>> Hàng loạt mỏ đá ở Hà Tĩnh ngắc ngoải ‘chờ chết’ (Kỳ 1)
>> Vì sao hàng loạt mỏ đá ở Hà Tĩnh ngắc ngoải chờ chết? (Kỳ 2)
“Thoi thóp” chờ chết
Nhìn vào không khí nhộn nhịp, “ăn nên làm ra” cách đây vài năm, không ai nghĩ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, hàng loạt mỏ đá trên địa bàn Kỳ Anh bỗng trở nên đìu hiu, ảm đạm, đá làm ra “không ma nào thèm mua” như hiện nay.
Nhiều chủ mỏ cho biết, lúc siêu dự án Fomorsa đi vào khởi công, các đầu nậu mua đá phao tin đại dự án này sẽ cần hơn 40 triệu khối đá phục vụ cho việc xây dựng. Thông tin này khiến các nhà đầu tư đổ xô vào Kỳ Anh làm đá.
Hàng loạt mỏ đá tại địa bàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trong tình trạng ngắc ngoải chờ chết |
Chỉ riêng huyện Kỳ Anh, chỉ trong một thời gian ngắn hơn 60 mỏ được cấp “hỏa tốc”, nguồn cung dồi dào, nhưng ngược lại thực tế Fomorsa sử dụng khối lượng ít hơn nhiều. Hơn nữa, sau thời kỳ “cao điểm” sử dụng đá phục vụ cho xây dựng nền móng cho các công trình thì hiện nay nhu cầu của Fomorsa cũng đã “giảm nhiệt” mạnh. Điều này khiến các doanh nghiệp đá đang lâm vào tình trạng lao đao do chênh lệch cung – cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc không lường trước thị trường của các doanh nghiệp, thì việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã không tính trước thị trường tiêu thụ mà tiến hành cấp quyền khai thác khoảng sản tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến “cung” vượt quá “cầu” như hiện nay, và đá sản xuất ra ế ẩm là điều tất yếu.
Mặt khác, giá cấp quyền khai thác khoảng sản ban đầu quá cao. Việc cấp quyền khai thác mỏ từ 20 – 30 năm, tỉnh đã thu tiền, còn chủ mỏ bỏ ra một số lượng tiền rất lớn để đầu tư nhưng chưa thu lại được thì nhiều mỏ đã phải đóng cửa, sống lay lắt qua ngày do sức ép từ giá cả, thuế, nợ nần chồng chất, thị trường cầu bị thu hẹp…
Ngoài ra, hiện thị trường tiêu thụ đá trên địa bàn Hà Tĩnh đã giảm mạnh nhưng giá tính thuế tài nguyên ở Hà Tĩnh vẫn không giảm, thậm chí là cao nhất so với các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Hơn nữa, cách tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng còn nhiều bất cập. Trong thực tế quá trình khai thác công ty sẽ không lấy được hết các trữ lượng địa chất theo báo cáo thăm dò mà phải trừ lại một phần làm vành đai an toàn chống sạt lở sau khi kết thúc khai thác. Vì vậy, nếu áp dụng theo công thức tính tiền dựa trên trữ lượng trong giấy phép thì doanh nghiệp không thể thực hiện được. Việc tính giá cấp quyền khai thác như vậy sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong khi thực trạng khó khăn hiện nay.
Tất cả những nguyên nhân này khiến cho hàng loạt mỏ đá hoạt động trên địa bàn Kỳ Anh đang lâm vào tình trạng “thoi thóp”, “ngắc ngoải chờ chết”.
“Tiên lượng thị trường cung – cầu như thế nào thì do doanh nghiệp”
Để hiểu rõ hơn về thực trạng này, PV Báo Tầm Nhìn đã có cuộc trao đổi với ông Võ Tá Đinh – Giám đốc Sở TN& MT tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Võ Tá Đinh – Giám đốc Sở TN& MT tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Nguồn Internet) |
Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp quyền khai thác ồ ạt, tràn lan hàng chục mỏ đá trên địa bàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhưng không tiên lượng trước thị trường cung – cầu, dẫn đến chỉ sau ít năm đi vào hoạt động hàng loạt mỏ đá đã dở sống, dở chết thậm chí là phải đóng cửa vì cung nhiều hơn cầu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Võ Tá Đinh: Việc cấp mỏ là theo quy hoạch của UBND tỉnh, nếu nhu cầu doanh nghiệp xin cấp quyền khai thác mỏ đáp ứng được các yêu cầu năng lực thì tỉnh sẽ cấp. Còn việc tiên lượng thị trường cung – cầu như thế nào thì do doanh nghiệp trước khi xin cấp mỏ phải lường được thị trường. Việc này cơ quan nhà nước không thể tiên lượng cho doanh nghiệp được mà doanh nghiệp phải tự tiên lượng cho mình.
Phóng viên: Hiện tại, giá tính thuế tài nguyên ở Hà Tĩnh vẫn không giảm, thậm chí là cao nhất so với các tỉnh Bắc Trung Bộ, dù giá đá trên địa bàn Kỳ Anh nói riêng và cả tỉnh nói chung đã giảm mạnh. Vì sao thưa ông? Trong thời gian tới, tỉnh có điều chỉnh giá hay không?
Ông Võ Tá Đinh: Việc tính và áp giá thu thuế tài nguyên là do quy định của tỉnh và các ngành, trong các cuộc họp đã nói rồi. Trước năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh tính thuế tài nguyên là tính tạm, sau đó xin ý kiến của Bộ TN&MT thì Bộ cho ý kiến sau đó Sở tham mưu với UB tỉnh thống nhất giá. Nhưng vừa qua, Hiệp hội đá Kỳ Anh phản ánh về giá cao thì Sở đã xin ý kiến của Bộ TN&MT xem xét lại. Tới đây, có điều chỉnh hay không thì cũng phải có ý kiến của Bộ TN&MT, hiện tại thì Bộ chưa có ý kiến.
Phóng viên: Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Kỳ Anh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung cho rằng, việc tính trữ lượng khai thác còn rất nhiều bất cập. Trong thực tế, quá trình khai thác công ty phải trừ lại một phần làm vành đai an toàn chống sạt lở sau khi kết thúc khai thác chứ sẽ không lấy được hết các trữ lượng địa chất theo báo cáo thăm dò. Vì vậy nếu áp dụng theo công thức tính tiền dựa trên trữ lượng trong giấy phép thì doanh nghiệp không thể thực hiện được. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Võ Tá Đinh: Trữ lượng khai thác thì do doanh nghiệp xem xét, tính toán trước khi xin cấp quyền khai thác mỏ. Nếu doanh nghiệp đưa ra trữ lượng thăm dò để xin cấp quyền khai thác như thế nào là do doanh nghiệp. Tỉnh chỉ thu tiền theo trữ lượng doanh nghiệp tính toán và xin cấp quyền khai thác bao nhiêu. Nếu không thể khai thác hết trữ lượng cho phép thì xin điều chỉnh từ đầu, không điều chỉnh thì phải nộp tiền theo trữ lượng ban đầu thôi, điều này là do doanh nghiệp…
Không những vậy, việc tính tiền về trữ lượng cấp quyền khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng còn nhiều bất cập. Theo Nghị định số 203/2013NĐ –CP thì trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng địa chất ghi trong giấy phép.
Phóng viên: Các doanh nhiệp khai thác đá cho rằng việc tính giá cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là chưa thuyết phục, chưa phù hợp. Xin ông cho ý kiến về vấn đề này?
Ông Võ Tá Đinh: Về vấn đề này thì đồng chí Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ có ý kiến trả lời trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Sau đây là một số hình ảnh về bức tranh ảm đạm, của hàng loạt mỏ đá trên địa bàn Kỳ Anh trong tình trạng sống lay lắt, cầm cự qua ngày mà PV ghi lại từ các mỏ.
Hàng loạt mỏ đá tại địa bàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trong tình trạng ngắc ngoải chờ chết |
Nhiều dây chuyền hiện đại được đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng tại các mỏ đá chỉ hoạt động khoảng trên dưới 20% công suất. |
Nhiều dây chuyền, máy móc… tiền tỷ, đắp chiếu, hoen rỉ không hoạt động. |
Lượng hàng sản xuất ra không bán được, khiến các mỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nộp các khoản thuế, nuôi sống công nhân, máy móc… |
Đặng Sơn – Hà Vy / theo Tầm Nhìn