Việc nhiều trường học ở Hà Tĩnh đang khuyết hiệu trưởng khiến hiệu phó phải kiêm một lúc hai công việc đồng thời chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ mọi hoạt động của nhà trường, dẫn đến kém hiệu quả trong việc quản lý và giảng dạy chuyên môn của trường.
Trường THCS Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh
Thực trạng đó xảy ra tại Trường THCS Hương Trà, thầy Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng được nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 10/2015. Đến nay, đã gần 13 tháng qua, thầy Trần Phú Long, Phó hiệu trưởng được UBND huyện Hương Khê ra quyết định giao quyền điều hành toàn bộ mọi hoạt động của nhà trường.
“Khoảng 3 – 4 tháng sau, Chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng GD huyện Hương Khê đã trực tiếp đến trường để nắm bắt tình hình. Về tổng thể thì không có gì khó khăn nhưng để một người đảm nhiệm cả công việc điều hành và công việc chuyên môn nên không đạt hiệu quả cao. Một mình làm hai việc nhưng chỉ được hưởng trợ cấp chức vụ của hiệu phó, vừa qua cán bộ quản lý của ngành trong địa bàn huyện còn dôi dư, vì vậy nhà trường đã đề xuất xin thêm một phó hiệu trưởng để hỗ trợ công việc. Sau đó cô Phan Thị Giang đã được điều động về đây công tác”, thầy Long thông tin.
Lý do thầy Trần Phú Long, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hương Trà, nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Yên, đã nhiều tuổi, gần nghỉ hưu, không đủ thời hạn để bổ nhiệm hiệu trưởng nữa, nên có ý kiến là kéo dài thời gian để thầy đảm nhận công việc phụ trách trường.
Thầy Trần Phú Long, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hương Trà thông tin với báo chí
Tại Trường Tiểu học Phú Gia cũng thế, mặc dù thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Vinh đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 5/2016 nhưng đến nay vị trí hiệu trưởng vẫn còn bỏ ngõ.
“Để lý giải về sự chậm trễ trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng ở một số trường học trên địa bàn huyện, thầy giáo Trần Đình Hùng, Trường phòng GD-ĐT huyện Hương Khê cho biết: “từ trước đến nay, việc bổ nhiệm của cán bộ quyản lý giáo dục là lấy tín nhiệm của cơ sở giáo dục, của địa phương và phòng GD. Cách bổ nhiệm này có những hạn chế nhất định là đôi khi không phát huy được năng lực quản lý của người được bổ nhiệm”.
“Gần đây, đối với các trường THPT, Sở GD-ĐT đã tiến hành tổ chức thi tuyển. Để nâng cao chất lượng đối với đội ngũ quản lý, Phòng GD Hương Khê đã xin ý kiến Thường trực Huyện ủy, tham mưu Ủy ban huyện để xây dựng quy chế bổ nhiệm theo hướng đó và đang chờ ban hành quy chế chính thức. Vì chờ xây dựng xong quy chế rồi mới bổ nhiệm nên mới chậm như thế”, thầy Hùng nói thêm.
Bà Cao Thị Liễu – Trưởng phòng Nội Vụ huyện Hương Khê cho biết về quy trình thi tuyển hiệu trưởng
Để nắm rõ hơn về quy trình bổ nhiệm cũng như quan điểm chỉ đạo của UBND huyện, bà Cao Thị Liễu – Trưởng phòng Nội Vụ huyện Hương Khê cho hay: “Để nâng cao chất lượng giáo dục và vai trò người đứng đầu trên địa bàn, chúng tôi đã xin ý kiến Thường trực về việc bổ nhiệm cán bộ quản lý thông qua thi tuyển. Phòng GD cũng đã tham mưu dự thảo quy chế, nếu xây dựng xong quy chế thi tuyển rồi mới bổ nhiệm cán bộ quản lý thì sẽ kéo dài thời gian thì sẽ không kịp. Vì thế sắp tới chúng tôi sẽ trình UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo, cho phép bổ nhiệm theo kiểu truyền thống. Về việc chậm trễ này, chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm”.
Theo bà Liễu, quy trình bổ nhiệm được thực hiện hết sức chặt chẽ, nghiêm túc. Tuy nhiên thời gian qua, do phải tập trung công tác bầu cử, sau đó lại phải đối phó với lũ lụt kéo dài nên chưa triển khai được. Hiện tại công việc đã ổn định nên dự kiến trong tháng 11 này sẽ hoàn tất.
Để tập trung xây dựng phương án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và vai trò quản lý hiệu quả của người được bổ nhiệm là việc làm mang tính chiến lược cần thực hiện kịp thời.
Vũ Giang