình đang thi công tại Km30 đổ xuống. Qua kiểm tra được biết, đây là gói thầu do công ty TNHH Thành Công (địa chỉ tại TP.Vinh) đảm nhận thi công.
|
, Người mặc đồng phục “dân quân tự vệ” ghi chép xe ra vào đổ đất |
Ngọn núi đất phía sau căn nhà của ông cũng đã bị xúc hơn nửa. Phát hiện thấy người lạ, chiếc máy xúc cụp gầu xuống di chuyển vào sát hiên nhà và tắt máy.
Riêng ở xã Sơn Trà có đến 5 điểm khai thác đất trái phép. Ngoài gia đình ông Nam, còn có nhà bà Nga, ông Hùng… Tất cả những người dân này đều cho biết: “Họ trả cho chúng tôi 15 triệu đồng và tự khai thác”. Một người nói thêm: “Từ khi khởi công đường quốc lộ 8A đến nay, nhà nào có núi đều bán hết”.
Sáng 11/7/2014, PV đến Km49 quốc lộ 8A (thuộc xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn). Quả núi này khá lớn, nằm sát cạnh đường quốc lộ 8A tạo nên một khúc cua trên lý trình này. Tại đây, có hai chiếc máy múc đang hối hả múc đất. Có đến sáu chiếc xe ben hạng nặng, dán chữ “Công ty 484” xếp hàng, vào ra lấy đất liên tục. Điểm đổ thuộc công trình nâng cấp quốc lộ 8A do Công ty CP 484 thi công cách đấy khoảng 4 km. Tại nơi khai thác này, có một người mặc đồng phục, đội mũ có sao “dân quân tự vệ” đang đứng đếm xe để ghi chép. Và điểm khai thác đất này cách trụ sở UBND xã Sơn Tây chưa đến 2km. Một người dân có nhà ở sát bên nói: “Họ lấy đất ở đây hơn 10 ngày nay rồi”. Quả núi này cũng bị khai thác theo kiểu dựng đứng, sâu vào khoảng 30m so với chân núi ban đầu với hàng ngàn mét khối đất bị móc đi.
Hơn nửa quả núi bị khai thác hổng chân như này lại nằm sát bên đường là hiểm họa đối với cuộc sống con người khi mùa mưa bão đến. Toàn bộ khối lượng cây cối, đất đá khổng lồ, cheo leo phía trên đỉnh sẽ đổ ập xuống Quốc lộ dưới chân núi. Không loại trừ việc khai thác đất trái phép này là một trong những nguyên nhân chính làm cho quốc lộ 8A suốt mấy năm qua sạt lở gây tắc nghẽn, chia cắt trong mùa mưa bão.
Thi công quốc lộ 8A bằng đất “lậu”?
Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8A là công trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện nhằm mục đích giải quyết việc ách tắc thường xuyên trong mùa mưa bão, đẩy mạnh thông thương giữa Việt Nam và Lào. Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 có tổng chiều dài 37km, từ km 00 – km 37, đi qua địa bàn của 3 huyện thị là: Thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ và Hương Sơn (Hà Tĩnh) do Ban Quản lý dự án 4 (QLDA 4 – Cục giao thông đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hiện đã cơ bản hoàn thành.
Theo QLDA4 và Sở Tài nguyên Môi trường (TN – MT) Hà Tĩnh, để chuẩn bị cho việc đắp đất thi công nền đường, tỉnh Hà Tĩnh đã thí nghiệm các mẫu đất, sau đó quy hoạch và cấp phép duy nhất cho Công ty khai thác khoáng sản Phú Lộc An (mỏ ở xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn) được phép khai thác đất để phục vụ công trình này. Đây vẫn là mỏ duy nhất đủ điều kiện cung cấp đất cho đến thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, Ban QLDA 4 cũng như Sở TN – MT Hà Tĩnh đã có công văn gửi các nhà thầu yêu cầu phải lấy đất tại đây để thi công.
Theo danh sách các nhà thầu thi công quốc lộ 8A do Ban QLDA4 cung cấp, PV tìm đến Công ty TNHH Thành Công (địa chỉ tại số 5, ngõ 1, đường Lương Thế Vinh, TP.Vinh, Nghệ An). Là một trong hai đơn vị thi công tại lý trình từ Km28 đến Km34 nhưng Công ty này không hề có tên trong danh sách nhà thầu lấy đất tại Phú Lộc An. Sau hai lần đăng ký làm việc theo đúng quy định, PV vẫn không thể gặp được người có trách nhiệm tại đây để tìm hiểu các thông tin liên quan.
Tiếp tục đến đơn vị thứ hai đảm nhiệm việc thi công tại đoạn đường này là Công ty CP Xây dựng công trình 484 (TP.Vinh, Nghệ An), ông Nguyễn Sỹ Cử, Giám đốc Công ty lại cho biết: “Đất mà chúng tôi dùng để thi công là do Công ty Hân Thương cung cấp”. Hỏi về tính hợp pháp trong việc khai thác và cung cấp đất của Công ty Hân Thương, ông Cử nói: “Có lẽ phải hợp pháp, địa phương có cho phép khai thác thì mới đưa được hệ thống máy móc vào xúc chứ”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu tại Sở TN – MT Hà Tĩnh, Công ty Hân Thương không được phép khai thác khoáng sản.
Thêm một điểm chênh lệch nữa. Theo số liệu của Công ty Phú Lộc An đã cung cấp đất cho các nhà thầu là: 64.944 m3. Nhưng theo số liệu của Ban QLDA 4, tại hồ sơ thiết kế và hồ sơ của các nhà thầu đề nghị thanh toán là hơn 211.572 m3 đất. Có nghĩa các nhà thầu đã sử dụng đến 146.628 m3 đất không có nguồn gốc, chiếm hơn 70% đất lậu cho một lý trình có chiều dài 19km, chưa tính đến cả dự án với chiều dài hơn 85km đường. Vậy các nhà thầu đã làm cách nào để “hợp thức hóa” số lượng đất lậu chênh lệch này? Bên cạnh việc các nhà thầu sử dụng đất lậu để thi công, ở đây còn có sự gian lận liên quan đến hóa đơn, chứng từ về thuế.
Theo hồ sơ thiết kế dự án của giai đoạn 1, cần phải có hơn 434.697m2 đất để đắp thi công. Tìm hiểu được biết, một mét khối đất được bán tại nơi khai thác với giá 20 ngàn đồng. Như vậy với việc khai thác “thổ phỉ” ồ ạt như hiện nay, và nhu cầu về khối lượng đất cần phải có cho công trình, một số tiền không nhỏ đang chảy vào túi các đầu nậu. Việc sử dụng đất lậu không đạt tiêu chuẩn để thi công, không những làm ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, mà còn kéo theo nhiều hậu quả về môi trường, đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân nơi này.
CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ?
Chính quyền xã: “Không biết” và “Khai thác để đắp… sân bóng”
Sau khi chứng kiến và ghi hình toàn bộ việc phá núi lấy đất tại Km 49, thuộc xã Sơn Tây, PV đến trụ sở UBND xã Sơn Tây (cách điểm khai thác đất nói trên khoảng 800m) phản ánh tình hình với chính quyền địa phương. Nhưng ông chủ tịch xã khẳng định: “Không có chuyện khai thác đất tại địa phương”. Khi PV đưa những bức ảnh chụp cảnh khai thác đất và chỉ những chiếc xe chở đất đang chạy qua trước cổng trụ sở UBND, ông chủ tịch nói: “Đó là khai thác để đắp mặt sân bóng cho xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới”. Để kiểm chứng, PV đến sân vận động nhưng không hề có dấu vết của việc đắp, đổ đất mới. Chỉ có mấy chú bò đang ung dung đi lại trên mặt cỏ xanh tốt.
Có một điểm chung là các chủ tịch xã, nơi có thực trạng khai thác đất trên địa bàn huyện Hương Sơn, khi PV hỏi đều trả lời: “Không có việc khai thác đất trên địa bàn xã”. Trong khi đó, việc khai thác, vận chuyển đất đều bằng máy móc diễn ra rất rầm rộ hàng ngày hàng giờ. Vậy lý do nào khiến cho các lãnh đạo xã đều “không biết” việc tài nguyên đang ngày đêm bị đào bới trái phép?
Chính quyền huyện Hương Sơn: “Chủ đầu tư phải có trách nhiệm”
Lãnh đạo xã không biết, nhưng lãnh đạo huyện Hương Sơn lại xác nhận đã thu giữ máy móc, xử phạt hành chính nhiều trường hợp khai thác trái phép. Cụ thể, ông Trần Đình Thân, Phó chủ huyện cho biết: “Chúng tôi đã thành lập đoàn liên ngành, thường xuyên kiểm tra việc khai thác đất trái phép trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các xã rất sâu sát về việc này. Huyện cũng đã thu giữ máy móc, xử phạt hành chính nhiều trường hợp khai thác rồi”. Ông Phó chủ tịch huyện đưa ra bản danh sách, biên bản xử phạt hành chính về việc khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện. Qua đó cho thấy từ năm 2013 đến nay, có 5 trường hợp bị xử phạt về hành vi trên với tổng số tiền phạt là 44 triệu đồng. Rõ ràng số vụ bị xử phạt quá khiêm tốn so với thực trạng khai thác đất trái phép xảy trên địa bàn. Số tiền phạt là quá nhỏ so với lợi nhuận từ việc khai thác, và không thấm vào đâu so với thiệt hại mà địa phương phải gánh chịu do nạn đất “thổ phỉ” gây ra.
|
Đất được đổ tại công trình đường 8A |
Và trước những các hình ảnh chứng minh việc khai thác đất thổ phỉ vẫn đang ồ ạt diễn ra trên địa bàn huyện Hương Sơn, ông Thân lại “đá bóng” cho chủ đầu tư. Ông nói: “Để khống chế được nạn khai thác đất “thổ phỉ” như hiện nay, chúng tôi cũng yêu cầu chủ đầu tư phải quản lý nghiêm đối với các nhà thầu, yêu cầu họ không được lấy đất ở ngoài các điểm quy hoạch. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm”.
Chủ đầu tư: “Trách nhiệm chính vẫn là do chính quyền địa phương”
Ông Trần Đình Sơn, phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (QLDA4) – Cục giao thông đường bộ Việt Nam, đơn vị là chủ đầu tư Dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 8A, cho biết: “Sử dụng đất thổ phỉ, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Đất dùng để đắp phải thí nghiệm trước, đạt được các tiêu chuẩn theo quy định mới được sử dụng” . Vậy việc các nhà thầu lấy đất không đúng nơi quy định thì xử lý như thế nào, và trách nhiệm thuộc về ai? Ông Sơn nói: “Chúng tôi chỉ biết làm công văn yêu cầu các nhà thầu rồi, còn trách nhiệm chính vẫn là do chính quyền địa phương”.
Cũng theo ông Trần Đình Sơn, đơn vị tư vấn, giám sát thi công công trình này trực thuộc ban QLDA 4 (chủ đầu tư). Như vậy trong việc các nhà thầu lấy đất không đúng tiêu chuẩn và nơi quy định, trách nhiệm của bên tư vấn, giám sát ở đâu?
...
Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN – MT) tỉnh Hà Tĩnh: “Có sự dung túng, địa phương không đồng ý thì chắc chắn không thể khai thác được”.
Đem câu chuyện khai thác đất trái phép, đang diễn ra rầm rộ tại huyện Hương Sơn trao đổi với ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở tài nguyên & Môi trường (TN – MT) tỉnh Hà Tĩnh, Ông Đinh nói: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh về việc khai thác đất ở trên đó (Hương Sơn – PV) và đã làm văn bản gửi cho huyện, Ban QLDA4 yêu cầu chấm dứt tình trạng khai thác thổ phỉ này. Thế nhưng không hiểu sao vẫn tiếp diễn”. Ông Đinh cho rằng “Vai trò quản lý nhà nước tại địa phương thuộc về UBND huyện Hương Sơn, chứ chúng tôi không thể quán xuyến hết được”.
Về hậu quả của việc khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện Hương Sơn, ông Đinh nói: “Thiệt hại về kinh tế thì ai cũng thấy được, đó là thất thoát ngân sách và thuế tài nguyên. Còn về thiệt hại về môi trường không phải ai cũng thấy được, nhưng vô cùng nặng nề và to lớn như: tụt nước ngầm, gây sạt lở bồi lấp do khai thác không đúng quy trình”. Vậy có việc “chống lưng”, dung túng của ai đó cho các đầu nậu khai thác đất trái phép không, ông Đinh trả lời: “Có sự dung túng, bởi địa phương không đồng ý thì chắc chắn không thể khai thác được…”.
Chính trong thời gian tác nghiệp, PV đã nhiều lần nhận được các cuộc điện thoại từ số lạ, với nội dung “nên dừng lại đi, việc khai thác này của ông X, ông H đấy”. Rất tiếc không có điều kiện để kiểm chứng lời đe dọa đó đúng hay sai, chỉ biết rằng ông X và ông H đều là những “ông lớn” ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông Giám đốc Sở TN – MT cho biết: “Sắp tới, sẽ có văn bản gửi Ban QLDA4, yêu cầu các nhà thầu thực hiện nghiêm việc lấy đất đúng quy định. Nhà thầu không thực hiện sẽ cắt thầu”.
Nhà thầu phải lấy đất “thổ phỉ” vì “tình cảm với địa phương”? Một nguồn tin cho biết, có hai lý do chính để các nhà thầu quốc lộ 8A sử dụng đất “thổ phỉ” để thi công. Thứ nhất là giá thành luôn rẻ hơn đất của mỏ hợp pháp do không phải nộp thuế và các loại phí theo quy định. Hơn nữa, mỏ được cấp phép hoạt động hợp pháp nằm cố định một chỗ (xã Sơn Bình). Còn nơi khai thác lậu lại luôn di chuyển theo cung đường đang thi công. Ví dụ thi công tại lý trình KM49, các đầu nậu sẽ khai thác tại vùng phụ cận, chỉ trong bán kính từ 2-3km. Trong khi đó, từ điểm thi công Km49, nếu lấy đất tại mỏ Sơn Bình, phải mất chặng đường vận chuyển hơn 10km, giá thành sẽ tăng cao.
Đặc biệt, thêm một vấn đề rất quan trọng khiến các nhà thầu thi công phải lấy đất của các đầu nậu này là “mối quan hệ địa phương”. Nguồn tin này chia sẻ: “Khi về đến địa phương đó (thi công tại địa phương), có ông A hay ông B xin được đổ đất. Biết là không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn phải có cái tình cảm giữa mình với địa phương. Còn họ (đậu nậu khai thác – PV) chạy thủ tục với xã, huyện ra sao đó là việc của họ”.