Tin Hà Tĩnh

Hương Khê (Hà Tĩnh): Dở dang "công trình thế kỷ chợ Huyện"

Dự án chợ Huyện, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã được khởi công xây dựng từ tháng 5 /2017, dự kiến đến đầu tháng 9 năm 2018 sẽ hoàn thành đi vào hoạt động, nhưng tới nay đang vướng phải những khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng.

Công trình đình chính chợ Huyện, huyện Hương Khê đang thi công


Chợ Huyện, huyện Hương Khê ( Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 139/QĐ-UBND, ngày 13/01/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Dự án có quy mô hơn 1.000 ky ốt kinh doanh, được quy hoạch trên tổng diện tích hơn 5,3 ha tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê; được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do Công ty TNHH Thương mại Đức Tài có trụ sở tại thị trấn Hương Khê làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 140 tỷ đổng.

Đây là một công trình đặc biệt quan trọng, được người dân thị trấn Hương Khê gọi là "công trình thế kỷ", bởi không những với quy mô của một trung tâm thương mại lớn, hiện đại chưa từng có ở huyện miền núi Hương Khê, mà ngược lại dự án còn tạo nên một cuộc "đại di dời lịch sử" không dễ gì của hơn 600 hộ kinh doanh đã từng gắn bó với chợ cũ lâu đời để chuyển về địa điểm mới.

2 dãy ky ốt 2 tầng của công trình đang gấp rút hoàn thiện


Được biết, hiện nay chợ Huyện cũ huyện Hương Khê còn gọi là chợ Sơn nằm ở trung tâm thị trấn Hương Khê đang là chợ tạm sau khi bị cháy rụi hoàn toàn vào đêm 17/9/2016. Tuy nhiên, nếu không xảy ra hỏa hoạn, chợ Sơn cũng nằm trong kế hoạch di dời. Bởi, mặc dù chợ Sơn có nhiều thuận lợi như gần ga tàu, bến xe, nhưng khuôn viên chợ quá chật chội (chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1ha diện tích), nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, không có bãi đậu xe ô tô' đường đi, lối lại chật hẹp, hạn chế việc kinh doanh, mua bán... mà còn không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Rõ ràng không thể để cho hơn 600 hộ kinh doanh ở chợ Sơn phải làm ăn lo âu trong những ky ốt tạm thời. Vì thế, việc di dời chuyển đến địa điểm mới là nhu cầu tự nhiên. Tuy vậy, tới nay mặc dù nhà đầu tư đã triển khai thi công xong phần nền các tuyến đường nội bộ để phục vụ công tác thi công các hạng mục khác được thuận lợi. Trong đó có 2 dãy ki ốt 2 tầng, nhà điều hành, ki ốt 2 mặt đã gần hoàn thiện phần thô; phần móng các hạng mục khác đã hoàn thành 100% khối lượng công việc; 02 đình chợ chính cũng đang được triển khai đúng tiến độ...

Dãy ky ốt 2 tầng hướng ra mặt đường chính


Tuy vậy, dự án đang gặp phải những khó khăn vướng mắc. Trong đó, hệ thống điện của Điện lực Hương Khê cung cấp nguồn điện cho thôn Đông Hải, xã Gia Phố theo quy định không được đền bù, do công trình nằm trên phần diện tích đất thu hồi (thu hồi đất mà không được bồi thường về đất thì không được bồi thường hạ tầng kỹ thuật) mà chỉ được xem xét hỗ trợ; Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hương Khê chỉ được bồi thường tài sản trên đất (nhà nước có trách nhiệm cấp đất tại vị trí mới), trong lúc đó kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở mới chưa có nên Chi cục Thi hành án huyện chưa thực hiện việc di dời; hạng mục công trình đầu tư xây dựng đường Nguyễn Du (phía sau chợ), đường phía Tây chợ chưa có nguồn kinh phí để triển khai.

Theo thông tin chúng tôi nhận được từ UBND huyện Hương Khê, muốn giải quyết dứt điểm những bất cập trên, huyện Hương Khê cần phải được UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 26 tỷ đồng.

Toàn bộ phần móng của công trình đã hoàn thành


Trao đổi với phóng viên báo Dân sinh, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đức Tài- chủ đầu tư cho biết: Vợ chồng ông từng buôn bán làm ăn tại chợ Sơn 3 năm, ông từng hiểu thế nào là những khó khăn vất vả cũng như tâm tư của bà con các hộ kinh doanh trong chợ như thế nào. Việc nhảy vào đầu tư xây dựng chợ mới rõ ràng không phải phiêu lưu mà phải tính đến lợi nhuận. Tuy vậy, nếu các hộ kinh doanh không ăn nên làm ra thì doanh nghiệp cũng chết theo. Bởi thế, việc đầu tư xây chợ là nhằm mục đích cho các hộ kinh doanh được hưởng lợi. Doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch, hàng năm sẽ tổ chức cho các hộ kinh doanh trong chợ đi tham quan các trung tâm thương mại trong nước để học hỏi và kết nối thị trường.

Còn đại đa số các hộ đang kinh doanh tại chợ Sơn thì bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án, nhưng họ mong muốn trước khi về địa điểm kinh doanh mới chủ đầu tư phải có những chính sách ưu tiên họ về việc điểm thuê ốt và giá cả thuê phải phù hợp và giảm các các khoản đóng đậu các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, bà con cũng tha thiết đề nghị chính quyền địa phương cần phải có các chính sách hỗ trợ như vay vốn kinh doanh với lãi suất thấp, giảm các loại thuế...

Việc triển khai xây dựng chợ Huyện, huyện Hương Khê theo hình thức xã hội hóa là hướng đi phù hợp với xu thế mới, nhất là đối với một huyện miền núi nghèo như Hương Khê. Đặc biệt, trong điều kiện hiện tại khi mà mùa mưa lạnh đang vây bủa hàng trăm hộ kinh doanh phải làm ăn buôn bán dưới những túp lều che tạm ở chợ Sơn, thì càng phải thúc đẩy công trình chợ mới sớm được ngày nào hay ngày đó.



Tác giả: NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP