Em là Phạm Văn Nam, học sinh lớp 7C, Trường THCS Thủy Mai (xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Nhìn cậu học trò Văn Nam năm nay học lớp 7 nhưng chỉ nặng 19kg. Đôi chân nhỏ bé, yếu ớt, hễ va chạm vào những vật cứng là xương em có thể gãy làm đôi, làm ba, vậy mà ít ai có thể tin được là em có thể vượt qua. Nhưng, em đã làm được và còn hơn thế nữa khiến cho tất cả mọi người ngỡ ngàng khi em luôn là tấm gương sáng cho các bạn trong trường về nghị lực sống cũng như thành tích học tập.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó có 3 anh em, ngay từ nhỏ Nam đã phải hứng chịu nhiều thiệt thòi mất mát so với những đứa trẻ cùng trang lứa khi em mắc trong mình bệnh xương thủy tinh. Hễ mỗi lần Nam vận động mạnh là khiến xương của em bị gãy và phải mất rất nhiều thời gian dài mới có thể liền lại được.
6 năm đi học cũng là chừng ấy thời gian em đến trường trên lưng của bố mẹ, bạn bè. Nhiều lần em đã chùng chân, tuyệt vọng nhưng được sự động viên, an ủi kịp thời của bố mẹ, thầy cô và bạn bè Nam lại như có thêm động lực.
Và không phụ lòng mọi người 6 năm liền, Nam đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, xuất sắc. Điều đặc biệt, Nam có sở thích chơi cờ, năm học 2012-2013, Nam đã dành giải nhất cuộc thi cờ gánh do nhà trường tổ chức.
Anh Phạm Văn Túy (bố em Nam) cho biết: “Nhìn những đứa trẻ khác có thể chạy nhảy, đạp xe tới trường tôi lại ứa nước mắt. Tôi chỉ mong nó đi lại được bình thường là mãn nguyện lắm rồi”.
“Nhiều lần tôi đã suy nghĩ rất nhiều và biết rằng mang căn bệnh này trong người thì Nam chẳng còn có tương lai. Lúc cháu học hết lớp 5, 2 vợ chồng tôi đã nói với cháu không đi học nữa mà chỉ ở nhà. Lúc đó, nó buồn rười rượi, không chịu ăn, uống gì cả. Chắc lúc đó, cháu cũng hiểu được mọi chuyện, nên vài ngày sau cháu đồng ý ở nhà không đi học nữa. Nhưng gần tới ngày khai trường, thấy bạn bè trong xóm tất bật chuẩn bị sách vở, áo quần để chuẩn bị cho năm học mới cháu nó lại khóc và dứt khoát đòi phải được đi học nên chúng tôi đành cho cháu đi học tiếp”, anh Túy nghẹn ngào.
Nam tâm sự: “Lúc đầu mỗi lần đến lớp là em sợ. Em sợ các bạn trêu. Những lúc thấy em di chuyển bằng tay các bạn lại cười lên. Lúc đó, em chỉ muốn bỏ học, chạy về nhà nhưng đôi chân em không thể nào bước nỗi”.
Đôi mắt Nam rơm rơm, đỏ sưng lên, một lúc lâu sau Nam mới tiếp tục nói chuyện.
“Về sau, nhờ các thầy cô giáo trong lớp an ủi đặc biệt nhờ là bạn Kỳ (bạn cùng lớp, thường xuyên cõng Nam đi học) giải thích và nói cho các bạn biết về bệnh tình của em nên sau đó các bạn không còn trêu em nữa”.
Hơn 5km là khoảng cách từ nhà tới trường, đó cũng là chặng đường đầy gian nan, thử thách của Nam. Giờ đây, gia đình em Nam phải đánh liều chở Nam đi học bằng xe máy. “Từ nhỏ tới giờ đã hơn 10 lần cháu nó bị gãy xương. Có năm cháu bị gãy xương đến 3 lần. Mỗi lần bị gãy xương là ít nhất phải mất gần 2 tháng mới lành lại được. Giờ phải chở đi học bằng xe tôi rất lo. Tôi phải đi rất chậm, sợ nhất là đoạn có ổ gà cháu rất dễ bị gãy xương”, anh Túy tâm sự.
Năm 2010, thấy Nam thường xuyên đau ốm, gia đình chạy vạy được ít tiền đưa Nam đi khám thì cả gia đình như chết lặng khi hay tin Nam đang mang thêm trong mình căn bệnh viêm phổi nặng.
“Nó đã quá thiệt thòi lắm rồi. Với căn bệnh xương thủy tinh thì coi như tương lai cảu nó đã hết. Giờ lại thêm căn bệnh viêm phổi nữa thì làm sao nó đủ sức bây giờ. Gia đình cũng cố gắng đưa nó đi điều trị nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ điều trị giữa chừng rồi lại dừng lại nên đến giờ bệnh của nó ngày một nặng thêm” anh Túy ôm chặt lấy Nam nghẹn ngào.
Mặc dù mang 2 trọng bệnh nhưng Nam hết sức lạc quan, trong nhà Nam là người hay chuyện trò nhất. Trong căn nhà nhỏ, Nam đi lại hết sức khó khăn, do không có xe lăn nên mỗi lần di chuyển Nam lại phải sử dụng chiếc ghế nhựa để làm điểm tựa. Nhìn những bước di chuyển nhọc nhằn của Nam thật xót xa.
Nói về cậu học trò Văn Nam, cô Hà Thị Huê, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thủy Mai cho biết: “Nam là một học sinh ngoan hiền, chăm chỉ. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân em lại mang căn bệnh hiểm nghèo nhưng em luôn lạc quan, ham học. Nam học khá các môn, đặc biệt môn toán em Nam rất nhanh. Nam là một tấm gương sáng cho các bạn trong trường noi theo”.
“Em muốn được học tin, em muốn em giống như Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng để có thể vừa tự lo cho mình, có thể đỡ đần cho bố mẹ và giúp đỡ mọi người”, Nam cười và nói khi được chúng tôi hỏi về mơ ước sau này của mình.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về.
Anh Phạm Văn Túy (bố Nam) ở xóm 3, xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 0126. 626.3915