Kinh tế

Hà Tĩnh sắp có Dự án Nhà máy điện sinh khối gần 11 triệu USD ở Đức Thọ

Một doanh nghiệp vừa mới "khai sinh" ở Hà Tĩnh đã đề xuất đầu tư Dự án Nhà máy điện sinh khối công suất 5MW. Dự án có diện tích sử dụng đất hơn 16,6ha ở huyện Đức Thọ với tổng mức đầu tư 10,8 triệu USD.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà vừa có ý kiến chỉ đạo, giao UBND huyện Đức Thọ, các Sở của địa phương này rà soát, đề xuất các nội dung theo đúng quy định, đúng thẩm quyền, phù hợp định hướng phát triển; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các nội dung liên quan đến Dự án Nhà máy điện sinh khối Hùng Anh tại huyện Đức Thọ.

Theo dữ liệu trong hồ sơ dự án mà Reatimes có được, Nhà máy điện sinh khối Hùng Anh được xây dựng trên diện tích đất khoảng 16,62ha tại xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng xanh Hùng Anh - Hà Tĩnh đề xuất đầu tư.

Nhà máy điện sinh khối Hùng Anh được xây dựng trên diện tích đất khoảng 16,62ha tại xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Hồ sơ dự án)

Quy mô xây dựng các hạng mục gồm: Nhà văn phòng, nhà ở cho cán bộ, công nhân viên; nhà máy chính với các khu vực lò hơi - tua bin và thiết bị bổ trợ; khu vực tiếp nhận và tích trữ nhiên liệu; ống khói; hệ thống đường dây truyền tải 35kV... Các hạng mục, công trình trong khu phù hợp với điều kiện khí hậu, hướng gió tốt, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo tiêu chí phát triển bền vững.

Nhà đầu tư cho biết, Nhà máy điện sinh khối Hùng Anh có quy mô công suất lắp đặt 5MW, dựa trên khả năng cung cấp nguyên liệu sinh khối, các công nghệ có thể áp dụng cho dự án, điều kiện tự nhiên địa điểm của dự án đề xuất cấu hình nhà máy sử dụng 06 modul HRBV 900, mỗi modul bao gồm 03 HRBV 300, mỗi tổ máy có cấu hình như sau: Hệ thống tiếp nhiên liệu + hệ thống khí hóa gỗ + hệ thống máy phát điện.

Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng dự kiến là 268.180.000.000 đồng (tương đương 10,8 triệu USD). Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 80.500.000.000 đồng (tương đương 30% tổng mức đầu tư xây dựng dự kiến). Vốn huy động (vốn vay) là 187.600.000.000 đồng (tương đương 70% tổng mức đầu tư xây dựng).

Một số hình ảnh tại vị trí dự án. (Ảnh: Hồ sơ dự án)

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được giao đất. Tiến độ dự kiến thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư là 36 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất; tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành được chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, năm 2024, lập báo cáo đề xuất đầu tư, trình UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành xem xét, phê duyệt. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đưa dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Giai đoạn từ năm 2025 - 2026, triển khai các thủ tục chuẩn bị xây dựng dự án và khởi công xây dựng, mua sắm thiết bị và lắp đặt máy, thiết bị của dự án. Hoàn thành xây dựng, đưa dự án vào vận hành thương mại, phát điện lên lưới.

Nhà đầu tư khẳng định có đầy đủ năng lực kỹ thuật cũng như năng lực tài chính để thực hiện thành công dự án. Hơn nữa, địa điểm xây dựng nhà máy nằm trong khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản và có diện tích rừng trồng keo lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, vị trí còn nằm trong khu vực quy hoạch đất năng lượng trong quy hoạch sử dụng đất Hà Tĩnh nên không phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất của dự án vào khoảng 16,62 ha. Hiện trạng khu vực phần lớn là đất rừng sản xuất, chủ yếu được trồng keo thuộc xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ. Trạm biến áp và nhà điều hành được xây dựng trong khu vực dự án.

Tổng chi phí sơ bộ giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 17.392.691.804 đồng (Ảnh: Hồ sơ dự án)

Sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và dựa trên bộ bản vẽ thiết kế cơ sở cùng với kết quả khảo sát đo đạc thực tế ngoài hiện trường, nhà đầu tư sẽ phối hợp với các sở ban ngành của địa phương lập phương án đền bù cho phần diện tích đất sử dụng của dự án, định mức đền bù thiệt hại hoa màu cho những hộ dân có đất nằm trong diện tích đất giải phóng mặt bằng của dự án.

Nhà đầu tư cam kết ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực ngoài hàng rào dự án; có phương án khả thi trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng và chuyển đổi nghề cho người dân có đất bị thu hồi.

Trên cơ sở đánh giá tình trạng nhân lực kỹ thuật của Việt Nam và dựa vào kinh nghiệm vận hành của các nhà máy nhiệt điện hiện có, chủ đầu tư cho biết sẽ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 72 người. Được chia thành 3 khối gồm: Khối vận hành (51 người); Khối bảo dưỡng sửa chữa (6 người); Khối Quản lý và hành chính (15 người).

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng xanh Hùng Anh - Hà Tĩnh thành lập ngày 22/01/2024, có trụ sở tại thôn Đại Lợi, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện. Ông Nguyễn Duy Hùng (SN 1984) quê quán Thanh Hóa là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Nếu chỉ dựa trên thông tin ngày "khai sinh" thì đây là doanh nghiệp quá trẻ, đặt dấu hỏi về năng lực và kinh nghiệm, tuy nhiên, theo các cứ liệu mà Reatimes có được thì ẩn sâu trong nội bộ của Hùng Anh - Hà Tĩnh là những "ông lớn" đáng lưu ý đến từ tỉnh Quảng Trị và TP.HCM.

Không những thế, Hùng Anh - Hà Tĩnh còn có sự "hậu thuẫn" đến từ TK Energy, đây là tập đoàn đến từ Nhật Bản chuyên phát triển và đầu tư các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện rác) trên toàn Đông Nam Á với tổng quy mô công suất lên đến 1.000MW./.

Tác giả: Phương Nam

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP