Giáo dục

Hiệu trưởng bị tố xâm hại học sinh nam: Im lặng, thờ ơ là tội ác

Liệu có sự thờ ơ trước cái xấu và tội ác ngay trong môi trường sư phạm? Đó là câu hỏi liên quan vụ việc hiệu trưởng ở Phú Thọ bị tố dâm ô hàng loạt học sinh nam.

Nghi vấn hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) dâm ô nhiều học sinh nam đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Trong khi nghi can Đinh Bằng My đã bị tạm giam để điều tra hành vi Dâm ô với người dưới 16 tuổi, dư luận bức xúc đặt câu hỏi tại sao vụ việc được cho diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện? Liệu có sự thờ ơ trước cái xấu ngay trong môi trường sư phạm?

Không biết hay cố tình im lặng?

Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường trả lời báo chí rằng không hề biết chuyện gì xảy ra và các giáo viên khác cũng vậy. Trong khi đó, một số học sinh của trường nói thầy cô biết chuyện gì đang diễn ra bởi sau mỗi lần các em lên gặp hiệu trưởng thường bị trêu: "Có được thầy cho ăn kẹo mút không".

Một học sinh kể hiệu trưởng Đinh Bằng My không chỉ trực tiếp liên lạc qua Facebook cá nhân, mà còn thường xuyên bảo giáo viên gọi các em lên phòng.

Hiệu trưởng bị tố dâm ô học sinh từng cùng nhà trường kết hợp Ban thường vụ Tỉnh đoàn và Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình “Ngoại khóa phòng chống xâm hại trẻ em năm 2018”. Ảnh: Website nhà trường.

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, đặt nghi vấn: “Không thể có chuyện những hành động xấu xa này diễn ra nhiều lần, trong thời gian dài ở ngay trường học mà không ai biết. Hiệu phó và giáo viên trong trường cũng phải chịu trách nhiệm về vụ việc”.

TS tâm lý Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, dự đoán giáo viên trong trường có thể nhận thức được sự việc nhưng không dám tố cáo vì sợ cấp trên và sự lên án của cộng đồng. Họ sợ nhà trường bị mang tiếng, sẽ không còn phụ huynh nào cho con tiếp tục học, ảnh hưởng trực tiếp đến mình.

Ở câu chuyện trên, giáo viên, học sinh cũng có thể không hiểu pháp luật hay ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Dù thế nào, việc không lên tiếng mạnh mẽ cũng là bao che cho người phạm pháp. Sự im lặng, thờ ơ cũng là tội ác.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, nếu đúng như tố cáo, hành vi của hiệu trưởng không chỉ vi phạm quy định nhà giáo, mà còn vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm, dứt điểm và đưa ra khỏi ngành.

“Trường hợp này cần lên án và pháp luật phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, ngành giáo dục, nếu chỉ dừng lại ở đó, là chưa đủ, bởi đi từ gốc, bản thân học sinh phải được giáo dục giới tính tốt, có kỹ năng phòng chống xâm hại. Chính học sinh phải là người tự bảo vệ mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo nữ tiến sĩ, bé trai bị xâm hại sẽ sợ hãi, gây tổn thương tâm lý, có thể phát triển lệch lạc giới tính. Hiện tại, ít người quan tâm vấn đề này giống như trẻ bị đánh, người lớn thường hỏi bị thâm tím ở đâu chứ không chú ý ảnh hưởng cảm xúc trước mắt và lâu dài ra sao.

Vì vậy, nếu giáo viên biết mà không phanh phui sự việc, họ thờ ơ, ích kỷ và thiếu hiểu biết pháp luật. Còn học sinh im lặng vì từ nhỏ các em đã được dạy nghe lời người lớn, không dám lên tiếng phản kháng.

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đề cập việc tuân thủ pháp luật của một bộ phận thầy cô giáo chưa thực sự nghiêm túc. Theo đó, lỗi một phần do việc tuyên truyền kiến thức pháp luật kém.

Dù có đủ văn bản luật, quy định rõ ràng về bảo vệ trẻ em được Nhà nước ban hành, nhiều thầy cô, phụ huynh không nắm được hoặc biết mơ hồ nên vi phạm pháp luật hoặc không dám đấu tranh với đồng nghiệp phạm pháp.

Thiếu nhận thức về giáo dục giới tính cho bé trai

Ông Nguyễn Huy Tùng, Trưởng phòng Đào tạo - Giảng viên, Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em, Hội bảo vệ Quyền trẻ em, chỉ ra thống kê kê trên thế giới cứ 4 bé gái, một em bị xâm hại tình dục. Các bé trai cũng không an toàn khi trung bình 6 em, một trẻ bị xâm hại. Nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng quấy rối, xâm hại tình dục chỉ xảy ra ở bé gái.

Người lớn dễ phát hiện tình trạng bé gái bị xâm hại hơn so với bé trai. Việc bị xâm hại khiến nạn nhân không muốn tiếp xúc người khác giới, tự thu mình, lệch lạc giới tính. Lứa tuổi dậy thì của bé gái từ 9-11, bé trai 11-14. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con kỹ năng cần thiết ngay từ khi 3 tuổi.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Thanh Sơn, nơi xảy ra vụ việc.

TS Vũ Thu Hương - người có nhiều năm kinh nghiệm dạy giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ - nói bà gặp khó khăn trong việc giáo dục giới tính cho bé trai. Bắt đầu từ 3 tuổi, phụ huynh sẽ được chuyên gia khuyên dạy giới tính cho trẻ.

Tuy nhiên, ở độ tuổi này, phần lớn cha mẹ không cho con trai mặc đồ lót. Giáo viên gặp khó khi dạy trẻ về khái niệm cơ bản “khu vực đồ lót” ở đâu, thế nào là xâm hại. Về tâm lý chung, người có con gái thường quan tâm, lưu ý về giới tính, nhưng với con trai hay “mặc kệ”.

Điều này dẫn đến bé trai lớn lên trong thiếu hiểu biết. Cụ thể, ở câu chuyện này, khi bị thầy hiệu trưởng xâm hại, học sinh không nhận thức được rõ ràng, thậm chí các em nghĩ rằng “dùng tay” thì không phải bị xâm hại. Các em cũng không biết tự bảo vệ mình, cũng như không dám kể chuyện với người thân.

TS Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên, dù bé trai hay gái cũng cần được dạy về giới tính, nguy cơ và cách xử lý khi bị xâm hại.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng An cho rằng cha mẹ cần trang bị kiến thức, kỹ năng để truyền đạt, bảo vệ con, phòng ngừa xâm hại, bạo lực. Người lớn nên dạy trẻ từng bộ phận trên cơ thể, tuyệt đối không được cho ai động chạm những chỗ "nhạy cảm", cũng như các biện pháp tự vệ.

Giáo dục nhà trường hiện nặng về truyền đạt kiến thức học thuật mà chưa chú trọng rèn đạo đức, kỹ năng để học sinh tự bảo vệ. Thực tế, nhiều học sinh vẫn có tư duy coi thầy cô giáo là nhất, giáo viên bảo gì các em cũng nghe. Trước đó không lâu, vụ việc cô giáo bắt học sinh tát bạn tới 231 cái ở Quảng Bình cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành giáo dục.

Trong xã hội, đội ngũ phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục còn lỏng lẻo. Ông An nhấn mạnh cần tuyên truyền rộng khắp cho các gia đình, thầy cô, đồng thời giám sát về pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em, phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP