Tuy nhiên, tới thời điểm này, phương án cụ thể về mức hỗ trợ cho từng lao động vẫn chưa được công bố.
Doanh nghiệp sẽ tạo mọi điều kiện…
Ông Nguyễn Văn Hiệp, quyền Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinaconex Mec, đơn vị có hàng nghìn người lao động phải về nước sớm từ Libya cho biết, trong số hơn 2.000 người lao động mà doanh nghiệp đưa sang Libya phải về nước sớm thì đã có đến gần 1.000 người lao động được giải quyết các chế độ liên quan. Số lao động này tập trung vào nhóm có thời gian lao động tại Libya từ 12 tháng trở lên. Số lao động có thời gian lao động dưới 12 tháng của doanh nghiệp này còn khoảng 1.000 người chưa được thanh lý hợp đồng và các khoản hỗ trợ liên quan. Về hướng xử lý, ông Hiệp cho biết: “Khi chúng tôi nhận được phương án cụ thể thì sẽ tiến hành chi trả ngay cho người lao động. Doanh nghiệp sẽ tạo mọi điều kiện để người lao động đảm bảo được quyền lợi của mình”. Về mức hỗ trợ 50% của Chính phủ về phí môi giới cho doanh nghiệp, ông Hiệp cho hay, đây là sự cố bất khả kháng nên việc nhận được sự hỗ trợ của nhà nước đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp khắc phục sự cố
Cùng chung niềm vui khi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ sau sự cố lao động phải về nước sớm, sáng 31/7, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (Sona) cho biết, sau khi có hướng dẫn cụ thể việc chi trả từ Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ ngay lập tức liên hệ với người lao động để thực hiện chính sách. Theo tìm hiểu được biết, Sona có hơn 2.000 người lao động từ Libya phải về nước, trong đó, số lao động đã được doanh nghiệp thanh lý hợp đồng cũng chiếm số lượng khá lớn. Về đối tượng là người lao động trong diện 62 huyện nghèo được hỗ trợ thêm, Sona đã tiến hành phân loại và thống kê cụ thể để phục vụ cho công tác chi trả hỗ trợ.
Cùng với các doanh nghiệp trên, đại diện Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Thắng (Hải Phòng) cũng cho biết đang chờ văn bản hướng dẫn từ Cục Quản lý lao động ngoài nước. Về các khoản phí doanh nghiệp phải bỏ ra để đưa người lao động về nước, vị đại diện này cho hay, hiện các hóa đơn, chứng từ chi trả doanh nghiệp vẫn giữ đầy đủ cho nên sẽ không gặp khó khăn trong việc quyết toán nhận tiền hỗ trợ.
Lao động chờ tiền
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, dự kiến nội trong tuần này, Bộ LĐ, TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ công bố hướng dẫn hỗ trợ cho doanh nghiệp và lao động.Tính đến thời điểm Chính phủ chấp thuận đề nghị của Bộ LĐ, TB&XH, hàng nghìn lao động về nước sớm từ Libya đã phải thấp thỏm chờ hơn 4 tháng ròng. Trong khoảng thời gian đó, một số người lao động đã liên hệ với các cơ quan báo chí để có thông tin về việc hỗ trợ. Đến nay, khi có thông tin về việc sẽ được nhà nước hỗ trợ, họ lại liên hệ để biết rõ hơn về chính sách này.
Anh Nguyễn Tiến Hiệu (thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, sau gần 4 tháng không có thông tin gì về việc hỗ trợ, thanh lý hợp đồng, anh cùng với 6 người lao động đã phải phải lặn lội ra Hà Nội, tìm tới trụ sở của công ty Vinaconex Mec để hỏi. Tại đây, các anh được trả tổng số tiền là 15 triệu đồng, bao gồm bảo hiểm, thuế, 1 tháng lương. Về tiền môi giới, anh Hiệu cho biết do doanh nghiệp không đòi được từ đối tác ở Libya nên người lao động chưa được nhận. Sau khi nhận được thông tin sẽ được hỗ trợ từ Chính phủ, anh đã liên lạc với doanh nghiệp và được hứa khi nào có phương án chi trả cụ thể, doanh nghiệp sẽ thông báo về cho lao động.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, riêng huyện Kỳ Anh đã có tới trên 300 người lao động phải về nước từ Libya. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và của các cấp chính quyền địa phương nhưng hiện đời sống của phần đa lao động này đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn do không có vốn nên họ không thể tìm được việc làm mới trong nước.
Cùng cảnh ngóng chờ tiền hỗ trợ, anh Nguyễn Hữu Huy (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, nếu được nhận anh sẽ dành khoản tiền đó để tìm việc làm mới. Từ ngày về nước đến nay, anh và hàng trăm lao động cùng cảnh trong huyện vẫn chưa có kinh phí để tìm việc mới.
Mong sớm được nhận tiền là tâm trạng không riêng của anh Hiệu, anh Huy mà của gần 5.000 người lao động thuộc diện mới sang Libya dưới 1 năm. Anh Kiều Văn Khà (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết sẽ sớm liên hệ với công ty để nắm rõ thông tin về thời gian và số tiền được hỗ trợ khi nhận được thông tin được Chính phủ hỗ trợ thêm.
Công Tâm
Gia Đình