Một số con bò giống của người dân huyện Tương Dương, Nghệ An được cấp bị bệnh lở mồm long móng - Ảnh: HIẾN TÙNG |
Ngày 26-5, ông Kha Văn Ót, phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết huyện đã có báo cáo UBND tỉnh liên quan đến thông tin báo chí phản ánh việc thực hiện dự án cấp bò giống cho người dân bị lở mồm long móng.
Theo báo cáo, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, năm 2017, huyện Tương Dương có 331 hộ đăng ký và tự nguyện đóng góp thêm tiền để được nhận bò giống.
Mỗi con bò giống có trọng lượng 125kg trở lên với giá hơn 14 triệu đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/con, phần còn lại là người dân góp. Kinh phí mua bò giống hơn 4,7 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 3,3 tỉ đồng, người dân góp hơn 1,4 tỉ đồng.
Từ tháng 1 đến tháng 4-2018, huyện đã cấp 170 bò giống cho người dân trên địa bàn 8 xã. Tuy nhiên, ngày 12-4, chỉ vài ngày sau khi nhận bò giống đợt 2 từ Công ty cổ phần Nga Chín, một số hộ dân ở xã Lưu Kiền, Tam Thái phát hiện bò bị lở mồm long móng. Tính đến ngày 7-5, có 18 con bò của dự án bị lở mồm long móng và 91 con bò địa phương bị bệnh.
UBND huyện Tương Dương thừa nhận trong quá trình nhận bò giống về cho người dân, đã có hai thiếu sót trong việc thực hiện quy trình phòng dịch và cấp giống.
Theo quy định, bò giống phải được tiêm văcxin phòng dịch 2 đợt. Đợt 1 gồm một mũi văcxin tụ huyết trùng và một mũi văcxin lở mồm long móng. 21 đến 28 ngày sau thì tiêm mũi văcxin lở mồm long móng thứ hai. Sau khi tiêm mũi thứ hai khoảng 14 đến 21 ngày mới lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng kháng thể lở mồm long móng.
Tuy nhiên, đàn bò giống cấp về huyện Tương Dương sau khi tiêm mũi văcxin thứ 2 chưa đủ ngày nhưng đã lấy mẫu xét nghiệm là không đúng quy định.
Ngoài ra, huyện Tương Dương cũng thừa nhận thời điểm cấp bò giống về địa phương là không phù hợp. Đây là thời điểm giao mùa, trên địa bàn một số xã lại đang tổ chức tiêm phòng chưa đạt tỉ lệ bảo hộ trên đàn gia súc nhưng đã nhập bò giống về.
Vì vậy khó xác định “bò giống của dự án lây bệnh lở mồm long móng cho bò tại địa phương hay bò địa phương lây bệnh qua bò dự án”.
Về những thiếu sót này, ông Ót cho biết sẽ kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các xã tập trung dập dịch, khắc phục hậu quả, không để người dân thiệt thòi.
Ngoài ra, UBND huyện Tương Dương cũng phủ nhận việc người dân phản ảnh, cho rằng chủ dự án và đơn vị cung ứng đã “phù phép” nâng giá bò giống để yêu cầu người dân nộp thêm tiền nhằm thu lợi bất chính.
“Quá trình thực hiện đảm bảo công khai, bình xét dân chủ từ thôn bản lên. Không có sự bắt buộc hay áp đặt. Trong tuần tới, huyện sẽ thành lập đoàn giám sát để kiểm tra việc thực hiện dự án cấp bò giống chương trình 30a trên địa bàn”, ông Ót nói.
Tác giả: DOÃN HÒA
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ