Khách thể bị xâm hại: Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Trong vụ án này, tài sản của Trung tâm dịch vụ khách hàng hoàn toàn không bị chiếm đoạt. Theo Điều 439 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì kể từ thời điểm VNPT Hà Tĩnh hoàn tất việc bàn giao hàng hóa cho Công ty Huy Phong theo từng đợt, thì quyền sở hữu đối với từng lô hàng đó thuộc về Công ty Huy Phong. Kể từ thời điểm nhận hàng, Công ty Huy Phong thông qua người đại diện hợp pháp của mình có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với các lô hàng đó theo quy định của pháp luật cũng như phải trả tiền mua hàng theo thời hạn thỏa thuận.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách. |
Đến nay quan hệ hợp đồng mua bán sim thẻ giữa Trung tâm dịch vụ khách hàng và Công ty Huy Phong vẫn chưa chấm dứt, cả Bên bán và Bên mua vẫn thừa nhận hiệu lực thực thi của hợp đồng mua bán sim thẻ vào các ngày 02/12/2011 và ngày 06/12/2011.
Cụ thể, đến ngày 25/11/2011 giữa hai pháp nhân này đã tự nguyện lập và ký Biên bản xác nhận công nợ (Bút lục số 930) trong đó xác nhận Công ty Huy Phong còn nợ 2.076.107.500 đồng và sẽ trả trong thời gian sớm nhất. Rõ ràng Trung tâm dịch vụ khách hàng tự nguyện cho Công ty Huy Phong nợ. Sau đó bên mua – Công ty Huy Phong còn thanh toán thêm một số lần.
Như vậy, khoản nợ vẫn được hai bên thừa nhận, bà Trần Tố Loan hoàn toàn không chiếm đoạt tài sản của TTDVKH. Do đó, dấu hiệu thứ nhất về khách thể của tội phạm không thỏa mãn theo quy định của pháp luật.
Chủ thể của tội phạm: Bà Trần Tố Loan không phải là chủ thể tham gia mua bán sim thẻ điện thoại nên không thể là chủ thể xâm phạm tới quyền lợi pháp của TTDVKH.
Ở đây cơ quan điều tra không tách bạch được hay cố tình đánh đồng hành vi của các chủ thể khác nhau nhằm buộc tội bà Loan. Giả định TTDVKH bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp, thì đó là bởi pháp nhân – Công ty Huy Phong, đơn vị đã có quan hệ mua hàng của Trung tâm và hiện còn nợ tiền.
Do đó, đối với cá nhân bà Trần Tố Loan không phải là chủ thể xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của Trung tâm dịch vụ khách hàng – VNTP Hà Tĩnh nên bà Trần Tố Loan không phải là đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với thiệt hại (nếu có) của Trung tâm dịch vụ khách hàng.
Theo Luật sư Bách, không thể quy kết bà Trần Tố Loan vào hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự như cáo trạng của Viện KSND Hà Tĩnh.
Mặt khách quan: Do đặc điểm riêng của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là chiếm đoạt, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.
Đại diện theo pháp luật của Công ty Huy Phong – bà Trần Tố Loan khi nhân danh Công ty Huy Phong giao dịch với TTDVKH không hề đưa ra bất kỳ thông tin gian dối nào để bên bán hàng tin tưởng, bán hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi giao dịch, nhận hàng hợp pháp, Công ty Huy Phong thông qua người đại diện của mình đã sử dụng số hàng đó để bán rồi mua hàng của tổ chức khác, cho chủ thể khác vay, sử dụng (bà Loan). Đây là quyền định đoạt tài sản của pháp nhân Công ty Huy Phong, không phải hành vi cá nhân Bà Loan.
Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Trong vụ án này TTDVKH chưa bị thiệt hại bởi số tiền bán hàng cho Công ty Huy Phong vẫn được Công ty Huy Phong xác nhận nhận nợ. Trường hợp, Công ty Huy Phong không có khả năng tiếp tục thanh toán thì bên bán có quyền khởi kiện tới TAND hoặc tiến hành thủ tục yêu cầu TAND tuyên bố phá sản đối với Công ty Huy Phong theo quy định của pháp luật.
Bà Loan có cố ý lừa đảo như trong cáo buộc của cơ quan tố tụng? |
Mặt chủ quan: Đối với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người thực hiện hành vi bắt buộc phải thực hiện với lỗi cố ý.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Trong vụ án này, với tư cách cá nhân, bà Trần Tố Loan không phải là chủ thể trong các giao dịch nên sẽ không đặt ra vấn đề lỗi đối với bà Loan. Với tư cách là đại diện theo pháp luật của Công ty Huy Phong tham gia giao dịch ký kết hợp đồng mua bán với Trung tâm dịch vụ khách hàng, bà Trần Tố Loan cũng không có bất kỳ hành vi gian dối nào đối với Trung tâm dịch vụ khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức này.
Việc bà Loan với tư cách là Người đại diện theo pháp luật, Chủ sở hữu công ty đã sử dụng tài sản của Công ty Huy Phong vào mục đích quay vòng vốn của công ty hay mục đích cá nhân dẫn đến Công ty mất khả năng thanh toán với bên bán thì đây là quan hệ giữa Công ty Huy Phong với bà Trần Tố Loan chứ bà Trần Tố Loan hoàn toàn không xâm phạm tới tài sản của TTDVKH.
Như vậy, rõ rằng không thể quy kết bà Trần Tố Loan vào hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự như những lập luận, suy diễn không dựa trên căn cứ pháp lý của Kết luận điều tra lại số 09 và Cáo trạng số 10.
Nhóm PVĐT