Hoa Hậu

Hỏi chuyện “ông trùm hoa hậu Việt Nam”

PV: Trong số các con của mình, con trai hay con gái chia sẻ với ông về công việc nhiều hơn?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh “ông trùm hoa hậu” thổ lộ với bạn đọc những suy nghĩ về gia đình và cuộc sống hiện nay qua bài phỏng vấn của báo điện tử Gia đình Việt Nam.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Trong công việc, cả cháu Dương Thái Hà con trai tôi và Dương Anh Xuân con gái tôi đều thường xuyên trao đổi, có việc gì cần bố góp ý thì các cháu đều không ngại, nhưng, bây giờ các con tôi đều làm theo cách của chúng, ý kiến của bố mẹ chỉ là tham khảo thôi. Chúng tôi hoàn toàn bình đẳng, có nhiều điều tôi phải cần đến dự gúp đỡ của các con. Về tiếng Anh và vi tính, các con tôi là thầy của tôi, có những câu, chữ nào trong tiếng Anh khi chuyển ngữ mà mình không hiểu thì tôi nhờ con giúp để bảo đảm cho chính xác, hay trong vi tính cũng vậy, tôi nhờ cậu con trai rất nhiều. Tôi tự lái xe ô tô đã hơn 10 năm, nhưng nay mình đi đâu thì con trai lái xe đưa đi.

PV: Những mục tiêu mà ông mong muốn con trai và con gái của mình đạt được có giống nhau không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Hai đứa con tôi có thiên hướng khác nhau. Con trai thiên về tự nhiên, về kỷ thật, về kinh doanh, hồi cháu học ở Anh cũng học về kinh tế. Con gái tôi lại có thiên hướng về xã hội. Cháu làm thạc sỹ về báo chí quốc tế ở Anh.  Cháu viết báo, viết văn, làm thơ, viết kịch bản phim, làm đạo diễn phim, chụp ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật ( Tập thơ NGÀY CƯỜI – nhà xuất bản hội nhà văn ấn hành từ năm cháu còn học đại học ), bộ phim dài 8 tập NGÀY MAI CỦA BẠN VÀ TÔI; bộ phim NHỮNG CÔNG DÂN @ … Có một dạo cháu làm ở VTV, rồi AnViên TV, nay cháu làm cho một hãng nước ngoài .

Tôi không đặt mục tiêu nào cho các con của mình. Tôi chỉ mong và thường xuyên dặn các con làm gì cũng phải làm cho tốt, làm đến cùng, làm cho minh bạch, đàng hoàng. Riêng với con gái Dương Anh Xuân vì cháu theo đổi con đường văn chương, nghệ thật nên tôi cũng nói cho cháu biết những gian nan, vất vả, khổ nhọc, đầy chông gai mà không phải lúc nào cũng thành công ở lĩnh vực này.

Vợ chồng nhà thơ Dương Kỳ Anh , con trai , con dâu và các cháu nội.

Vợ chồng nhà thơ Dương Kỳ Anh , con trai , con dâu và các cháu nội.

PV: Các con ông đều học rất giỏi và thành đạt. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Báo điện tử Gia đình Việt Nam về bí quyết dạy con?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Điều đầu tiên tôi muốn các con mình hướng đến là lòng trắc ẩn, biết yêu thiên nhiên và yêu  cái đẹp. Từ khi vợ tôi còn mang thai và sau này là con dâu, con gái,  tôi tự làm hoặc khuyên các con tôi sưu tìm nhiều tranh, ảnh đẹp, nhất là ảnh các cháu bé bụ bẩm về treo trong nhà. Người ta nói người mẹ mang thai nếu thường xuyên được nhìn ngắm tranh ảnh đẹp khi sinh các con mình cũng có nhiều nét đẹp…Những ngày làm quản lý tờ báo, thương xuyên đi làm từ thiện, đi trao sổ tình nghĩa, tôi thường cho con đi theo để chúng thấy được hoàn cảnh còn rất khó khăn của nhiều người, để từ đó hình thành tình cảm, lòng trắc ẩn trong các con tôi.

Dù khó khăn, vợ chồng tôi cố gắng để cho các con được học hành đến nơi, đến chốn, nhưng sự học là học cả đời. Lúc còn đảm đương công việc quản lý  tôi cũng bận rộn, ít có thời gian cho các con. Điều mà vợ chồng tôi luôn hướng cho các con là dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sống cho tử tế. Trước đây, chính bản thân tôi cũng có lúc áp đặt cho con những điều mà chúng không thích, ngay cả việc lựa chọn nghề. Con trai tôi muốn ở lại bên Anh để mở của hàng  kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp, nhưng tôi không muốn, cứ bắt con về làm ở một đơn vị của nhà nước. Sau mấy năm tôi nhận ra là mình đã không hiểu con. Con trai tôi không chịu nổi cảnh “ sáng cắp ô đi tối vác về”. Bây giờ cháu gần như bắt đầu làm lại, làm kinh doanh, mở cửa hàng…

Con gái tôi, tôi cũng muốn con về làm biên tập ở một tờ báo nào đó gần nhà, chứ không muốn con theo con đường làm phim, chụp ảnh nghệ thuật vì mình cứ nghĩ nghề đó không hợp với phận nữ nhi. Bây giờ, khi  vào Google, gõ tên Dương Anh Xuân, đọc những bài người ta viết về con gái mình, hay những tâm sự của cháu đăng ở các tờ báo, tôi hiểu con hơn, con gái tôi có cá tính mạnh, luôn thích khám phá, thể nghiệm, thích làm những việc đôi khi chẳng giống ai. Ngay trong thơ, văn, trong những sáng tác của con mình cũng hoàn toàn khác xa cách mà tôi đã làm, từ cách nghĩ, cách cảm, cách thể hiện…

“Không ai biết lúc nào thì một con cá đang khóc / vì khi nó khóc, nước mắt của nó đã hòa cùng làn nước trong xanh hớn hở chảy kia rồi…” Câu thơ này tôi trích trong tập thơ của con gái tôi. Tôi đọc mãi mới hiểu được cái khác, cái mới trong câu thơ, trong tập thơ“ Ngày Cười” của con gái mình. Những câu thơ ở thệ hệ tôi nhiều người khó chấp nhận.

Chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ( hiện là phó chủ tịch hội nhà văn Việt Nam ) một người tân tiến, Tây học như vậy cũng đã viết “Những bài thơ mà tôi cầm chắc rằng nó sẽ làm không ít người không thể đọc hết một lúc. Nó không giống chúng ta…Nó có thể làm tổn thương đến tư duy chai lỳ và thứ cảm xúc sướt mướt của chúng ta. Tất nhiên có một phần nào đó của tôi trong ấy. Nó thách thức chúng ta. Nó làm rát mặt chúng ta. Nó đối chọi với những cảm xúc ngọt ngào và tự mê dụ của chúng ta …Nó phản kháng chúng ta …để nó được là chính nó …” ( Trích bài viết về tâp thơ NGÀY CƯỜI đăng trên báo Văn Nghệ ).

Tôi muốn nói đôi điều như vậy để rút ra một bài học dạy con ấy là phải hiểu con. Chúng ta, những bậc làm cha, làm mẹ cứ tưởng ta quá hiểu con, thực ra không hẳn vậy. Làm cha, làm mẹ thường tự cho mình cái quyền áp đặt cho con những điều mà mình cho là đúng, là hay, là phải. Bản thân tôi cũng vậy. Thực ra, ý tưởng , nguyện vọng, sự yêu thích, mong muốn của thế hệ này có những khác biệt với thế hệ khác. Nhưng, có một điều dạy con mà tôi cho là muôn thủa ấy là dạy con làm người sống nhân văn. Từ đời cố , đời ông, đời bố tôi đều là những người có học, đều sống nhân văn. Tôi luôn tự răn mình và dạy con, dạy cháu điều mà ông nội tôi đã dạy“ Hãy lấy ân mà trả oán, vì ân đức sinh ra ân đức, oán thù sinh ra oán thù” .

Các con tôi (nay tôi đã có hai cháu nội, một cháu ngoại) dù còn nhiều thiếu sót, nhược điểm, còn nhiều khó khăn, vấp váp, nhưng tôi tin là chúng không bào giờ làm điều ác, tức là không bao giờ cố ý làm hại người khác.

Vợ chồng nhà thơ Dương Kỳ Anh với con gái , con rể , cháu ngoại và cháu đích tôn.

Vợ chồng nhà thơ Dương Kỳ Anh với con gái , con rể , cháu ngoại và cháu đích tôn.

PV: Là cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong (nay là Hoa hậu Việt Nam), với tư cách là 1 người đàn ông, có khi nào ông cảm thấy “xiêu lòng” trước cái đẹp của các cô hoa hậu hay không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi là một nhà thơ, một người đàn ông, cũng như những nhà thơ, những người đàn ông khác tất nhiên là rung động trước cái đẹp, nhất là vẻ đẹp của người thiếu nữ .

Nói ra điều này có thể là khó tin, nhưng, trong suốt 20 năm làm trưởng ban tổ chức, trưởng ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, tôi vì mải lo nhiều chuyện để làm sao tổ chức tốt các cuộc thi nên những giây phút “ Xiêu lòng” trong ý nghĩ cũng chỉ là thoảng qua. Rồi thì công việc lại choán hết tâm trí mình. Con người ta khi có chút danh phận thì cũng phải biết giữ mình, rồi  như câu quan họ “đành lòng vậy, cầm lòng vậy …”

PV:  Có lần ông dẫn lời con gái, nói rằng công việc của TBT 1 tờ báo lớn như Tiền Phong, ông đã phải  “cả đời lựa lời nói ra sự thật”. Vậy với chị nhà, có bao giờ ông phải “lựa lời ” nói ra sự thật không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Nói thật khó lắm.  Nói thật nhiều khi còn nguy hiểm nữa. Nhưng cả đời tôi từ làm báo, làm văn, làm thơ…tôi đều học cách nói thật. Làm sao nói ra đúng sự thật mà người ta nghe được, chấp nhận được.Tôi thường nghĩ tới câu ca dao “ Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” mỗi khi muốn nói thật điều gì đó. Với vợ con, trong gia đình cũng vậy, tôi cũng có cách để nói thật , để thuyết phục ngay chính vợ con mình, cho đến bây giờ, hàng ngày tôi vẫn học cách nói thật, bởi sự thật mất lòng mà .

Chân dung nhà thơ Dương Kỳ Anh

Chân dung nhà thơ Dương Kỳ Anh

PV : Mỗi khi chị nhà hiểu nhầm hoặc nổi giận chẳng hạn, ông thường làm thế nào?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Về điểm này, tôi lại phải học con gái mình, cháu Dương Anh Xuân. Ngày bé, mỗi lần bực, vợ chồng tôi có muốn đánh cháu cũng không được vì chỉ cầm lấy roi là cháu đã rất hài hước, làm cho mình cười …

Trong gia đình vợ chồng có lúc hiểu nhầm nhau cũng là chuyện thường .

Người xưa nói rất hay“ Nghĩ đi , nghĩ lại …” Nghĩ đi thì thế , nhưng khi nghĩ lại  thì tôi bình tĩnh  hơn … Rồi tôi hành xử theo phương châm: Biến đại sự thành tiểu sự , biến tiểu sự thành vô sự .

Cuộc sống vốn vô thường, chẳng ai biết được điều gì sẽ xẩy ra, được đi liên với mất, phúc đi liền với họa, cái dở cái hay đều ở trong một con người … cho nên tôi cho rằng điều quan trọng trong quan hệ vợ chồng, trong gia đình là tình thương yêu, thông cảm , chia sẻ và chấp nhận .

PV:  Làm tổng biên tập 1 tờ báo lớn khó hay làm “tổng biên tập” một gia đình khó hơn thưa ông?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Làm tổng biên tập một tờ báo mà làm cho hay, cho hấp dẫn, tờ báo có nhiều bạn đọc, có uy tín cao là rất khó. Làm “tổng biên tập” trong gia đình sao cho gia đình mình hòa thuận, biết yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, con cháu mạnh khỏe, hiếu thảo, càng khó hơn. Làm gì cũng phải chân thành và hết lòng, còn thì nhờ tổ tiên trời đất nữa chứ!

PV:  Ông thấy cuộc sống của mình trước và sau khi nghỉ hưu có khác nhau nhiều không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi nhớ, có lần cựu bộ trưởng Hà Quang Dự nói đại ý rằng: Làm cán bộ ở xứ ta không có gì kinh khủng hơn khi về hưu !

Chắc là ông nói đùa thôi. Tôi thấy mình khi về hưu nhẹ cả người. Trước đây họp hành, chỉ đạo, tiệc tùng suốt ngày mệt kinh khủng, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn. Từ ngày về hưu tôi thấy mình có nhiều thời gian để làm những thứ mà mình thích như viết tiểu thuyết, chuyện ngắn, làm thơ sưu tầm những câu thơ hay Đông Tây Kim Cổ đọc lại Kinh Thánh, các giáo lý nhà Phật, đọc Lão Tử, Khổng Tử …

Và :

“ Thông thả, ta thông thả / nghe chiều buông hoàng hôn, tiếng chim như rót mật / cánh hoa rơi cuối vườn … Giờ một mình một cõi / cây một vườn, một ta / mới hay miền tiên cảnh / vô biên trong mái nhà …”

Cháu đích tôn của nhà thơ Dương Kỳ Anh , Dương Xuân Hiếu.

Cháu đích tôn của nhà thơ Dương Kỳ Anh , Dương Xuân Hiếu.

PV: Ông có thể chia sẻ cuộc sống thường nhật hiện nay của mình?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Với những nhà văn, nhà thơ, nhà báo như tôi, về hưu chỉ là nghỉ công tác quản lý chứ công việc thì vẫn vậy. Một ngày, tôi ngồi bên máy tính từ 5 đến 6 tiếng, đọc và viết. Thời gian còn lại thì tôi đi dạo trong vườn, tập thể thao, đánh bóng bàn, đi bộ, nằm nghe nhạc, hoặc xem phim. Tôi cũng dành thời gian để đoàn tụ gia đình, vui chơi với các cháu, đi siêu thị, đi bơi, đi thăm các danh lam thắng cảnh …

Trong hơn 5 năm nghỉ công tác quản lý ở báo, tôi đã hoàn thành và xuất bản được 6 tập sách: hai tập truyện ngắn “Người lấy hai vua” (nhà xuất bản hội nhà văn ) “ Người rêu” ( nhà xuất bản văn học , đang in). Cuốn “ Những câu thơ hay Đông Tây Kim Cổ” ( nhà xuất bản giáo dục ấn hành ) và cuốn “ Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới và lời bình” (nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành) là những cuốn sách có tiếng vang. Ngoài ra tôi còn xuất bản hai cuốn  phóng sự, ghi chép :“ Đến quê hương đức Phật” ( nhà xuất bản hội nhà văn) và “ Hoa hậu Việt Nam những điều chưa biết” tập 3 ( nhà xuất bản Văn Học ). tôi đang viết những chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết thứ 4 của mình, cuốn “Miền trần gian” .

Tôi cũng làm được khá nhiều thơ, trong đó có bài thơ “ Ẩn” được bạn bè ưu thích “ Bây giờ ta đi ở ẩn / không Côn Sơn thì Sóc Sơn / Tháng ngày rau dưa đạm bạc / sớm khuya vui tiếng chim vườn / bây giờ ta đi ở ẩn / ẩn vào cây , ẩn vào hoa / ẩn vào sương , ẩn vào nắng /mặc bình minh với chiều tà …Bây giờ ta đi ở ẩn / bạn bè chỉ gặp qua meo (mail)/ thời gian như con hạc trắng / ngàn năm vỗ cánh bay vèo …”

Tôi vẫn viết báo thường xuyên, đăng thường xuyên trên nhiều tờ báo. Viết báo là cách  để mình quên đi tổi tác, để mình luôn có sợ dây liên hệ với thời cuộc, để mình không cảm thấy lạc hậu với thời gian …

Có một điều mà tôi thấy yêu thích là đọc lại Kinh Thánh, Giáo lý nhà Phật, Lão Tử, Khổng Tử và các triết gia khác như : Plato; A ristotle; Nietzsche; Freud …nhất là đọc “Bát nhã tâm kinh” của Osho, người được coi là Phật sống hiện nay .

Đọc triết học nhất là đọc Lão Tử và Osho làm cho tôi thấy bình tĩnh hơn trong cuộc sống, thấy thanh thản, nhẹ nhàng  để tự cân bằng mình trước mọi vấn đề xẩy ra hàng ngày .

“Khi không màng danh lợi / tự nhiên lòng thảnh thơi” tôi thấm thía 2 câu thơ trên của vị vua thi sỹ Lê Thánh Tông .

PV: Cảm ơn nhà thơ Dương Kỳ Anh

Trọng An (thực hiện)

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP