Ông Kiều Đình Hùng – Trưởng BQL cụm di tích văn hóa Tiên Sơn cho biết: Hạ điện của đền Thánh là 3 gian nhà cổ đền Cả đã bị xuống cấp, nằm ngoài cánh đồng của phường Trung Lương và được đưa vào đền Thánh phục dựng lại. Đền Cả có từ cuối thời Lê, thờ các vị thành hoàng trong làng. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ngôi đền bị bom đạn tàn phá, làm hư hỏng nặng. Sau năm 1975, đền Cả được tháo dỡ 2 lần để làm văn phòng làm việc và phòng học cho học sinh nên có rất nhiều họa tiết hoa văn chạm khắc trên gỗ bị sứt, gãy.
Hầu hết các hạng mục ngôi nhà như xuyên, hạ, hoành, kèo, đuôi kèo, hạ đấm… được chạm trổ từ những phiến gỗ nguyên khối với các họa tiết hết sức tinh xảo. Các hình khối điêu khắc chủ đạo ở đây được lấy từ bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) kết hợp với bộ tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) tạo nên những bức chạm hài hòa với các thế như: long chầu, phượng múa… Mỗi hạng mục của ngôi nhà cổ đều được chạm khắc khác nhau, mang đậm tính nghệ thuật dân gian.
Ông Trần Viết Vựng (82 tuổi) kể: Để làm được ngôi đền này, phải tuyển chọn những thợ mộc giỏi nhất vùng và tìm mua những cây gỗ mít, gỗ lim 2 – 3 người ôm không xuể rồi cưa, xẻ lấy ròng. Những người thợ không nghĩ đến tiền công mà ngồi đục đẽo, chạm khắc ngày này qua tháng khác. Ở vùng này, hiếm có ngôi đền nào như thế. Trước đây, khi đền Cả chưa bị tháo dỡ, rất nhiều người đến xem, vẽ lại những hình chạm khắc trên gỗ rồi đưa về học chạm.
Ba gian nhà cổ đền Cả được trang trí toàn bằng những hình điêu khắc rất độc đáo.
Cụm di tích văn hóa Tiên Sơn có từ thế kỷ XI, bao gồm: chùa Tiên, đền Thánh, miếu thờ bà Chúa Kho… gắn liền với các truyền thuyết, giai thoại lịch sử. Trải qua thời gian và biến cố lịch sử, một số công trình, kiến trúc bị mai một, sau này mới được trùng tu, phục dựng lại nhưng vẫn giữ được kiến trúc, những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ và nét nguyên sơ.
Những hình chạm điêu khắc hết sức tinh xảo của đền Cả vẫn còn lưu giữ được cho đến nay.
Theo ông Lê Bá Hạnh – Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, không có ngôi đền, chùa nào ở Hà Tĩnh được chạm khắc công phu như 3 gian nhà cổ của đền Cả. Đến nay, chưa ai giải mã hết nội dung, ý nghĩa của những hình điêu khắc ở ngôi đền này. Các nhà nghiên cứu khẳng định, nét độc đáo của 3 gian nhà gỗ đền Cả so với một số ngôi đền, chùa cổ trong vùng không phải ở kiến trúc, quy mô mà ở điểm nghệ thuật chạm khắc hết sức tinh xảo.
Năm 2012, cụm di tích văn hóa Tiên Sơn được khảo sát, lập hồ sơ khoa học công nhận, xếp hạng di tích cấp tỉnh. Để xứng tầm với điểm văn hóa tâm linh của vùng, mới đây, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận cụm di tích văn hóa Tiên Sơn là di tích quốc gia.
VĂN ĐỊNH
(Cẩm Vĩnh, Cẩm Xuyên)
Báo Hà Tĩnh