Danh Nhân

Hà Tông Mục, người được thờ sống

“Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hòa mục với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy”.



“Thờ sống” bằng tình cảm hay dựng đền thờ thật thờ người lúc sống là một tục lệ, một sự tôn vinh của nhân dân ta trước đây đối với những người có công lao đối với nhân dân, với đất nước.
Thờ, phong thần sau lúc mất thì nhiều, nhưng được thờ lúc sống thì rất ít.

Cụ Hà Tông Mục của họ Hà là một trong số ít người được thờ sống.
Hà Tông Mục húy Lệnh; tự Hậu Như; hiệu Thuần Như, Chuyết Trai, Độn Phủ; thụy Mẫn Đạt sinh ngày 20-10-1653 (25-9 âm lịch), mất năm 1707, là cháu đời thứ 7 của Thượng thư Hà Công Trình.Là người thông minh từ nhỏ, 7 tuổi thông Thi, Lễ; 11 tuổi thuộc văn sách. Năm 33 tuổi (1688) đỗ tiến sĩ, được dự kỳ thi Ứng Chế. Ứng Chế là khoa thi do vua ra đề bài và làm chủ khảo, dành cho các tiến sĩ mới đỗ. Vua Lê Huy Tông chấm Hà Tông Mục đỗ đầu. Tiếp đó, lại đỗ khoa Đông các, khoa thi cũng do vua làm chủ khảo dành cho những tiến sĩ đã làm quan. Từ nhỏ đến lớn thi đâu đỗ đấy và thường đỗ cao, nên trong văn bia dựng tại quê nhà có đoạn đánh giá về ông như sau: “Kiện tướng chốn khoa trường, bậc minh hương nơi văn tự… , lòng nhân vang rộng khắp, dồn sức lực vào việc quốc gia, kính trời, thương người”…
Ông là người văn võ song toàn, giữ nhiều chức quan, được giao nhiều công việc hệ trọng và lập nhiều công trạng.

Ông từng là Biên tu Quốc sử quán, một trong các tác giả của bộ lịch sử nổi tiếng nhà Lê, làm cơ sở sử liệu cho nhiều đời sau là “Đại Việt sử ký tục biên”. Ông là người soạn văn bia chùa Hồng Phúc (nay vẫn còn tại phố Hồng Phúc, Hà Nội). Phúc diễn vô cương và Thịnh đức hoành công là những áng văn biền ngẫu đặc sắc, bày tỏ lòng nhân từ, Phật tính và lịch sử địa phương Hà Nội. Làm Phủ doãn Phụng Thiên (Tổng đốc Hà Nội), tài nội trị giúp ông đem lại cảnh thái bình, thịnh trị cho đế kinh. Làm Đốc đồng rồi Tuần phủ một vùng phương bắc, ông dốc sức dẹp loạn.
Năm 1699, đấu tranh ngoại giao với Sầm Trì Phượng nhà Thanh để lui giặc, giữ yên bờ cõi.Sử cũ chép: “Năm Kỷ Mão Chính Hòa Thứ 20 (1699), mùa Hạ, tháng 4, sai Hà Tông Mục và Nguyễn Hành kinh lý vùng biên giới Tuyên Quang. Bấy giờ Sầm Trì Phượng ở châu triều Trấn Yên của nhà Thanh nhiều lần đem quân lấn chiếm và quấy rối vùng biên giới Bảo Lạc xứ Tuyên Quang. Quân đóng giữ ở đây không thể chế ngự được, bèn sai Hà Tông Mục và Nguyễn Hành đi kinh lý vùng đất đó. Tông Mục gửi thư cho Trì Phượng. Hiểu được mọi lý lẽ sự việc, Trì Phượng trả lời thư có ý hổ thẹn và tạ lỗi, xin rút quân về. Dân biên giới lại yên ổn như cũ…”
Năm 1702, được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, ông đã đặt nền móng cho bang giao hữu nghị giữa hai nước, kéo dài thời kỳ hòa bình ngót một thế kỷ.
Khang Hy, vị vua nổi tiếng nhà Thanh thời thịnh trị, đã rất cảm phục ông, tự tay đề tặng ba chữ “Nhược Xung Hiên” (若 冲 軒), có nghĩa là Thông minh, khiêm nhường mà khí phách cao cả”. Ba chữ này được Quốc Tử Giám Trung Quốc khắc gỗ, sơn son, thành bức đại tự, hiện còn được thờ ở Đền thờ Hà Tông Mục.
Là một tài năng quân sự, chính trị, ngoại giao và văn học lỗi lạc; có nhiều công lao đối với đất nước; được triều Lê truy tặng chức Công Bộ Thượng thư, triều Nguyễn sắc phong là “Đoan Túc Dực bảo Trung hưng thần”, “Quang Ý trung đẳng thần”. Đền thờ Hà Tông Mục, Bia Sùng Chỉ đánh giá công lao của Hà Tông Mục như sau: “Công lao khắp xã tắc, khắc chữ vào vạc, ghi tên lên cờ để chiếu sáng cho hậu thế và lưu lại đến vô cùng, há chỉ khoe trong một lúc, thờ trong một làng thôi sao!”
Và do “Công đối với quê hương ơn sâu đức dày, có nhiều công ngăn trừ tai họa, xóm làng đều bội phục, xin tôn thờ ông và phu nhân làm Hương tổ Phụ Mẫu, nhưng Công đã từ chối việc đó. Phải nài xin đến ba, bốn lần, Công khen là có hậu ý lại ra ơn cho 8 mẫu ruộng tốt, 4 khoảnh ruộng vụ Thu để lo nếp xôi. Người làng càng vui mừng, bèn lập sinh từ, đặt tên Sùng Chỉ”.
Nhà báo Phạm Phú Bằng, báo Quân đội Nhân dân, khi đọc bản Di chúc của cụ Hà Tông Mục, đã rất cảm động khi thấy chia đều ruộng đất cho con cái không phân biệt gái trai, lại còn thương thêm cho thứ nữ Hà Thị Chuyên 5 sào và cho một mẫu để phụ thêm quần áo… (Hà Thị Chuyên là người đẹp người, đẹp nết nhưng sống giản dị, chỉ làm điều thiện). Hơn nữa đấy là tình nghĩa, là đạo hiếu với gia đình. Phạm Phú Bằng đã trích Di chúc và có lời bình sau, xin được trích để bạn đọc cùng tham khảo:“Danh vọng của ta là do hai bà mẹ, một là bà mẹ sinh ra ta và một bà họ Đỗ (mẹ vợ) cần được ghi nhận và tế tự cùng tổ tiên muôn đời không được lãng quên. Làm trái điều đó là phạm vào tội bất hiếu. Dù ta có linh thiêng ở nơi chín suối cũng không được yên lòng. Các con cháu hãy ghi nhớ lấy”.
Trong di chúc của cụ Hà Tông Mục còn dành một phần đất đai, tiền nong không nhỏ chia cho nhân dân hai làng quê hương dùng để tế Thánh, tế Thần, tế Phật và cũng là để bà con cưu mang đùm bọc nhau khi hạn hán, lũ lụt.
Mấy mảnh giấy nhàu nát ở đền thờ họ Hà cứ vò xé chẳng để cho lòng người ngày nay được yên.Bây giờ cứ nhìn ngang dọc, và nhìn lên trên, chẳng thiếu nơi cha mẹ mới bệnh nặng nằm xuống con cái đã đánh nhau. Vì một căn biệt thự, vì mấy mét vuông mặt tiền, vì một nẻo vườn, thậm chí vì cả một cái xó bếp, chuồng heo mà cửa nhà tan nát, mất mặt họ hàng, ai trong cảnh vô phúc đó thì có con cũng chẳng khác gì tuyệt tự.
Tôi ghi bản Di chúc trăm năm của Hà Công, hẳn là gia bảo, có còn được nên xem là quốc bảo?” ./.

Nguyễn Sĩ Đại

DVT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP