Người đương thời

Hà Tĩnh: Tấm gương say mê lao động của người đàn ông tật nguyền

Bị liệt đôi chân, dù phải ngồi xe lăn nhưng anh Nguyễn Văn Công (40 tuổi, quê xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không đầu hàng số phận, đã cần mẫn làm đủ nghề để không chỉ tự nuôi sống bản thân, mà còn nuôi em ăn học, gửi tiền về quê nuôi bố mẹ già.

  >> Kỳ Anh: Chàng thanh niên mạng dạn trong phát triển kinh tế trang trại

Anh Công bên sản phẩm in ở Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn

Anh Công bên sản phẩm in ở Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn

Vượt lên số phận

Chúng tôi ghé thăm Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh và được chứng kiến tận mắt nghị lực phi thường của anh Nguyễn Văn Công. Sinh ra trong gia đình nghèo có 5 anh em, Công phải nghỉ học từ năm cấp 2 để đi làm thuê hỗ trợ cha mẹ nuôi các em. Đang ở tuổi đôi mươi trai tráng thì trong một lần đi làm việc quá sức, bị lên cơn sốt, Công bỗng dưng bị liệt đôi chân. Mặc dù đã nhập viện cứu chữa, đi châm cứu nhiều nơi nhưng không khỏi. Anh chấp nhận phải sống cuộc sống tật nguyền suốt 20 năm nay.

“Ngày đó, tôi chán nản lắm, từ một thanh niên đang khỏe mạnh, bình thường bỗng thành tật nên nhiều khi định tìm đến cái chết. Thế nhưng sau khi đến với Trung tâm này, thấy nhiều người cũng như mình mà vẫn sống, vẫn làm việc lạc quan nên tôi đã mất hẳn đi ý nghĩ tiêu cực đó và càng quyết tâm hơn để vượt lên số phận” – anh Công trải lòng.

Ngày mới đến Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật ở tỉnh Hà Tĩnh, Công theo học nghề mộc, dù đã trở thành một người thợ lành nghề, cùng với nhiều học viên khác đã tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, máy móc của Trung tâm bị hỏng hóc không được sửa chữa và những nguyên nhân từ thị trường khiến nghề này bị gác lại. Cuộc sống của anh chị em học viên lại bước sang giai đoạn khó khăn, Trung tâm thăm dò và chuyển sang nghề in lưới. Để chủ động, Công lại mày mò đến với nghề tin học văn phòng. Sau những nỗ lực không ngừng, anh cùng với 5 người khác trong Tổ in của trung tâm đã đảm nhận công việc thành thạo suốt 4 năm nay, cung cấp các sản phẩm in cho khách hàng với mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Bên góc căn phòng nhỏ, anh Công còn tranh thủ uốn lưỡi câu vào ban đêm. Ảnh: Trần Tuấn 

Với một người tật nguyền được miễn phí phòng trọ tại Trung tâm, mức lương đó tạm đủ sống. Thế nhưng, không bằng lòng với thực tại, Công còn tự đi kết nối và nhận uốn lưỡi câu cho một tiểu thương ở chợ Hà Tĩnh. Thời gian được anh tranh thủ làm vào ban đêm từ sau lúc ăn cơm tối đến 22h hàng ngày trong căn phòng chật hẹp của mình. Công việc này bình quân cũng mang lại thu nhập cho anh khoảng 3 triệu/tháng. Với mức thu nhập từ 2 nguồn như thế, mấy năm trước, Công gửi nuôi em gái ăn học. Nay em đã ra trường, anh lại tích góp gửi về nuôi bố mẹ già.

Tấm gương miệt mài lao động

Đến căn phòng của Công ở Trung tâm, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ anh, bởi từ đồng tiền mồ hôi nước mắt của một người khuyết tật, không chỉ gửi về cho gia đình, Công còn sắm sửa được đầy đủ tiện nghi từ xe máy, tủ lạnh, ti vi, đầu chiếu, máy giặt, tủ quần áo…Tất cả đều rất ngăn nắp, sạch sẽ mà những người lành lặn chẳng dễ gì có được như thế.

Vật chất với Công có lẽ như thế đã tạm hài lòng. Có chăng, anh còn thiếu một người vợ bên cạnh để cùng chia sẻ buồn vui, dựng xây hạnh phúc. Hỏi về chuyện vợ con, anh tỏ ra ngại ngần nói “Tuổi nhiều rồi cũng chẳng muốn nghĩ đến nữa”. Nghe là vậy, nhưng dường như trong sâu thẳm, nỗi khát khao về một mái ấm gia đình trong anh còn mạnh lắm.

Ông Lê Đình Ý – Giám đốc Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh nhận xét: “Dù tật nguyền nhưng Công làm được rất nhiều việc có ích cho xã hội, là một tấm gương lao động mà mọi người cần học tập, kể cả những người lành lặn”.

Clip anh Công cần mẫn lao động vượt qua tật nguyền:

Trần Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP