Đó là tình cảnh đáng thương của bé Trần Đức Phát, 2 tháng tuổi, con trai chị Trần Thị Thắm ở xóm Song Giang, xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Rớt nước mắt trước cảnh bé Đức Phát ốm yếu, thét khóc vì khát sữa mẹ
Đọc xong lá đơn trình bày hoàn cảnh đầy nghiệt ngã của gia đình chị Trần Thị Thắm ở xóm Song Giang, xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chúng tôi phóng xe ngay về thăm nhà chị. Ghé một quán nước nhỏ bên đường, hỏi lối vào nhà chị Thắm, cụ bà trạc 70 tuổi nhiệt tình chỉ dẫn. Bà cụ lớm rớm nước mắt nói, gia cảnh chị Thắm tận cùng của nỗi bất hạnh, thằng bé mới sinh còn đỏ hỏn mà mẹ không có sữa, nhà không có cái ăn nên rồi không biết cháu nó sống được chừng nào.
Băng qua cánh đồng nhỏ tới nhà chị Thắm. Bước vào căn nhà xây cấp 4 thấp tè, xuống cấp rêu úa, một cảnh tượng khiến ai có mặt cũng không khỏi chạnh lòng, thương cảm. Bé Trần Đức Phát vừa tròn 2 tháng tuổi nhỏ thó như mèo con, nằm lọt thỏm giữa chiếc võng xếp cũ. Da bé xanh xao, nhợt nhạt, đầu nhễ nhãi mồ hôi. Bé Phát cứ khóc thét liên hồi. Thương em, người chị gái Việt Hà, năm nay lên lớp 9, cứ à ơi đu đưa chiếc võng ru bé ngủ, nhưng giọng người chị càng cất lên bé lại càng ngằn ngặt khóc. Mỗi lần bé thét khóc khuôn mặt với đôi mắt sáng trong của bé Đức Phát như biến dạng, trông bé thật tội nghiệp. Dễ bé cũng đã thét khóc như thế cả mấy chục phút đồng hồ nên giọng bé yếu ớt dần. Cùng cảnh nuôi con nhỏ, nên tôi hiểu, bé thét khóc, miệng cứ chúm chím liên hồi là do đói và khát thèm sữa mẹ.
Tiếng lạch cạch ngoài sân, đấy là những bước chân vội vã của chị Thắm. Nỗi đau chồng mất chưa nguôi, còn ốm yếu lắm, nhưng chị phải gắng gượng ra đồng tôm để xem có cái gì bán được đem bán để mua sữa cho con. Lau vội đôi tay thô ráp chị Thắm chạy nhào đến bên nôi, bế con trai bé bỏng lên ẵm vào lồng ngực. Chị vỗ về rồi vén áo cho con bú. Theo bản năng, bé Phát úp mặt vào ngực mẹ. Miệng bé cứ dắm díu, lắp bắp rồi ngậm ngon lành bầu vú mẹ. Tiếng nấc, tiếng bé nút sữa chum chúp sao quá thân thương. Bú chừng được vài phút nhưng vú mẹ không có sữa, bé Phát nhả ra rồi lại thét khóc mặc cho người mẹ cứ vỗ về.
Nghe mẹ bảo lấy hộp sữa bột pha cho em, bé Hà bước nhanh xuống bếp. Lục lọi một lúc, giọng đứa con gái lớn từ bếp vọng ra, “mẹ ơi sữa hết từ trưa rồi mà, mẹ đã mua đâu”. Lời con gái như cứa vào tâm can của chị Thắm, bởi lúc này chị biết lấy đâu ra tiền để mua sữa cho đứa con thơ. Người mẹ khốn khổ lớm rớm nước mắt bảo con gái lớn bế em rồi chắt ít nước cơm đang sôi, nếm thêm tí đường mớm cho con. Nhìn bé Phát miệng chúm chím nuốt ngon lành từng thìa nước cơm mà thương bé vô cùng.
“Cháu đã quen với cảnh này rồi chú ạ. Từ khi sinh ra cháu người chị không có sữa. Thương cháu chị đã làm đủ cách, ai bày cho cái gì chị cũng đã làm, nhưng sữa không có đủ cho cháu bú. Hai tháng nay cháu sống được là nhờ nước cháo, nước cơm, thi thoảng chị lại mua thêm sữa pha cho cháu, có hôm hết sạch sữa chị phải pha thêm nước đường mớm cho cháu uống. Cháu nó ốm yếu, khóc suốt ngày là vì thế. Thương con đứt cả ruột nhưng mẹ con chị chỉ biết cắn răng mà không biết làm sao” – chị Thắm nước mắt lưng tròng, giọng mếu máo nói về tình cảnh khát sữa của đứa con trai.
Chứng kiến cảnh tượng trong gia đình, nghe chị Thắm và cán bộ xóm Song Giang kể về biến cố, về nỗi bất hạnh của gia đình, đúng là hoàn cảnh của bé Phát, chị Thắm quá trớ trêu, nghiệt ngã. Anh Trần Đức Hiếu, chồng chị Thắm vốn là người tu chí làm ăn, đã vay mượn anh em, cầm cố nhà cửa vay mấy trăm triệu đồng để nuôi tôm. 3 năm bám hồ, mùa được không bù đắp nổi mùa mất, anh Hiếu đã phải tạm dừng cái nghề “đánh bạc với trời” này. Đang trong cơn túng quẫn, cách đây mấy tháng anh Hiếu lại phát bệnh. Đưa chồng đi khám khi bụng mang dạ chữa chị Thắm đã bàng hoàng khi được bác sỹ thông báo chồng bị ung thư gan giai đoạn cuối. Chống chọi được một thời gian anh Hiếu từ giã cõi trần, lúc đó bé Phát vừa sinh được hai tuần.
Chồng mất, nợ nần cứ thế thêm chồng chất với mẹ con chị. Gánh khoản nợ hơn 300 triệu đồng, nuôi mẹ già 80 tuổi, nuôi đứa con trai thứ 2 bị bệnh thiểu năng trí tuệ đã khiến chị Thắm không còn chút sức lực. Hai tháng nay cả nhà chị sống được là nhờ bó rau trong vườn và sự giúp đỡ của bà con lối xóm. “Tội nghiệp mẹ con chị ấy vô cùng. Chồng mất, nợ nần chồng chất một mình chị nuôi mẹ già và 3 đứa con nhỏ. Bà con lối xóm người giúp đỡ ký gạo, người hỗ trợ ít tiền mua mắm sống qua ngày. Thấy mẹ con chị không biết xoay đâu ra tiền để trả nợ, nên vừa rồi xóm đã xác nhận, đề nghị ngân hàng khoanh nợ, nếu không mẹ con chị ấy sẽ không biết sống ra sao” – ông Hoàng Văn Việt, xóm trưởng xóm Song Giang nói với tôi.
Lời ông trưởng xóm dứt tôi nhìn sang mấy mẹ con chị Thắm đầu chít khăn tang, những khuôn mặt bất thần mà quặn lòng. Bé Đức Phát sau mấy muỗng nước cơm đã lím dím ngủ trong vòng tay mẹ. Thương Đức Phát bé bỏng, bé ngủ một cách ngon lành mà không biết rằng, lúc tỉnh dậy và cả chuỗi ngày dài phía trước bé sẽ sống trong cơn khát sữa, bé chỉ có nước cơm, nước cháo mỗi ngày…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Chị Trần Thị Thắm, xóm Song Giang, xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 01688.962.647.
Văn Dũng/ Dân Trí