Vượt qua chặng đường khá dài, chúng tôi cũng đã đến được xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi duy nhất sản xuất đũa từ cây cau rừng. Khi hỏi về người khai sáng ra làng nghề, một người dân địa phương đã dẫn chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Thanh, ở xóm 1.
Bà Thanh, người được cho là người khai sáng làng nghề làm đũa cau năng rưng. |
Dù đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy xưa nay hiếm, nhưng trông bà Thanh vẫn rất khỏe mạnh, dẻo dai. Bên những bó đũa đang vót dở, bồi hồi, bà kể lại: Trước đây, gia đình bà nghèo lắm, ngoài làm ruộng, trồng vài cây sắn thì ông Chiên (chồng bà Thanh) còn phải đi đốn củi đem bán. Quần quật quanh năm suốt tháng nhưng nhà vẫn không đủ ăn, cái đói cứ đeo bám dai dẳng. Rồi một hôm, vợ chồng bà nghĩ đến việc thử lên rừng đốn ít cây cau năng rưng, đem về vót thành đũa bán.
Nghĩ là làm, ngày hôm sau, ông Chiến đã lên rừng tìm cây cau năng rưng, đem về nhà vót thành từng đôi đũa, rồi đem đi bán. Kết quả ngoài sức mong đợi, ông bà đã bán được 50 đôi đũa ngay ngày đầu tiên. Kể từ đó, gia đình ông bà đã phát triển nghề này.
Những đôi đũa được làm từ thân cây cau năng rưng có màu vàng bóng tự nhiên rất đẹp. |
Thấy gia đình ông Chiên có nghề hay, lại cho thu nhập cao, một vài gia đình xung quanh đã sang học và được ông bà nhiệt tình truyền dạy cách làm đũa cau năng rưng. Ban đầu, chỉ vài nhà cạnh bên cạnh nhưng khi thấy việc sản xuất thuận lợi, dần dà cả xóm cùng theo ông bà học nghề làm đũa.
Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân xóm 1 cho hay: “Có nhiều loại đũa hiện nay chúng ta đang dùng, không đảm bảo vệ sinh, vì người sản xuất họ đã phun thuốc chống mốc và chống ẩm nên rất nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Nhưng với đũa cau rừng, chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, màu lại rất đẹp”.
Chị Liên cho biết thêm, đã hơn chục năm sống bằng nghề vót đũa, đến bây giờ nghề này đã trở thành nghề chủ đạo, mang lại thu nhập chính cho cả gia đình chị. Nhờ vậy, vợ chồng chị có thể nuôi được 5 đứa con ăn học, trong đó 4 đứa học đại học. Tất cả cũng nhờ vào đũa.
Nghề làm đũa cau đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. |
Ông Trần Văn Hành, theo nghề làm đũa đã hơn 10 năm chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công nhân, thu nhập không đáng là bao. Thấy người ta làm đũa có lời, nên tôi đã theo học nghề này. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện hơn nhiều”, ông Hành hớn hở nói.
Được biết, cứ 100 đôi đũa cau năng rưng có giá 300.000 đồng. Mỗi ngày, trung bình một người có thể làm ra khoảng 100 đôi đũa, trừ chi phí, còn lại cho thu nhập khoảng 150.000 đồng. Hiện, cả xã Phúc Trạch có khoảng 40 hộ gia đình lấy việc sản xuất đũa cau năng rưng làm nghề chính.
Theo người dân tại đây, để làm ra đũa thành phẩm phải trải qua các công đoạn: Cắt – chẻ – đẽo – bào phả – bào trau – mít – chà – phơi, trong đó bào trau là công đoạn quyết định của sản phẩm. Nếu gặp thời tiết mưa nhiều, phải sấy đũa bằng than vì đũa khô thì mới không bị mốc.
Do đặc tính đặc biệt của loại đũa này nên nó không chỉ được người dân ưa thích mua về sử dụng mà còn được mua để làm quà biếu cho người thân khắp mọi miền đất nước. Với những dịp cuối năm, nhu cầu về đũa cau lại càng cao, khách hàng phải đến để đặt trước thì mới có được. Thậm chí, nhiều gia đình phải tranh thủ làm thêm cả ban đêm vẫn không đủ đũa cho khách hàng.
Thân cây cau dùng để để làm đũa được lựa chọn rất kỹ càng. |
Theo tìm hiểu, cây cau rừng làm đũa được phải chọn lựa rất kỹ càng. Cau phải rất già, trên 20 năm tuổi, có đường kính từ 20 – 30cm và cao trung bình 7m (bởi chỉ có 2m cau gốc mới sử dụng để vót đũa được). Vì sự chọn lọc khá kỹ càng đó nên cau ngày càng khan hiếm.
Ông Phan Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc trạch, huyện Hương Khê cho biết: “Để giúp người dân sản xuất lâu dài, chúng tôi đã có quy hoạch những vùng đất để trồng cau lấy nguyên liệu nhưng hiện vốn đầu tư chưa có”.
Thiện Quyền – Ngân Hà