Tin Hà Tĩnh

Hàng loạt bến xe ở Hà Tĩnh “chết lâm sàng”

Hàng loạt bến xe khách tuyến huyện tại Hà Tĩnh được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, khiến nhiều hạng mục công trình xuống cấp trầm trọng.

Việc quản lý hoạt động bến bãi đạt hiệu quả đang là bài toán khó đối với các ngành liên quan ở tỉnh Hà Tĩnh.

Được đầu tư 30 tỷ đồng và chưa kịp hoạt động, bến xe Cẩm Xuyên đã bị bỏ hoang 6 năm nay.


Đìu hiu bến xe tuyến huyện

Bến xe thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh có diện tích 15.000m2, hoạt động từ cuối năm 2011. Trong thời gian đầu, bến xe này quản lý khoảng 50 đầu xe, nhưng từ năm 2013 chỉ còn 7 đầu xe ra vào bến. Đặc biệt, vài năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, xe ra vào bến còn vắng vẻ hơn trước.

Theo tìm hiểu của Phóng viên DĐDN, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do có nhiều điểm bán vé xe liên tỉnh đặt ở ngoài đường. Vì thế, khi đón xe, hành khách chỉ chờ ở điểm bán vé. Ngoài ra, các nhà xe còn sử dụng dịch vụ đón khách tận nhà nên lượng khách vào bến rất ít.

Mặc dù các bến xe rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, nhưng năm 2014 tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục cho xây mới bến xe Cẩm Xuyên với diện tích 5.000m2. Dự án có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng do Ban quản lý bến xe Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Điều đáng nói là sau khi xây dựng hệ thống nhà điều hành và đang chờ hoàn thành thủ tục đấu nối với quốc lộ 1A để đưa vào sử dụng, thì dự án này bất ngờ dừng lại và bỏ hoang cho đến nay, khiến nhiều nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, huyện đề xuất UBND tỉnh, Sở GTVT hoàn thiện các hạng mục còn thiếu, kiện toàn lại ban quản lý để bến xe hoạt động trở lại. Tuy nhiên đến nay, chưa có kết quả.

Chờ phương án từ tỉnh

Không chỉ bến xe Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên mà tình trạng này diễn ra tại các bến xe tuyến huyện khác như Đức Thọ, Hương Sơn… Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có 7 bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, trong đó có 6 bến xe thuộc tuyến huyện, thị xã và 1 bến xe trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Ngoài bến xe trung tâm thành phố, thì cả 6 bến xe này đều rơi vào tình trạng động cầm chừng hoặc bỏ hoang.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban quản lý bến xe khách Hà Tĩnh cho biết, hiện Ban đang quan lý 6 bến xe khách trên địa bàn Hà Tĩnh. “Thông thường, bến chính có doanh thu cao hơn sẽ bù cho các bến phụ thuộc tuyến huyện. Tuy nhiên từ khi bến xe thành phố Hà Tĩnh được cổ phần hóa và tách riêng, thì các bến xe còn lại khó khăn hơn, nhất là vài năm lại đây, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến hoạt động vận tải hành khách trở nên điêu đứng. Trước đây, một số bến xe chạy được 6 – 7 xe/ngày nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1 – 2 xe/ngày”, ông Trung thông tin.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, đây là tình trạng chung của cả nước, chứ không riêng gì Hà Tĩnh. Bến xe là một kết cấu hạ tầng giao thông nên không thể bỏ được mà chỉ tồn tại ở hình thức này hay hình thức khác. Các địa bàn trong tỉnh đều cần phải có các bến xe thì mới có thể phát triển được đường xá, cơ sở hạ tầng, điểm xe tập kết để phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân. “Chúng tôi vẫn đang chờ tỉnh có phương án sáp nhập hoặc cổ phần hóa các bến xe để tiếp tục hoạt động”, ông Trung cho hay.

Tác giả: Tâm Đan

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP