Vợ chồng chị Thủy trong buổi chụp hình cưới trước sự kiện. Ảnh: NVCC |
Mặt biến dạng sau vụ cháy
Ngày còn nhỏ, chị Thủy vốn được mọi người nhận xét là cô bé xinh xắn. Có lẽ chị sẽ chẳng phải trải qua những tháng ngày cực nhọc nếu không gặp phải một tai nạn ngày nhỏ. Đó là năm chị lên 2 tuổi, vào ngày Tết, trẻ con trong xóm đốt pháo nghịch ném vào nhà khiến nhà chị bị cháy. Khi ấy chị Thủy không chạy kịp nên bị bỏng. Dù cứu được tính mạng nhưng tai nạn đã khiến cả khuôn mặt và hai bàn tay của chị bị bỏng.
Chạy chữa suốt hai năm ròng, bố mẹ chị đã phải vay mượn rất nhiều song chị vẫn buộc phải cắt bỏ các ngón tay vì hoại tử. Ngay cả bàn chân bị bỏng, gân co hết khiến chị đi lại cũng khó khăn. Vậy là tuổi thơ, chị lớn lên trong sự mặc cảm, tự ti bởi luôn bị người khác đem ra trêu chọc.
Đôi bàn tay đã mất ngón, để có thể cầm nắm, tập viết chị nỗ lực rất nhiều. Học đến lớp 8, chị xin nghỉ học, phần vì gia đình khó khăn phần vì nghĩ học nhiều sau này cũng không ai nhận mình vào làm. Ban đầu chị xin đi học làm nghề in giấy tiền vàng mã. Sau được bố khuyên, con gái cần có cái nghề để làm chủ bản thân nên chị xin đi học may. Thế nhưng gõ cửa khắp nơi, nơi nào người ta cũng ái ngại bảo chị: “Em không học được nghề may đâu, đừng học cho phí tiền. Người lành lặn còn khó làm nữa là em”.
Để chứng minh cho mọi người thấy mình là một cô gái tàn nhưng không phế, chị quyết tâm học may bằng được. Chị nhờ bố mua sách về tự học may rồi xin những mảnh vải vụn của hiệu may về khâu ghép thành vải để cắt. Không có máy khâu, chị ngồi khâu thành quần áo. Chị đặt người ta làm riêng cho mình chiếc kéo để có thể tì bàn tay không có ngón và cắt vải như một người thợ may bình thường. Với quyết tâm cùng niềm khát khao vươn lên, chị đã thành công. Đến giờ chị cũng đã gắn bó với nghề may được 13 năm. Tay nghề cắt may của chị không thua kém gì với người lành lặn, giá thành rẻ nên chị luôn đông khách.
Sự sắp đặt của số phận
Khi càng lớn, ý thức về sự thiệt thòi, khiếm khuyết hình thể khiến chị Thủy nhiều khi tủi thân. Chị không dám nghĩ tới việc lấy chồng bởi mặc cảm về ngoại hình và nghĩ rằng chẳng ai muốn lấy một người khuyết tật như chị. Vì thế, chị đã “đi kiếm” một đứa con ở bên ngoài, một mình vượt cạn và làm mẹ đơn thân.
Những ngày tháng đầu làm mẹ đơn thân với chị vô cùng vất vả. Không có sữa, chị phải “nuôi bộ” hoàn toàn. Để lo cho cuộc sống hai mẹ con, bé được 16 ngày tuổi chị quay trở lại công việc. Đến khi cháu tròn 6 tuổi, chị Thủy đi thuê nhà vừa đi làm vừa nuôi con một mình. Khó nhọc là vậy, chị vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi có con bên cạnh.
Suốt 12 năm, chị cứ nghĩ sẽ chỉ có hai mẹ con dựa vào nhau. Nhưng khi gặp anh Nguyễn Văn Bá, cuộc sống của chị đã thay đổi, trái tim chị được đánh thức. Anh Bá quê ở Hà Tĩnh, trước là bộ đội, sau một tai nạn anh phải ngồi xe lăn vĩnh viễn, mất đi 95% sức khỏe.
Chị Thủy kể, chị quen anh qua giới thiệu của một người bạn, khi đó bạn chị nằm cùng phòng điều trị với anh Bá ở Viện Bỏng Quốc gia. Qua lời kể của người bạn, cảm thương hoàn cảnh của anh Bá, chị lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm anh đang điều trị ở bệnh viện. Qua những lời chuyện trò, trái tim chị như bị bóp nghẹt vì thương cảm người đàn ông ở trước mặt mình phải chịu đựng đau đớn bệnh tật suốt 19 năm qua. Cũng hôm đó, chị ở lại bệnh viện nguyên một đêm để chăm nom anh. Sau cuộc gặp gỡ “định mệnh” đó, ngày nào anh chị cũng nhắn tin, gọi điện. Tình cảm đôi bên càng gắn kết.
Ngày anh Bá ra viện, chị Thủy về Hà Tĩnh thăm anh. Sau một tuần về thăm quê anh, chị xác định sẽ lấy anh làm chồng. Khi hai người quyết định tới với nhau, gia đình hai bên đều không ai đồng ý vì sợ cặp đôi sẽ khổ. Bởi vợ thì yếu, chồng lại tàn tật, cả nhà sợ hai đứa khổ nên phản đối. Nhưng sau một thời gian thuyết phục, thấy được tình cảm của hai đứa nên mọi người cũng đồng ý.
Hai anh chị cũng phải chịu rất nhiều áp lực từ họ hàng, làng xóm, miệng lưỡi cay nghiệt của thế gian. “Người đi đường biết còn bảo tôi dở hơi khi lấy người tàn tật như anh. Có thể người khác sẽ nản bỏ anh, nhưng tôi thương anh từ tận đáy lòng chứ không phải ham giàu sang phú quý, mà thực chất anh cũng đâu có thứ gì đáng giá chứ. Nhìn anh thế thôi chứ anh sống nhẹ nhàng, tình cảm, quan tâm và thương con riêng của tôi lắm”, chị Thủy tâm sự.
Đám cưới “vắng” chú rể
Từ lúc anh chị quen nhau đến khi cưới vỏn vẹn đúng 2 tháng. Ngày cưới của anh chị là một ngày rất đặc biệt, đến giờ mọi người vẫn chẳng thể quên. Chị Thủy vẫn nhớ hôm đó là ngày 22/8/2017 trời mưa to gió lớn, cũng là cơn bão to thiệt hại nặng nhất Hà Tĩnh. Bão to đến mức, có lúc ô tô không đi được, nhà anh bị ảnh hưởng sập cả nhà.
Trong ngày cưới, chị không được sánh đôi cùng chú rể vì anh không đi được. “Chú rể” khi ấy là chính anh em, bạn bè của anh từ Hà Tĩnh ra Hải Phòng đón dâu hộ. Chưa hết, đêm tân hôn, anh bị đau bụng dữ dội, không tự chủ được đại tiện cả cả giường làm nửa đêm cô dâu mới lọ mọ vệ sinh cho anh rồi thay chăn ga giường.
Khi cưới nhau không được bao lâu, anh Bá phải đi nằm viện mổ sỏi bàng quang, vợ chồng lại đưa nhau đi viện. Dù có vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn luôn san sẻ, chẳng bao giờ to tiếng. Hơn hết, chị cảm thấy bình yên khi có tình yêu của anh đồng hành. Vợ chồng chị hiện sinh sống tại thôn Hòa Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc sống trông vào tiệm may nhỏ của chị. Tiền nong kiếm được bao nhiêu chị đều đổ vào chăm sức khỏe cho anh và nuôi các con ăn học.
“Ở bên anh, mình cảm thấy bình yên. Anh vậy nhưng còn chăm cho mình nhiều hơn. Mình ốm anh nhớ giờ cho mình uống thuốc, động viên khi công việc áp lực, rồi nấu những bữa cơm ngon cho vợ con. Dù không chung dòng máu, anh rất thương con trai mình và con trai cũng rất yêu bố. Cậu luôn ước sẽ có một chiếc xe lăn mới để bố tiện đi lại”, chị Thủy nói trong niềm hạnh phúc.
Sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả chờ đón anh chị ở chặng đường phía trước nhưng trong căn nhà nhỏ của anh chị ngày ngày luôn rộn rã tiếng cười và tràn ngập niềm hạnh phúc. Cuối câu chuyện, chị Thủy nói về dự định trong tương lai muốn sinh thêm một em bé và sửa sang lại căn nhà cho vững chắc vì Hà Tĩnh là rốn bão mà nhà chị là nhà cấp 4, mưa gió rất dễ sập nhà. Chị cũng chỉ mong muốn có thật nhiều sức khỏe để làm việc, kiếm tiền chăm sóc cho gia đình nhỏ. Mong rằng ước vọng của chị sớm thành hiện thực để tổ ấm ấy càng đầm ấm.
Tác giả: Phương Thuận
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội