Kinh tế

Hàng loạt chính sách kinh tế có hiệu lực ngay đầu năm mới 2018

Ngay từ ngày 01/01/2018, nhiều chính sách, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ về kinh tế sẽ có hiệu lực, quan trọng nhất là hành lang pháp lý liên quan đến cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DN), đầu tư vào ngành dầu khí, tăng lương tối thiểu cho người lao động theo các vùng miền cụ thể.

Cấm doanh nghiệp sổ số kinh doanh ngoài ngành

Cụ thể, Nghị định 122/2017/NĐ-CP quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số.

Nhiều chính sách kinh tế sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2018

Theo đó, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xổ số chỉ được đầu tư ra bên ngoài đối với các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xổ số. Trong đó quy định cụ thể về các nghĩa vụ của Vietlott đối với ngân sách nhà nước. Cụ thể, Vietlott thực hiện phân bổ các khoản thuế phải nộp vào ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên từng địa bàn.

Ngoài ra, Nghị định trên cũng đưa ra nhiều chính sách về hoạt động của các Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về trách nhiệm với Nhà nước, xã hội và người tham gia lưu ký và kinh doanh chứng khoán.

Sửa đổi cho thuê đất, mặt nước để kinh doanh

Cũng từ 1/1/2018, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước có hiệu lực.

Quy định mới của Chính phủ cụ thể hóa nhiều chính sách giao đất, chuyển đổi đất và cho thuê đất nông nghiệp. Đồng thời, quy trách nhiệm đối với cơ quan quản lý đất đai địa phương, người đứng đầu nếu xảy ra trường hợp chuyển đổi chậm, sai mục đích đất đai tại địa phương. Ngoài đất đai, Chính phủ quy định chính sách thuê mặt nước để kinh doanh trong đó có nhiều quy định cụ thể về trường hợp thuê ngắn hạn, dài hạn.

Cũng từ 1/1/2018, nhà đầu tư dầu mỏ, khí đốt được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam. Tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.

Hàng miễn thuế vào Việt Nam, ô tô cũ đắt như xe mới

Cũng từ ngày 1/1/2018, biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực. Theo quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP, các sản phẩm được hưởng mức thuế quan ưu đãi trong xuất nhập khẩu là các mặt hàng thông thường, mặt hàng xuất nhập khẩu sang Hàn Quốc, ASEAN và theo thỏa thuận của WTO.

Ngoài ra, hàng loạt quy định về thuế nhập khẩu ô tô cũ được đưa ra, theo đó ô tô cũ về Việt Nam có thể cộng thêm giá trị tuyệt đối quy đổi, thuế tương ứng với xe mới có cùng dung tích xi lanh. Các loại xe cũ nhập về Việt Nam theo quy định mới có thể đắt ngang ngửa với xe mới cùng loại.

Từ ngày 1/1/2018, hàng loạt quy định mới về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.

Doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ phải chuyển sang công ty cổ phần

Theo đó, DN Nhà nước được chuyển thành công ty cổ phần là DN không thuộc diện nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục DN này được Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ cụ thể.

Nhà nước sẽ không cấp thêm vốn để DN cổ phần hoá, kể cả các DN theo quy định của Thủ tướng về ban hành tiêu chí, danh mục, phân loại doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa thuộc diện Nhà nước nắm giữa trên 50% tổng số cổ phần.

Từ 1/1/2018, các vi phạm về đầu tư xây dựng sẽ bị xử phạt rất nặng, mức xử phạt tối đa trường hợp vi phạm có thể là 1 tỷ đồng. Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/1/2018, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các quy định bao gồm: Khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Tăng lương cho người lao động từ 180.000 đến 230.000 đồng/tháng

Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức

Cũng từ ngày 1/1/2018, sẽ tăng lương tối thiểu vùng từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng/tháng/người lao động tùy theo từng vùng cụ thể. Theo quy định tại Nghị định số 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP