>> Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bầu bổ sung các chức danh HĐND, UBND tỉnh
Trước khi bước vào phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã giải đáp, làm rõ 16 vấn đề mà cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh lần thứ XVI.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Hoàng Thị Cẩm Tú điều hành phiên chất vấn |
Để phiên chất vấn đảm bảo chất lượng, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, việc chất vấn và trả lời chất vấn phải đúng trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tinh thần xây dựng, khách quan; mục đích cuối cùng là hướng đến sự đồng thuận, thấu hiểu giữa các bên, tạo được niềm tin cho nhân dân. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng mong muốn các vị đại biểu phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tham gia chất vấn một cách thẳng thắn, có tính xây dựng; toàn thể cử tri tập trung theo dõi và có những phản hồi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã thực hiện.
“Nóng” chuyện ô nhiễm nước hồ Bộc Nguyên
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, sau khi chủ tọa kỳ họp nêu lên những băn khoăn của người dân xung quanh công tác bảo đảm chất lượng nguồn nước tại hồ Bộc Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn cho rằng, hiện nay hồ Bộc Nguyên đang do Sở Xây dựng quản lý nên sẽ “nhường” lại câu trả lời cho Sở Xây dựng. Ông Trần Xuân Tiến – Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, Sở NN&PTNT là đơn vị quản lý hệ thống hồ đập trên địa bàn, không cớ gì hồ Bộc Nguyên lại do Sở Xây dựng quản lý.
Cuối cùng, để giáp đáp thắc mắc đó, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà đã đăng đàn giải đáp. Theo ông Hà, sau khi có phản ánh của nhân dân về một số hộ dân làm ăn, sinh sống, chăn nuôi ven hồ làm nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, huyện Thạch Hà đã tổ chức kiểm tra, cho thấy, trong vùng thượng nguồn hồ Bộc Nguyên có 110 hộ sinh sống cố định, đã có hộ khẩu và 56 hộ gia đình nhận đất trồng rừng tại khu vực thượng nguồn tại thôn Hưng Hòa, xã Thạch Điền và xóm Tân Sơn, xã Nam Hương. Hiện nhân dân nuôi thả 250-260 con trâu bò và khoảng vài chục con gà, vịt, ngan. Ngoài ra còn một số lượng trâu bò của các khu vực khác tại xã Thạch Điền và các xã lân cận thả rông trên khu vực thượng nguồn.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà trả lời về tình trạng ô nhiễm tại hồ Bộc Nguyên |
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác lâm sản trên thượng nguồn hồ Bộc Nguyên đang diễn ra thường xuyên. Quá trình sơ chế (bóc vỏ cây) đã để lại một khối lượng lớn vỏ cây trên các tuyến đường, dày từ 20-30cm, một số vỏ cây đã phân hủy nằm cách mép nước của hồ Bộc Nguyên khoảng 50m. Khi trời mưa sẽ kéo theo dòng chảy ảnh hưởng đến nguồn nước. Đến nay, Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh đang phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành bốc chuyển số lượng vỏ cây tồn lưu đang ảnh hưởng đến môi trường.
Để đảm bảo theo hướng lâu dài, bền vững, UBND huyện Thạch Hà sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan khảo sát, nghiên cứu và điều chỉnh quy hoạch lại khu dân cư ở phía thượng nguồn hồ Bộc Nguyên, hạn chế tối đa các tác động trực tiếp vào môi trường nước. Giao các cơ quan chức năng cấp huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã Thạch Điền, Nam Hương thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình và có giải pháp phù hợp nhằm quản lý tốt không để tình trạng di cư tự do vào vùng thượng nguồn và xung quanh lòng hồ Bộc Nguyên. Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh trong công tác quản lý, đồng thời xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến môi trường hồ Bộc Nguyên.
Quan tâm đặc biệt đến vấn đề đảm bảo chất lượng nước hồ Bộc Nguyên, đại biểu Đoàn Đình Anh chia sẽ thêm, thời gian qua, Ban VHXH đã khảo sát rất kỹ thực trạng này. Thực tế cho thấy, hiện nay số lượng, quy mô của các hộ sản xuất của các trang trại ở đây chưa lớn. Nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, để các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất thì vấn đề bảo vệ chất lượng nguồn nước càng trở nên khó khăn. Vì vậy, phải thu hồi toàn bộ số diện tích được giao cho các hộ sản xuất tại khu vực lòng hồ, đồng thời tiến hành chuyển đổi toàn bộ số diện tích rừng ở khu vực lòng hồ từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ.
Đại biểu Đoàn Đình Anh: Nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, để các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất thì vấn đề bảo vệ chất lượng nguồn nước càng trở nên khó khăn… |
Đồng tình với những băn khoăn của cử tri, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh Võ Ngọc Vinh khẳng định, nếu chúng ta không đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, để tình trạng này kéo dài thì mức độ ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng hồ nước. Hiện nay, đơn vị đã báo cáo với các cơ quan, đơn vị liên quan không cấp phép khai thác, sản xuất tại các khu vừng trong lòng hồ, đặc biệt sớm di dời các hộ dân cư hiện đang sống tại khu vực thượng hồ Bộc Nguyên.
Để giải quyết một cách căn cơ hơn vấn đề trên, đại biểu Hồ Anh Tuấn đề nghị tỉnh cần tổ chức riêng hội thảo để đưa ra các biện pháp khắc phục đồng bộ, hiệu quả bởi vấn đề bảo vệ chất lượng hồ nước Bộc Nguyên đã được đặt ra từ lâu và luôn dành được sự quan tâm của đông đảo cư tri. Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước Hồ Bộc Nguyên là vấn đề lớn, vì vậy UBND tỉnh cần phân định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước cho từng cấp, ngành cụ thể để có những giải pháp, quyết sách xử lý kịp thời. Sớm có giải pháp cho thực trạng hồ đập xuống cấp, công trình nước sạch kém hiệu quả
Thời gian chất vấn trong buổi sáng cũng đã tập trung vào những câu hỏi đặt ra cho Giám đốc Sở NN & PTNT Đặng Ngọc Sơn về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp đối với 3 vấn đề: Nâng cấp hệ thống hồ đập xuống cấp; Dự án mương tự chảy hồ Xuân Hoa cấp nước tưới cho các xã Cổ Đạm, Xuân Thành, Xuân Mỹ (Nghi Xuân) chậm đi vào sử dụng; thực trạng các địa phương xây dựng NTM chạy theo thành tích, vay nợ lãi suất cao để xây dựng cơ bản khó có khả năng thanh toán
Ông Đặng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở No & PTNT: Hiện nay phần lớn các hồ đập đã qua thời gian sử dụng trên 30 năm; các hồ chứa vừa và nhỏ trước đây việc khảo sát thiết kế còn rất hạn chế, thi công chủ yếu bằng vật liệu tại địa phương và đào đắp bằng thủ công; công trình chịu tác động trực tiếp của thời tiết, thiên tai. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp công trình còn hạn chế; nhiều công trình do thiếu vốn nên chỉ mới xử lý khắc phục mang tính chắp vá, tạm thời…
Đại biểu Hồ Anh Tuấn: Vấn đề bảo vệ chất lượng hồ nước Bộc Nguyên đã được đặt ra từ lâu và luôn dành được sự quan tâm của đông đảo cư tri… |
Để công trình hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn, trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ đập (các công ty TNHH một thành viên thủy lợi, tổ chức hợp tác dùng nước được giao quản lý công trình) do chưa thực hiện tốt công tác quản lý khai thác, vận hành, duy tu, bão dưỡng công trình theo quy định. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, xã chưa thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các chủ đập trong việc quản lý, duy tu, sửa chữa chống xuống cấp công trình trên địa bàn. Việc xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực trạng hồ chứa xuống cấp; công tác kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị huy động nguồn lực để duy tu, bão dưỡng, sửa chữa chống xuống cấp công trình chưa kịp thời.”
Phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi
Về giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Ngành sẽ tiến hành rà soát, phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với năng lực quản lý của các chủ đập và điều kiện thực tế sử dụng hiện nay theo hướng: các hồ chứa có dung tích lớn hơn 0,5 triệu m3 nước hoặc có chiều cao đập lớn hơn 10m và các hồ chứa mà vùng hạ du là khu vực đông dân cư, sẽ được xem xét cụ thể để phân cấp cho các doanh nghiệp thủy nông quản lý; lập phương án nâng cấp và thống nhất danh mục các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp theo thứ tự ưu tiên, để huy động mọi nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp; tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn ODA.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn trả lời chất vấn các vấn đề liên quan đến ngành |
Đánh giá về câu trả lời của Giám đốc Sở NN & PTNT về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Trí Lạc cho rằng, ngành chuyên môn phải cho đại biểu và cử tri biết rõ hơn thực trạng các công trình, đặc biệt là đối với những hồ đập không còn đảm bảo an toàn thì phải nêu giải pháp cụ thể để người dân yên tâm.
Giải đáp câu hỏi về nguyên nhân, giải pháp giải quyết của thực trạng “Một số dự án nước sạch do ngành nông nghiệp làm chủ đầu tư không phát huy hiệu quả, công trình xuống cấp nhanh, tiến độ thực hiện chậm”, ông Đặng Ngọc Sơn cho biết: “Trong số các công trình nước sinh hoạt và VSMT nông thôn từ 2013 đến nay, công trình cấp nước xã Thạch Sơn chậm tiến độ, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư (Sở NN&PTNT) và có trách nhiệm của địa phương trong việc giải phóng mặt bằng và huy động nguồn vốn đối ứng. Đối với Dự án Nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên, đây là công trình có kết nối với giai đoạn I của Dự án, nên cần phải soát xét kỹ để phù hợp với các hạng mục đã xây dựng. Nguồn vốn được cấp chưa đủ điều kiện để thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu xây lắp theo quy định, nên phải chờ cấp vốn bổ sung. Trách nhiệm làm chậm tiến độ công trình thuộc về chủ đầu tư (Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn) và có nguyên nhân khách quan do chưa đủ nguồn vốn như đã nêu trên.”
Đại biểu Nguyễn Trí Lạc: Ngành chuyên môn phải cho đại biểu và cử tri biết rõ hơn thực trạng các công trình hồ đập đang xuống cấp trên địa bàn… |
Liên quan đến những băn khoăn của cử tri trong câu hỏi liên quan đến: Dự án mương tự chảy hồ Xuân Hoa cấp nước tưới cho các xã Cổ Đạm, Xuân Thành, Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân) đã thi công 4 năm nhưng chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất, thiệt hại trong sản xuất và khó khăn trong việc đi lại của người dân, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, thực trạng trên do đặc thù của vùng đất cát ven biển Nghi Xuân có điều kiện địa chất phức tạp; nguồn vốn bố trí cho dự án không đáp ứng kế hoạch đề ra. Quá trình thi công xây dựng kênh chính và công trình trên kênh từ K2+943 đến K5+836,35, do nhà thầu thi công gặp khó khăn về tài chính không thể tiếp tục thi công, chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng và lựa chọn nhà thầu khác thay thế, nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình… Sở NN&PTNT cam kết sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa công trình vào sử dụng trước ngày 10/1/2015
Khả năng trả nợ xây dựng cơ bản có thể kiểm soát
Trả lời câu hỏi về “Một số địa phương còn chạy theo thành tích, vay nợ lãi suất cao để xây dựng cơ bản khó có khả năng thanh toán”, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành (tháng 9/2013) do Sở Tài chính chủ trì, kiểm tra xác suất 43 xã, trong đó có 29 xã không nợ xây dựng cơ bản, có 14 xã nợ xây dựng cơ bản với hơn 128 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh đã quán triệt tại các cuộc họp giao ban hàng tháng và ban hành một số văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo các địa phương phải cân đối nguồn lực, không vì chạy theo thành tích mà để nợ không có đảm bảo nguồn vốn trả nợ, không được huy động quá sức, một số địa phương đã có sự chấp hành, khắc phục. Từ ngày 5/11 đến 22/11/2014, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiến hành khảo sát việc thực hiện Quyết định 10 tại 51 xã thì có 43 xã nợ xây dựng cơ bản, với tổng hơn 106 tỷ đồng.
Yêu cầu làm rõ hơn về vấn đề nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y tiếp tục chất vấn: “Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM đã có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ cụ thể từng địa phương chưa? Thực tế con số nợ ở 26 xã đã đạt chuẩn 19 tiêu chí như thế nào ?”.
Đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y chất vấn: Thực tế con số nợ ở 26 xã đã đạt chuẩn 19 tiêu chí như thế nào ? |
Giám đốc Sở NN & PTNT khẳng định: “Trong quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh đã thường xuyên yêu cầu Văn phòng Điều phối kiểm tra, giám sát thực trạng nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương. Văn phòng Điều phối đã làm việc với cụ thể với chính quyền và các ban quản lý chương trình NTM các địa phương, nắm rõ con số nợ của từng địa phương, trong đó có 26 xã đã về đích. Tuy nhiên, qua khẳng định của các địa phương và đánh giá của các đoàn kiểm tra của Văn phòng Điều phối thì việc cân đối khả năng trả nợ là có thể kiểm soát được.
Ông Đặng Ngọc Sơn cho rằng, tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện tốt các chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Chương trình NTM Trung ương, trong đó thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, không được quy định cứng nhắc tỷ lệ chi của Nhà nước và đóng góp của nhân dân; tuyệt đối không được yêu cầu đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không để xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân”. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2020 (thay thế Nghị quyết 45/NQ-HĐND), với việc nâng mức được sử dụng ngân sách các cấp đối với các nội dung, công việc trong xây dựng nông thôn mới, trao quyền chủ động hơn cho các địa phương và người dân…
Đánh giá phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở NN & PTNT, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, các nhóm vấn đề đã được ngành chức năng làm rõ, tuy nhiên việc nêu giải pháp vẫn chưa thỏa đáng. Về các nội dung cụ thể, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu ngành NN&PTNT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh sớm huy động các nguồn lực để nâng cấp kịp thời các hồ đập đã xuống cấp, không để xảy ra hậu quả làm ảnh hưởng tới sản xuất dân sinh đồng thời có giải pháp phân cấp quản lý hồ đập; chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc xung quanh dự án mương tự chảy hồ Xuân Hoa; Văn phòng Điều phối và chính quyền cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát về nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương, chỉ đạo các địa phương chú trọng thực hiện việc công khai, minh bạch các khoản thu, không được chạy theo thành tích, làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân.
Chiều nay, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVI sẽ tiếp tục với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Báo Hà Tĩnh điện tử sẽ tiếp tục thông tin về nội dung chương trình nghị sự.
Nhóm PV Kinh tế