Danh Nhân

Hành trình tìm mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Sau hơn 68 năm kể từ ngày cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị giặc Pháp hành hình, tin hài cốt của ông vừa được tìm thấy tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM đã làm nức lòng những người con vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, hành trình tìm kiếm hài cốt của ông đã kéo dài suốt 8 năm và được thực hiện bởi những thành viên của dòng tộc họ Hà – những người luôn có một niềm tin vững chắc rằng sẽ tìm được hài cốt người thân.

Có mặt tại TPHCM trước ngày chính thức làm lễ truy điệu và di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập là những thành viên đóng vai trò chủ đạo và trực tiếp tham gia vào hành trình tìm kiếm hài cốt. Đó là ông Hà Văn Sỹ, ông Hà Huy Lợi, ông Hà Vĩnh Tân và anh Hà Huy Thanh. Họ đã kể cho phóng viên Báo SGGP câu chuyện về cuộc hành trình tìm mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Cuộc tìm kiếm 8 năm


Ông Hà Văn Sỹ nhớ lại: Ngay từ năm 2001, con cháu họ Hà đã bắt đầu đi tìm kiếm hài cốt của cụ Hà Huy Tập. Khi chúng tôi đem vấn đề này hỏi một số người quen thì ai cũng bảo rằng: Mấy chục năm rồi, cơ hội tìm thấy rất mong manh vì ít ai còn sống để nhớ được ông Hà Huy Tập được mai táng ở đâu. Hơn nữa, xương cốt chưa chắc đã còn nguyên vẹn. Nghe vậy, con cháu họ Hà tạm gác ý tưởng đó lại mà trong lòng vẫn còn canh cánh một nỗi buồn…


Đến năm 2005, vô tình ông Sỹ gặp một người bạn vừa tìm được hài cốt người thân. Ông lại tiếp tục nuôi hy vọng là tìm được hài cốt của ông Hà Huy Tập. Lúc bấy giờ, ông và ông Hà Huy Lợi – một thành viên khác của gia tộc họ Hà bắt đầu vào TPHCM, tìm về Hóc Môn để lần theo những vết tích do lịch sử ghi lại.


Ông Lợi nhớ lại: “Chúng tôi tìm đến Hóc Môn, tìm thêm thông tin từ chính quyền, người dân địa phương và những nhà ngoại cảm. Một thông tin được đưa ra là tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn có một người đàn ông tên Chín Giỏi – người từng được bà ngoại kể cho nghe chuyện xử tử các chiến sĩ Nam kỳ. Chúng tôi đã tìm đến tận nhà ông Chín Giỏi và nhờ ông dẫn đến Bến Tắm Ngựa (thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), nơi chôn cất cụ Hà Huy Tập”. Lúc này, những người con của họ Hà (ở Hà Tĩnh) hiện sống ở mọi miền đất nước, nghe được thông tin về cuộc tìm kiếm hài cốt đều bày tỏ tâm nguyện được giúp sức. Đội tìm kiếm gồm những thành viên nhiệt tình nhất đã ra đời. Dù làm nhiều công việc khác nhau nhưng tất cả đều chung lòng, người góp công, người góp của bắt đầu đẩy nhanh cuộc tìm kiếm.


Nhờ sự giúp sức của những nhân chứng còn sống tại địa phương, kết hợp với thông tin của một số nhà ngoại cảm, đội tìm kiếm đã “khoanh vùng” được vị trí cần tìm nằm trong phần công trình phụ của một nhà dân.


“Từ khi xác định được vị trí, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với chính quyền xã, huyện và thuyết phục chủ nhà cho khai quật. Thời gian này, đội tìm kiếm nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương và gia đình có phần đất được xác định có nhiều khả năng sẽ tìm thấy hài cốt cụ Hà Huy Tập”, ông Hà Văn Sỹ cho biết thêm. Xác định “vị trí CX”


Kế hoạch đã xong, chỉ còn chờ ngày bắt tay vào khai quật. Đội tìm kiếm quyết định khai quật vào đúng ngày kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa. Thời gian dự kiến vào lúc 3 giờ ngày 22-11-2009.


Anh Hà Huy Thanh, thành viên trẻ nhất trong đoàn tìm kiếm nhớ lại: “Đêm trước ngày khai quật, chúng tôi đã đến khu vực gần Bến Tắm Ngựa để chuẩn bị mọi thứ. Anh em chúng tôi không ai ngủ được. Khoảng 12 giờ đêm, mấy anh em rủ nhau ra uống cà phê. Trong lòng mỗi người đều theo đuổi những suy nghĩ riêng. Có một cảm giác thiêng liêng khó diễn tả khi chúng tôi đang đứng tại mảnh đất mà 68 năm trước, cụ nhà chúng tôi đã hy sinh.


Một người trong họ cất tiếng hỏi: “Anh sẽ nghĩ gì nếu ngày mai phải ra pháp trường xử bắn? Tôi chỉ cười và nghĩ rằng: Khi con đường cách mạng đã xác định rõ thì có lẽ ai ở vào hoàn cảnh ấy cũng sẽ thấy lòng thanh thản. Sử sách cũng đã viết rằng: cụ nhà chúng tôi đã xem cái chết như một chuyến đi xa”. Đúng 3 giờ 5 phút ngày 22-11-2009, sau khi đã làm lễ, thắp hương, đoàn tìm kiếm đưa máy xúc và bắt đầu đào trong chu vi khoảng 100m2, nơi được cho là “vị trí CX” (vị trí chính xác). Sau khi lật được lớp đất mặt, nhiệm vụ của máy đào kết thúc và chúng tôi bắt đầu đào bới thủ công. Những người trực tiếp tham gia đào đều là con cháu họ Hà.


Khu vực Bến Tắm Ngựa trước đây vốn là một vùng sình lầy. Theo thời gian, người dân đã đổ cát, đất, đá để san lấp, cộng với lưu lượng xe qua lại thường xuyên đã khiến việc khai quật khá khó khăn. “Tổng cộng, những người tham gia đào phải thay 3 lần áo vì mồ hôi tuôn ướt đẫm” – anh Hà Huy Thanh nói. Ròng rã cả ngày trời, đến khoảng 19 giờ, khi đào xuống độ sâu 2,5m, một người trong đội tìm được mảnh xương ống chân. Ông Hà Văn Sỹ kể: “Lúc đó, tất cả chúng tôi như quên hết mệt nhọc, bỏ hết dụng cụ, cuốc xẻng để đào bới bằng tay. Hơn 4 tiếng đồng hồ sau, vào khoảng 23 giờ, chúng tôi tiếp tục tìm được xương đốt ngón tay. Hy vọng mỗi ngày một lớn. Mọi người lặng đi.


Đến khi có người đưa cho tôi một đoạn tre dài khoảng 12cm, đã gần hóa thạch thì tôi nghe như tim mình ngừng đập một nhịp. Đây là bằng chứng xác thực để tin rằng bộ hài cốt được tìm thấy là của chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa bị giặc hành hình.


Theo lời kể của người dân địa phương, ngày trước, sau khi xử bắn các chiến sĩ Nam kỳ, giặc Pháp đã đem chặt đầu rồi bêu trên cọc tre để thị chúng. Chờ đến đêm khuya, người dân ở gần đó mới nhặt xác và đầu rồi nối lại bằng một thanh tre. Sau đó, bà con mới bí mật đem chôn. Thanh tre này chúng tôi dự kiến sẽ tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.


Sau khi tìm được đoạn tre, quá trình tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn. Không lâu sau đó, chúng tôi tìm được phần xương sọ, xương bả vai, xương cánh tay và xương sườn. Lẫn trong đất đá, đội tìm kiếm còn tìm được cả những mảnh đạn. Đúng 1 giờ 30 phút ngày 23-11-2009, việc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập kết thúc. Đến lúc này, những người có mặt tại hiện trường đều bật khóc. Kể cả những người thường ngày vốn ít thể hiện cảm xúc thì hôm nay cũng xúc động rơi lệ…


M.HƯƠNG – T.THẢO

SGGP

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP