Tiên phong đi đầu
“Nghe thông tin huyện Vũ Quang đang quyết tâm trở thành huyện NTM. Cả xã, thôn và bà con ở đây đều rất cố gắng để đưa xã cán đích NTM và thôn trở thành khu dân cư kiểu mẫu. Bên cạnh việc tự chỉnh trang khuôn viên vườn hộ, hiến đất, tài sản thì mọi người đều tích cực đóng góp ngày công, tiền của để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang thôn xóm”, anh Nguyễn Xuân Hồng ở thôn 3, xã Sơn Thọ, tâm sự. Khái niệm huyện NTM không còn xa lạ với nhân dân Hà Tĩnh vì cả hệ thống chính trị đang hừng hực khí thế vào cuộc đẩy nhanh tiến độ, thi đua.
Huyện NTM cần phải được quy hoạch và phải được gắn kết liên thông các xã với huyện, huyện với huyện trong vùng, gắn kết với tỉnh về quy hoạch hạ tầng và phát triển sản xuất. Ông Trần Huy Oánh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó chánh văn phòng điều phối XDNTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Trên cơ sở dự thảo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh đã xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí huyện NTM với 10 tiêu chí, nhiều hơn Trung ương 2 tiêu chí (tiêu chí thủy lợi và khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu). Theo lộ trình, đến năm 2020, 7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM gồm: Vũ Quang, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên, TX.Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh về tiêu chí huyện NTM phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thiết thực, khả thi, rõ ràng, dễ hiểu và thuận lợi cho việc đánh giá chính xác, công bằng giữa các địa phương.
Thử nghiệm mô hình du lịch nông thôn mới
Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình XDNTM, Hà Tĩnh đã xây dựng được những “miền quê đáng sống” với hàng rào cây xanh; khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao khang trang, bề thế với nhiều hoạt động sôi nổi..
Mới đây, chúng tôi được tham gia chuyến khảo sát, thí điểm thực hiện mô hình du lịch NTM với chủ đề “Chiêm ngưỡng, trải nghiệm” do Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh tổ chức. Trong một ngày, các thành viên trong đoàn đã được tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm XDNTM, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; đặc biệt trải nghiệm một ngày làm nông dân trên ruộng lúa, vườn cây, tham gia xay lúa, giã gạo, nơm cá, nghe và thực hành lẩy Kiều, xẩm Kiều, trò Kiều, ngâm Kiều; nghe Ca trù; tham quan các điểm du lịch tâm linh,…
Nghi Xuân là địa phương đầu tiên được chọn thực hiện xây dựng mô hình để nhân rộng tại một số địa phương trong tỉnh bởi đây là huyện có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Người làm dịch vụ du lịch ở Nghi Xuân dù là những người nông dân bình thường nhưng rất văn hóa và có nhiều kinh nghiệm; vị trí địa lý giáp với TP. Vinh (Nghệ An), thuận lợi cho việc đi lại.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho hay, Nghi Xuân đang xây dựng điểm du lịch làng xã “chiêm ngưỡng, trải nghiệm” theo hướng làm cho du khách tò mò phải đến một lần và đã đến rồi sẽ muốn quay trở lại. Hiện Nghi Xuân đang chỉ đạo các xã khuyến khích, vận động mỗi thôn, xóm hình thành, duy trì một câu lạc bộ văn nghệ dân gian như Ví dặm Nghệ Tĩnh; Ca trù; Chèo; lẩy, vịnh Kiều… để phục vụ đời sống tinh thần cho người dân, đồng thời làm nền tảng cho phát triển du lịch….
“Dự kiến trong năm 2016, chúng tôi sẽ xây dựng các tour du lịch làng, xã NTM ở các huyện Thạch Hà, Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên. Trong đó, một số tour tuyến kết nối huyện với nhau như Đức Thọ – Nghi Xuân; Cẩm Xuyên – Thạch Hà; Hương Khê – Can Lộc. Mục đích của việc xây dựng mô hình du lịch làng xã là để xây dựng điểm đến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương; đồng thời, nâng tầm xã NTM để làm cơ sở phát triển giá trị văn hóa, du lịch, kinh tế theo hướng bền vững”, ông Oánh cho biết thêm.
Theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện được công nhận là huyện nông thôn mới phải có 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 9 tiêu chí sau đạt chuẩn theo quy định gồm: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; y tế – văn hóa – giáo dục; sản xuất; môi trường; an ninh, trật tự xã hội; chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. |
Trà Giang